1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cuộc chiến nước ở Himalaya

Một kịch bản tệ hại hơn nhiều cuộc khủng hoảng tị nạn ở châu Âu có thể xuất hiện nếu các sông băng ở Himalaya bị tổn hại

Trong kỷ nguyên của sự bất ổn toàn cầu này, nguy cơ xảy ra khủng hoảng và xung đột càng tăng bởi tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự quản lý tài nguyên thiên nhiên kém cỏi và những triển vọng kinh tế hạn chế đe dọa sinh kế của các cộng đồng.

Dãy núi Himalaya là nơi đang được theo dõi về những nguy cơ nêu trên. Tình trạng thiếu hụt nước và những thay đổi bất ngờ về khí hậu ảnh hưởng đến nông nghiệp đang dẫn đến căng thẳng giữa những quốc gia có chung biên giới phức tạp và hệ sinh thái xuyên biên giới. Những sông băng trên dãy Himalaya nằm trong số các hệ sinh thái mong manh và dễ bị tổn thương nhất thế giới hiện nay.

Các hệ thống sông ngòi của Trung Quốc, Đông Á và Đông Nam Á - chảy từ các sông băng Himalaya này - là nguồn cung cấp nước và thực phẩm cho một nửa nhân loại, trong lúc chia sẻ hệ sinh thái với Trung Á và các thảo nguyên ở Mông Cổ. Các nơi này cũng nằm trong số những khu vực phát triển kém nhất về kinh tế và thu hút đầu tư. Tầm quan trọng của việc ngăn ngừa khủng hoảng thông qua cả đối thoại và hành động vừa cấp bách vừa cần thiết, trong đó tập trung vào vấn đề giảm bớt tình trạng gián đoạn khí hậu, bảo vệ môi trường và văn hóa các cộng đồng ở thượng nguồn, hạ nguồn.

Châu Âu thời gian qua đã chứng kiến dòng người tị nạn lớn nhất kéo đến kể từ Thế chiến II. Một kịch bản tệ hại nhiều hơn thế có thể xuất hiện nếu các sông băng và hệ sinh thái vùng Himalaya Hindu-Kush (trải dài 3.500 km qua 8 quốc gia, từ Afghanistan ở phía Tây đến Myanmar ở phía Đông) bị tổn hại nghiêm trọng hoặc xảy ra những thảm họa ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc sống con người. Riêng mùa mưa năm nay, lụt lội đã khiến số lượng người khổng lồ ở Pakistan, Nepal và Bangladesh phải rời bỏ nhà cửa.

Với những nguy cơ tổn thương ngày càng tăng này, đã đến lúc cần có một hướng tiếp cận sáng tạo nhằm ngăn chặn, giảm nhẹ khủng hoảng và hóa giải xung đột. Hướng tiếp cận này cần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao trùm, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm, tạo điều kiện thuận lợi để hóa giải xung đột - tất cả được hỗ trợ bởi những phương thức phân tích dữ liệu hiện đại.


Người dân dùng nước sinh hoạt tại ngôi làng Samzong ở Nepal Ảnh: WAFMAG.ORG

Người dân dùng nước sinh hoạt tại ngôi làng Samzong ở Nepal Ảnh: WAFMAG.ORG

Sáng kiến Himalayan Consensus (tạm dịch: "Đồng thuận Himalaya") ra đời nhằm ngăn chặn xung đột và khủng hoảng bằng cách tăng cường phát triển nguồn năng lượng thay thế và thăm dò những giải pháp năng lượng hiệu quả cho cộng đồng. Điều này sẽ đạt được thông qua giải quyết các thách thức nguồn nước xuyên biên giới, cùng với xử lý vấn đề bảo tồn, tái sử dụng và tái chế nước. Việc sử dụng sáng tạo nguồn tài chính toàn cầu cũng là thành phần thiết yếu đối với khả năng phục hồi và tính bền vững của cộng đồng.

Hôm 14-11, Viện Himalayan Consensus và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Nepal đã thiết lập quan hệ đối tác để thực hiện Sáng kiến Himalayan Consensus về giảm nhẹ khủng hoảng và xung đột. Những tác động từ sáng kiến này có khả năng vượt qua ngoài biên giới Nepal. Người ta hình dung rằng các chương trình tương tự có thể được thực thi khắp thế giới đang phát triển trong nỗ lực giải quyết gốc rễ của xung đột.

Viện Himalayan Concensus tham gia cùng UNDP trong việc thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Cả hai tổ chức này đều nhận thấy rằng những thách thức, nguy cơ và giải pháp cần thiết để giảm nhẹ khủng hoảng, xung đột đòi hỏi một phương thức tiếp cận đa ngành mang tính tổng thể, dựa vào cộng đồng và bền vững. Để làm được điều này, quan trọng là cân bằng 3 khía cạnh phát triển bền vững: kinh tế - xã hội và môi trường.

Sáng kiến chung này sẽ tập trung phát triển những hệ thống cảnh báo sớm để giúp các chính phủ, cộng đồng chuẩn bị tốt hơn cho tình huống khẩn cấp; huấn luyện những người hòa giải ở địa phương dựa trên nguyên tắc cộng đồng là những người biết rõ nhất; tổ chức các cuộc hội thảo để các bên tham gia hiểu nhau rõ hơn và xác định những giải pháp có thể được tất cả chấp nhận.

Sáng kiến Himalayan Consensus để giảm nhẹ khủng hoảng và xung đột cũng phù hợp và đóng góp vào Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững. Đây là kế hoạch hành động của Liên Hiệp Quốc dành cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng. Xung đột có thể được giảm bớt bằng cách chấp nhận những khác biệt, sự đa dạng và gắn kết chúng với việc bảo vệ sinh kế, môi trường.

Người ta tin rằng xung đột phát sinh khi quyền lợi kinh tế và con người không được xem trọng. Sự coi thường này nếu trở nên cực đoan và không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến sự quá khích về chính trị. Một lần nữa, giải pháp dài hạn ở đây là hiểu rõ và giải quyết gốc rễ vấn đề.

Theo Ngô Sinh

Người lao động