1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bất đồng quan điểm, đảng đối lập xịt hơi cay gây náo loạn cơ quan lập pháp Kosovo

(Dân trí) - Để phản đối các nghị sĩ khác bỏ phiếu thông qua một quyết định gây tranh cãi, các thành viên phe đối lập đã sử dụng hơi cay, làm náo loạn cơ quan lập pháp Kosovo.

Đảng đối lập ném các bình xịt hơi cay nhằm chặn cơ quan lập pháp bỏ phiếu thông quan thỏa thuận gây tranh cãi. (Ảnh: Getty)
Đảng đối lập ném các bình xịt hơi cay nhằm chặn cơ quan lập pháp bỏ phiếu thông quan thỏa thuận gây tranh cãi. (Ảnh: Getty)

Theo Dailymail, sự việc xảy ra vào ngày 21/3 khi các nghị sĩ thuộc cơ quan lập pháp Kosovo đang bàn bạc và tính biểu quyết về thỏa thuận cắm mốc biên giới với láng giềng Montenegro. Khi cuộc bỏ phiếu chuẩn bị diễn ra, các thành viên thuộc đảng Phong trào Tự quyết, những người có quan điểm phản đối thỏa thuận gây tranh cãi, đã ném các bình hơi cay khắp cơ quan lập pháp nhằm ngăn chặn các nghị sĩ bỏ phiếu.

Trong đoạn video ghi lại cảnh hiện trường lúc đó, khoảng 120 nghị sĩ dùng tay che miệng chạy ra khỏi khán phòng khiến tình trạng trở nên khá hỗn loạn. Họ đã buộc phải sơ tán sau sự việc này.

Thỏa thuận chia lại biên giới giữa Kosovo và Montenegro là một trong những điều kiện tiên quyết EU yêu cầu Kosovo thực hiện để công dân Kosovo có thể di chuyển trong nội bộ EU không cần thị thực và xa hơn là có thể trở thành một thành viên EU.

Tuy Kosovo đã chấp nhận thỏa thuận này, nhưng các thành viên đảng đối lập đã phản đối và cho rằng sẽ khiến Kosovo mất 8 héc-ta đất cho Montenegro so với thỏa thuận được 2 bên ký năm 2015.

Phản ứng trước vụ tấn công bất ngờ, Đại sứ EU tại Kosovo Nataliya Apostolova cho biết bà rất bất ngờ vì các thành viên đối lập sử dụng tới chiêu thức nguy hiểm nhằm kéo Kosovo thụt lùi so với các khu vực khác ở châu Âu.

Sau đó, các nghị sĩ đã nhóm họp lại và đã thông qua thỏa thuận trên.

Lãnh đạo phe đối lập Albin Kurti cho biết sở dĩ thỏa thuận được thông qua là vì các nghị sĩ của đảng ông đã bị cấm hoặc bị cảnh sát triệu tập hỏi cung sau vụ xịt hơi cay.

Kosovo đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia từ năm 2008 và được một số quốc gia công nhận chủ quyền. Tuy nhiên, phản ứng của quốc tế với sự việc này khá trái chiều khi một số quốc gia cho rằng sự việc Kosovo có thể “châm ngòi” cho phong trào ly khai trên thế giới.

Đức Hoàng

Theo Dailymail