Bức tranh kinh tế toàn cầu 2018: Lạc quan với nhiều gam màu sáng
(Dân trí) - Các tổ chức kinh tế danh tiếng quốc tế và khu vực đã đưa ra dự báo rất lạc quan về nền kinh tế toàn cầu năm 2018, với mức tăng trưởng có thể đạt 3,7%.
Những “đột phá” tăng trưởng
Năm 2018 được dự báo, kinh tế Mỹ khởi sắc với mức tăng trưởng 3% đến 3,1%, kinh tế châu Âu tăng trưởng thấp nhưng ổn định với mức 1,9%, châu Á tiếp tục dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng 5,9%-5,8%. Năng lượng rẻ và hiệu ứng của cách mạng Công nghiệp 4.0 (FIR) sẽ là nhân tố chủ đạo dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kinh tế châu Á có mức tăng trưởng cao với sự “đột phá” của Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc… trở thành động lực, đầu tàu phát triển của kinh tế thế giới. Sự tăng trưởng ấn tượng của một số nền kinh tế châu Á tiếp tục khắc họa những nét lạc quan của nền kinh tế toàn cầu.
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở ở London (Anh) dự báo, Ấn Ðộ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào năm 2018. Đến năm 2032, châu Á sẽ có 5 đại diện trong danh sách 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đó là Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc. Trung Quốc có thể soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cũng theo báo cáo của CEBR, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được dự báo 7,2% trong năm 2018 và 7,4% trong năm 2019, qua đó giúp New Delhi tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
CEBR còn đánh giá, với sự phát triển “thần tốc” này, Ấn Độ có thể vượt “2 nước đàn anh” là Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới ngay trong năm 2018.
Đến nửa sau thế kỷ XXI, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt qua cả Trung Quốc. Phó Chủ tịch CEBR, ông Douglas McWilliams, nhận định Ấn Độ thậm chí còn có thể tiến nhanh hơn nếu không ít nhiều bị cản bước bởi những những vấn đề như đồng tiền có mệnh giá lớn và cải cách thuế còn rối ren.
Nhật Bản vẫn duy trì vị trí số 3 trong bảng xếp hạng gần một thập kỷ tới và chỉ bắt đầu tụt xuống vị trí số 4 vào năm 2027, tuy nhiên đây cũng coi là một nỗ lực lớn. Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản hiện đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/1993. Các chuyên gia kinh tế cấp cao của các Công ty Tài chính Nhật Bản cũng nhận định kinh tế Nhật dự kiến tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm 2018.
Theo giới chuyên gia dự báo, vấn đề tiền tệ quốc tế, năm 2018 cũng chứa đựng những yếu tố bất ngờ, trong đó có sự thay đổi người đứng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Ông Jerome Powell tân chủ tịch FED được cho là sẽ điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản đồng USD với 3- 4 lần trong năm 2018.
Dư luận cũng đang kỳ vọng điều kiện kinh tế sẽ cho phép các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện động thái tương tự như FED. Khi đó, các ngân hàng trung ương lớn được dự báo sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ chậm hơn mức cần thiết.
Giới nghiên cứu hiện đã đưa ra nhiều kỳ vọng đối với tình hình kinh tế trong năm mới. Trước hết, các chính phủ ở nhiều nước bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực công, lương hưu, chăm sóc sức khỏe, vốn đã tăng lên trong nhiều thập niên qua. Tiếp đó, các chính sách mới nhằm vào công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tạo ra sự cân bằng giữa các mối quan tâm cạnh tranh công bằng của các bên liên quan trên thị trường toàn cầu.
Khu vực Eurozone có thể tránh được cuộc khủng hoảng tiền tệ. Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel sau khi thành lập chính phủ liên minh và khôi phục sự ổn định chính trị cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ngoài ra, cải cách cơ cấu lao động thị trường của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang theo đuổi sẽ được chào đón nhiều nhất.
Giai đoạn 2 của cuộc đàm phán Brexit, nhiều khả năng EU 27 và Anh có thể ký một thỏa thuận khôn ngoan về “cuộc chia tay” này, cho phép duy trì quan hệ thương mại khá bền vững sau tháng 3/2019. Tương tự, những triển vọng khác bao gồm việc đàm phán 3 bên gồm Mỹ, Canada và Mexico về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ đạt được kết quả, kích thích thương mại tại châu Mỹ.
Những yếu tố “bền vững” đang được xác lập
Theo nhận định của giới chuyên gia, các tổ chức kinh tế quốc tế, thì sự khởi sắc của nền kinh tế thế giới trong năm 2017 đã tạo tiền đề cho sự đột phá tăng trưởng trong năm 2018, là nhờ hàng loạt sự kiện đặc biệt như, việc bình ổn giá năng lượng, hàng hóa; lòng tin của giới kinh doanh được cải thiện nhờ các cuộc cải cách thuế ở Mỹ, sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và chính sách mới về tăng trưởng của Trung Quốc.
Các nhân tố quan trọng kích thích tăng trưởng về chất đó là: kỹ năng của lực lượng lao động được cải thiện, tiến trình số hóa, đặc biệt là mức tăng trưởng năng suất cao hơn có thể đóng góp vào sự phát triển bền vững và tạo điều kiện tốt hơn cho các công ty trong thập niên tới.
Thương mại toàn cầu sôi động là điểm sáng của kinh tế thế giới, nhất là xuất nhập khẩu diễn ra tại các thị trường đang phát triển và mới nổi. Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và biệt lập dần lắng xuống với sự thất bại của các chính trị gia cực hữu ở châu Âu trong nửa cuối năm ngoái; chính sách “khác lạ” của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn.
Sự khan hiếm lao động đã kích thích nhiều quốc gia tăng mức đầu tư công nghệ mới, cải thiện “chất lượng” đồng vốn, thông qua đầu tư nhiều hơn vào máy móc và thiết bị, đặc biệt là các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số qua đó thúc đẩy năng xuất lao động, nhất là ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu.
Trong thông điệp năm mới từ các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy “lục địa già” đang tràn ngập niềm tin vào năm 2018 tốt đẹp hơn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tiếp tục theo đuổi chương trình cải cách và khởi động việc “phục hưng nước Pháp” trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tiến triển.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ “bắt tay” với ông Macron đẩy mạnh tiến trình hội nhập châu Âu năm 2018. Theo bà Merkel, vấn đề quyết định trong những năm tới là củng cố EU 27 và các thành tựu kinh tế của liên minh, đồng thời tăng cường ranh giới và an ninh vòng ngoài.
Thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng rất lạc quan khi cam kết đẩy mạnh cải cách và mở cửa để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”. Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đến năm 2020 sẽ xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, ông Tập nhấn mạnh rằng năm 2018 và 2019 sẽ là những năm hợp tác và trao đổi ở cấp địa phương giữa Trung Quốc và Nga.
Như vậy, sau gần 10 năm khủng hoảng, năm 2017 kinh tế toàn cầu khởi sắc và năm 2018 sẽ có những bước đột phá về tăng trưởng, do tác động mạnh của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhiều quốc gia đã ứng dụng thành tựu của FIR làm cho tăng năng suất lao động trở nên rõ rệt hơn; yếu tố kỹ năng của lực lượng lao động đóng vai trò tích cực tạo ra sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế thế giới trong những năm tới.
Nhà kinh tế học Bart van Ark nhận định: “Cuối cùng thì tăng trưởng toàn cầu đã thực sự phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính” năm 2008 và nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ có nhiều gam màu sáng.
Nguyễn Nhâm