1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Cục diện Biển Đông tăng nhiệt vì Trung Quốc thấy băng cháy?

Trung Quốc công bố kết quả tìm thấy băng cháy ở Biển Đông sau khi đã cải tạo đầy đủ các cơ sở vật chất trên các đảo nhân tạo trái phép.

Guangzhou Daily ngày 26/6 dẫn nguồn Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc cho hay băng cháy được phát hiện tại Biển Đông, gần lưu vực cửa sông Châu Giang.

Đợt thăm dò mới nhất ở phía tây lưu vực cửa sông châu Giang, Trung Quốc phát hiện một dải băng cháy trải rộng 350 km2 cùng các suối nước lạnh ở độ sâu 1.350 tới 1.430 m dưới mực nước biển.

Giới chức Trung Quốc không đưa ra con số ước tính về trữ lượng băng cháy mới nhất có thể sản xuất ra bao nhiêu lượng khí đốt tự nhiên.

Băng cháy là nguồn nguyên liệu sạch và dự đoán sẽ gây tăng nhiệt trên Biển Đông.
Băng cháy là nguồn nguyên liệu sạch và dự đoán sẽ gây tăng nhiệt trên Biển Đông.

Chính phủ Trung Quốc từng khẳng định về sự tồn tại của băng cháy ở Biển Đông, gần lưu vực cửa sông châu Giang 3 năm trước. Họ cho rằng, khu vực này có thể chứa 100 tới 150 tỷ m3 khí đốt tự nhiên. Tháng 8/2014, Bắc Kinh thông báo về kế hoạch khai thác băng cháy ở Biển Đông vào năm 2017.

Cuộc thăm dò do tàu lặn điều khiển từ xa mang tên Seahorse thực hiện và chia làm 3 đợt, từ tháng 5 năm ngoái tới tháng 10 và tháng 3 năm nay. Tàu Seahorse có thể lặn ở độ sâu 4.500 m.

Băng cháy hay còn gọi là methane hydrate, được hình thành từ khí methane nén chặt trong băng bên dưới đáy biển. Nó là nguồn năng lượng khổng lồ. Cứ một m3 băng cháy chứa khoảng 164 m3 khí đốt tự nhiên vì nó ở thể nén.

Theo Bộ Năng lượng Trung Quốc, nguồn năng lượng của mê-tan ở dạng hydrate có thể có thể vượt quá lượng năng lượng của tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch từng được biết đến. Ngoài ra, hydrate đông lạnh có rất ít tạp chất, nên có thể coi đây là một nguồn năng lượng sạch, ít ô nhiễm so với dầu mỏ hay khí đốt tự nhiên.

Cục diện Biển Đông nóng vì băng cháy?

Trung Quốc đã ngang ngược tiến hành các thủ đoạn cải tạo đảo trên hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nước này cũng liên tục bồi lấp, xây dựng loạt cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo và âm mưu quân sự hóa Biển Đông.

Mới đây, Bắc Kinh còn tuyên bố sẽ lập trung tâm nghiên cứu Biển Đông ở dưới biển để phục vụ công cuộc khai phá thiên nhiên và tìm kiếm nguồn năng lượng.

Khi Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản luôn dẫn đầu những nước nhập khẩu năng lượng nhiều nhất, băng cháy sẽ thực sự là những nguyên do cho cuộc chạy đua khai thác và gia tăng căng thẳng vì những tranh chấp lãnh thổ.

Tàu lặn điều khiển từ xa mang tên Seahorse làm nhiệm vụ thăm dò băng cháy dưới biển. Ảnh: SCMP
Tàu lặn điều khiển từ xa mang tên Seahorse làm nhiệm vụ thăm dò băng cháy dưới biển. Ảnh: SCMP

Giới quan sát nhận định, một trong những mục đích của âm mưu chiếm Biển Đông mà Trung Quốc đang thực hiện là giành được "mỏ vàng" mang tên băng cháy.

Tháng 3/2013, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khai thác thành công khí đốt từ băng cháy trong cuộc thử nghiệm ngoài khơi nước này.

Hồi tháng 7/2014, Trung Quốc đã vạch kế hoạch khai thác băng cháy ở Biển Đông. Tại hội nghị quốc tế về khí hydrat, giới chức trách Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch mới để khai thác băng cháy ở Biển Đông vào năm 2017.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng cường thăm dò và nghiên cứu hệ thống để thương mại hóa các nguồn năng lượng vào năm 2030.

Trang mạng CriEnglish của Trung Quốc dẫn lời Zhang Haiqi, Giám đốc cơ quan khảo sát địa chất TQ nói: "TQ là một trong số ít các nước trên thế giới có triển vọng lớn về tài nguyên này. Có khoảng 10 tỉ tấn dầu cả trên đất liền và ở biển, tương đương với tổng lượng dự trữ dầu và khí tự nhiên ở TQ".

Theo tính toán của các nhà khoa học, toàn bộ khu vực Biển Đông đứng thứ 5 châu Á về băng cháy và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trữ lượng băng cháy khá lớn.

Trên Đất Việt, TS Nguyễn Như Trung - Trưởng phòng nghiên cứu địa từ và địa điện thuộc Viện địa chất và địa vật lý biển cho biết: "Ở Biển Đông những khu vực có khả năng tồn tại băng cháy ở độ sâu từ 300-3000m nước, do vậy tiềm năng cho khu vực này rất cao. Ví dụ như khu vực ở phía Nam Hoàng Sa, khu vực bồn Vũ Khánh, khu vực phía Đông vũng Nam Côn Sơn, khu vực phía trên Vũng Mây và Trường Sa đều là những khu vực có trữ lượng rất lớn.”

Hồi tháng 2/2013, PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh cho hay, đang tiến hành phối hợp với Nga để nghiên cứu về băng cháy và các khoáng sản đáy biển.

Theo Kim Hoa

Đất Việt