1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bí ẩn chưa lời giải đáp 1 năm sau đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ

(Dân trí) - Ngày 15/7, hàng chục nghìn người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống đường tuần hành kỷ niệm tròn 1 năm kể từ vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Recep Erdogan. Một năm sau cuộc đảo chính, nhiều bí ẩn đến nay vẫn chưa được giải đáp.


Hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 đã xuống đường tuần hành kỷ niệm 1 năm sau vụ đảo chính bất thành. (Ảnh: Reuters)

Hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/7 đã xuống đường tuần hành kỷ niệm 1 năm sau vụ đảo chính bất thành. (Ảnh: Reuters)

Tại Istanbul, thành phố lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 15/7, những người tuần hành đã diễu qua các tuyến đường hướng về cầu Bosporus, nơi một năm trước đó đã diễn ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa những binh sĩ nổi loạn với những người ủng hộ Tổng thống Erdogan. Hàng nghìn người được nhìn thấy vẫy quốc kỳ, nhiều người thậm chí hô vang: "Chúng tôi là chiến binh của Tổng thống Erdogan".

Về phần mình, Tổng thống Erdogan đã biểu dương những người dân đã dám đứng lên đối đầu với binh sĩ nổi loạn trong cuộc đảo chính năm ngoái. Ông cũng tuyên bố sẽ trừng trị thích đáng những kẻ có liên quan đến âm mưu đảo chính.

Một năm đã trôi qua, 50.000 người bị bắt giữ, 150.000 công chức, cảnh sát, binh sĩ bị sa thải, nhưng đến nay cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều bí ẩn chưa lời giải đáp.

Ai cầm đầu âm mưu đảo chính?


Binh sĩ đảo chính bị khống chế trên cầu Bosporus vào ngày đảo chính. (Ảnh: AA)

Binh sĩ đảo chính bị khống chế trên cầu Bosporus vào ngày đảo chính. (Ảnh: AA)

Vài ngày sau vụ đảo chính bất thành, báo Al Jazeera đã nhận được một loạt tin nhắn rò rỉ qua ứng dụng WhatsApp về kế hoạch đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như những nhân vật đứng sau âm mưu này.

Tin nhắn tiết lộ danh sách hơn 80 người gồm các sĩ quan, bộ trưởng, thẩm phán, công tố viên và thống đốc, được cho là sẽ điều hành đất nước sau khi lực lượng đảo chính ban bố tình trạng khẩn cấp dự định vào 6h sáng ngày 16/7.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, giáo sĩ lưu vong Fethullah Gulen có thể đã đứng sau giật dây cuộc đảo chính. Tuy nhiên, Ankara không đưa ra được bằng chứng nào cho cáo buộc này.

Trong khi đó, giáo sĩ Gulen đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc, đồng thời “tố” ngược chính phủ của Tổng thống Erdogan “dàn dựng” đảo chính.

Đến nay, câu hỏi ai đứng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một bí ẩn lớn.

Những giờ trước đảo chính


Tổng thống Erdogan nói rằng ông đã nhận được tin tình báo về âm mưu đảo chính và đã kịp rời đi trước khi binh sĩ đảo chính đột kích. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Erdogan nói rằng ông đã nhận được tin tình báo về âm mưu đảo chính và đã kịp rời đi trước khi binh sĩ đảo chính đột kích. (Ảnh: Reuters)

Vào ngày diễn ra cuộc đảo chính, Tổng thống Erdogan đang nghỉ tại một khách sạn ở thành phố Marmaris, ven Địa Trung Hải. Tuy nhiên, ông đã kịp rời đi khoảng 1 giờ trước khi binh sĩ nổi loạn đột kích vào đây. Ông Erdogan sau đó cho biết, ông kịp rời đi do nhận được thông tin tình báo.

Các nguồn tin nói rằng, cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ MIT nhận được thông tin tình báo về cuộc đảo chính lúc 14h45 từ một phi công. Theo tin tình báo, những kẻ đảo chính âm mưu bắt cóc Giám đốc MIT Hakan Fidan bắt đầu từ 3 giờ sáng ngày hôm sau.

MIT lập tức chia sẻ thông tin này cho quân đội. Những kẻ âm mưu đảo chính biết kế hoạch bị bại lộ đã quyết định triển khai sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, phải đến 18h30 cùng ngày quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mới bắt đầu hành động để ngăn chặn đảo chính, binh sĩ được đề nghị ở nguyên trong doanh trại, đóng cửa không phận.

Câu hỏi được đặt ra là, tại sao quân đội nước này phải chờ vài tiếng đồng hồ mới hành động.

Tranh cãi trong giới tình báo


Quân đội và cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đẩy trách nhiệm cho nhau về việc chậm phát hiện âm mưu đảo chính. (Ảnh: Reuters)

Quân đội và cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đẩy trách nhiệm cho nhau về việc chậm phát hiện âm mưu đảo chính. (Ảnh: Reuters)

Sau cuộc đảo chính bất thành, một cuộc tranh luận sôi nổi đã diễn ra liên quan đến sự thất bại của cộng đồng tình báo trong việc phát hiện âm mưu đảo chính.

Nhiều nhà quan sát đặt ra câu hỏi, tại sao quân đội và cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ không hề có manh mối về âm mưu đảo chính cho đến phút chót.

MIT thanh minh rằng, họ chỉ có quyền hạn nhất định khi thu thập thông tin tình báo về các sĩ quan quân đội, đó là lý do họ không thể phát hiện sớm âm mưu đảo chính từ các sĩ quan nổi loạn.

Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, họ không thể giám sát các binh sĩ ngoài doanh trại. Họ nói rằng, khi những sĩ quan này rời doanh trại, họ thuộc thẩm quyền giám sát của MIT.

Miễn trừ điều trần

Sau cuộc đảo chính bất thành, quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã lập một ủy ban điều tra. Ủy ban này đã yêu cầu thông tin điều trần từ 141 nhân chứng, trong đó bao gồm cựu lãnh đạo quân đội và cơ quan tình báo.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, vì sao trong danh sách điều trần trước ủy ban quốc hội lại không bao gồm những nhân chứng quan trọng nhất như Giám đốc MIT Hakan Fidan, Tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar. Thay vào đó, họ chỉ tường trình bằng văn bản. Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirim thậm chí không thuộc diện phải điều trần.

Minh Phương

Tổng hợp