1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Cần có quy tắc ứng xử chung cho lực lượng tuần duyên các nước ở Biển Đông"

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng thủ tục hành chính và lợi ích xung đột về chủ quyền đang cản trở những nỗ lực thành lập bộ quy tắc ứng xử của lực lượng tuần duyên tại Biển Đông, bất chấp những nguy cơ gia tăng tại vùng biển có tranh chấp chủ quyền này có thể dẫn tới xung đột.


Một tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Một tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc. (Ảnh: SCMP)

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, giới quan sát cho rằng một phần của vấn đề trên chính là việc các lực lượng tuần duyên thường thuộc về các cơ quan chính phủ, đặc biệt là tại Trung Quốc, nơi chính quyền vẫn tập trung coi đây là lực lượng thực thi pháp luật trên biển, qua đó khiến Bắc Kinh khó có thể đưa ra cam kết về một bộ quy tắc ứng xử.

Căng thẳng tại Biển Đông đã gia tăng thời gian qua sau khi Trung Quốc có những hành động khiến các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á lo ngại, cũng như đã xảy ra một số vụ bám sát giữa tàu chiến Trung Quốc và Mỹ thời gian qua. Tuy nhiên, tư lệnh hải quân các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã thống nhất được về quy tắc ứng xử cách đây 2 năm nhằm hạn chế các cuộc va chạm bất ngờ giữa tàu chiến và máy bay chiến đấu.

Thời gian qua, xuất hiện những quan ngại mới trong bối cảnh lực lượng tuần duyên các nước tăng cường tuần tra trên biển. Tuy nhiên, các vụ va chạm vẫn chưa gia tăng như ở mức độ đối đầu quân sự. Ông Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapoire, cho rằng việc thiếu một bộ quy tắc ứng xử giữa các lực lượng tuần duyên có thể gây ra rắc rối.

Ông Tang nói: "Quy tắc về các sự cố vô tình trên biển (CUES), mà tất cả các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đã ký, chỉ mới được thông qua cho tàu chiến và không bao gồm tàu của các lực lượng tuần duyên, các đội tàu cá và các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển. Khoảng cách này là đáng lo ngại trong bối cảnh các vụ va chạm giữa tàu của lực lượng tuần duyên và tàu đánh cá các nước đã gia tăng ở Biển Đông thời gian qua, và có thể trở thành một điểm nóng dẫn tới xung đột".

Như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường vị thế của một cường quốc về biển, tàu của lực lượng hải cảnh và hải giám Trung Quốc đã tăng cường tuần tra ở các vùng biển thời gian qua. Theo báo cáo của Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ, Trung Quốc hiện có 205 tàu thuộc lực lượng hải cảnh, trong đó có 95 tàu có lượng giãn nước lên tới hơn 1.000 tấn và nhiều tàu được cải tiến lại từ tàu chiến. Nhật Bản có 78 tàu thuộc lực lượng tuần duyên, Indonesia có 8 tàu, Philippines có 4 và Malaysia có 2.

Các vụ va chạm liên quan tới tàu của lực lượng tuần duyên các nước đã trở nên thường xuyên thời gian qua. Hồi tháng 3 vừa qua, Indonesia cho biết một tàu của Hải cảnh Trung Quốc đã tìm cách đâm vào tàu cá của nước này bị lực lượng tuần duyên Indonesia bắt giữ tại căn cứ ở quần đảo Natuna, buộc Jakarta phải thả tàu cá này. Ông Tang cho rằng: "Một biện pháp hữu dụng nhằm hướng tới quy tắc về các sự cố vô tình trên biển bao gồm việc thiết lập một đường dây nóng trực tiếp giữa chỉ huy các lực lượng tuần duyên trong khu vực, qua đó kiểm soát các vụ việc đáng tiếc trong thời gian nhanh nhất có thể".

ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí cân nhắc một đề xuất xây dựng bộ quy tắc, bao gồm cả cho các lực lượng tuần duyên. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy hồi tháng trước, chính Bắc Kinh đã đề nghị Hải quân và lực lượng Hải cảnh nước này xem lại hành vi của họ sau những vụ va chạm hồi năm 2013 và 2014. Những vụ việc này bao gồm một vụ suýt xảy ra va chạm giữa tàu USS Cowpens của Mỹ và một tàu chiến của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, hay vụ tàu Hải giám Trung Quốc liều lĩnh đâm va các tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam gần giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt phi pháp trong vùng biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho rằng Bắc Kinh không cảm thấy phải khẩn trương khi thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm việc thảo luận về bộ quy tắc ứng xử cho lực lượng tuần duyên, với các nước ASEAN. Ông Ashley Townshend, đồng tác giả bản báo cáo của Viện Lowy và là chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney, cho rằng: "Trung Quốc không mấy quan tâm tới va chạm giữa các lực lượng tuần duyên ở Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á vì lực lượng tuần duyên của những nước này không quá mạnh. Trung Quốc thường coi những vụ va chạm như thế khó có thể dẫn tới xung đột lớn".

Ông Townshend cũng cho rằng thiết lập một bộ quy tắc ứng xử cho lực lượng tuần duyên khó hơn nhiều so với việc chỉ thông qua bộ quy tắc CUES sẵn có cho lực lượng Hải quân vì lực lượng tuần duyên thuộc quyền chỉ đạo của nhiều cơ quan khác nhau trong chính phủ. Ví dụ tại Trung Quốc, lực lượng hải cảnh được thành lập vào năm 2013 khi Bắc Kinh bắt đầu tập trung quyền hạn thực thi pháp luật trên biển cho các cơ quan khác nhau, ví dụ như dưới sự kiểm soát về mặt hành chính của Cục Quản lý Đại dương Quốc gia hay về mặt hoạt động thuộc Bộ Công an nước này. Theo ông Townshend, cải cách đang được tiến hành và nhiều cơ quan chính phủ chồng chéo trách nhiệm trong lực lượng Hải cảnh của Trung Quốc khiến khó có khả năng Bắc Kinh đưa ra cam kết về bộ quy tắc ứng xử mới cho các lực lượng tuần duyên.

Một vấn đề khác là về chủ quyền vì một bộ quy tắc đồng nghĩa với việc lực lượng tuần duyên đang chịu quy định từ luật pháp trong nước phải chuyển sang tuân thủ luật pháp quốc tế với các nước khác. Chuyên gia Townsend nói: "Trong trường hợp Philippines và Trung Quốc triển khai các hoạt động của lực lượng tuần duyên xung quanh vùng biển họ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, một bộ quy tắc ứng xử chung có thể ảnh hưởng tới câu hỏi lớn về thẩm quyền hàng hải và chủ quyền".

Trong khi đó, ông Michael Vatikiotis, Giám đóc Trung tâm Đối thoại về nhân đạo, cho rằng phán quyết sắp tới của Toà án Thường trực Quốc tế về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Bắc Kinh. Ông nhận định: "Đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm trước khi toà án ra phán quyết. Sẽ rất khó cho Hải quân và lực lượng hải cảnh Trung Quốc trong vấn đề này vì họ chưa thực sự sẵn sàng đưa ra cam kết với một thoả thuận về ứng xử trên biển".

Ngọc Anh

Theo SCMP