1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo động hội chứng "xa lánh xã hội" ở Nhật Bản

(Dân trí) - Ngày càng nhiều người Nhật Bản lựa chọn lối sống đơn độc, cách ly giao tiếp hoàn toàn với xã hội do nhiều yếu tố khác nhau, nhưng phần lớn là phải chịu quá nhiều sức ép hoặc căng thẳng tột độ.

Ông Ikeida, người mắc chứng bệnh cách ly xã hội (Ảnh: AFP)
Ông Ikeida, người mắc chứng bệnh cách ly xã hội (Ảnh: AFP)

Cứ 3 ngày một lần, ông Ikeida, 55 tuổi, lại ra khỏi nhà để mua đồ ăn, trốn tránh việc giao tiếp với người khác và đã không gặp cha mẹ và em trai trong suốt 20 năm qua. Người đàn ông này đã lựa chọn cuộc sống hoàn toàn thu mình “trong 4 bức tường”. Đây là đặc điểm quen thuộc của những người mắc hội chứng hikikomori (tiếng Nhật có nghĩa là rút lui), “căn bệnh” xã hội thường gặp ở những người nghiện công việc, chịu áp lực quá lớn, hoặc quá nhạy cảm tại Nhật Bản.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy, những đối tượng mắc hikikomori đã mở rộng ra khỏi độ tuổi mới lớn và ngoài 20 sang đối tượng trung niên, cao tuổi do xu hướng “già hóa” trong dân số Nhật Bản.

Theo thống kê mới nhất của chính phủ Nhật Bản vào năm 2016, có khoảng nửa triệu người mắc hội chứng hikikomori. Giới chức nước này định nghĩa người mắc căn bệnh này mang các triệu chứng như ở nhà trên 6 tháng mà không đi học hoặc đi làm và không giao tiếp với bất cứ ai ngoại trừ các thành viên gia đình.

Tuy nhiên, con số trên chỉ thống kê với nhóm đối tượng dưới tuổi 39. Khi hikikomori có xu hướng “già hóa”, chính phủ Nhật Bản đã quyết định sẽ khảo sát với nhóm tuổi 40 tới 59.

Trả lời AFP thông qua một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ những nguời mắc hikikomori, ông Ikeida cho biết ông tốt nghiệp từ một trường đại học danh giá ở thủ đô Tokyo và nhận được nhiều lời mời làm việc hấp dẫn từ các công ty lớn trong thời kỳ “bong bóng kinh tế” Nhật Bản những năm 1980.

Nhưng ông nhanh chóng nhận ra ông không thể thích ứng với cuộc sống làm công ăn lương tại Nhật Bản. “Tôi tốt nghiệp ở một trường đại học tốt và cha mẹ tôi mong muốn rằng tôi cố gắng hết sức để hòa nhập. Nhưng tôi nhận ra rằng nếu nhận những công việc đó tôi phải cố gắng thích ứng đến trọn đời. Tôi cảm thấy tuyệt vọng, Tôi không thể mặc âu phục, Tôi cảm thấy trái tim mình tan vỡ”, ông cho biết.

Dưới những áp lực không thể chịu nổi, ông quyết định giam mình trong phòng kín, cắt hết mọi giao tiếp với bên ngoài. Đây là hiện tượng mà các chuyên gia dự đoán sẽ tiếp tục xảy ra trong ít nhất 30 năm tới.

Nguồn gốc của sự cô lập bản thân

Áp lực của ông Ikeida đã hình thành từ bé do những trận đòn roi từ mẹ vì lơ là học tập. (Ảnh: AFP)
Áp lực của ông Ikeida đã hình thành từ bé do những trận đòn roi từ mẹ vì lơ là học tập. (Ảnh: AFP)

Hiện nguyên nhân của hikikomori chưa thực sự rõ ràng, nhưng kết quả khảo sát cho thấy những người mặc hội chứng này có xu hướng chung là họ gặp trục trặc với các mối quan hệ ở trường học hoặc công sở hoặc không thể kiếm được việc làm.

Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Kayo Ikeda, người đứng đầu một tổ chức tư vấn các bậc cha mẹ cách đối phó với con cái mắc hikikomori, cho biết: “Những gì chúng tôi biết được là những người này bị tổn thương, Họ bị bắt nạt hoặc phải đối phó với những rắc rối cá nhân tại nơi học tập, làm việc”.

Ông Ikeida mô tả về những tháng ngày ông nhận được đòn roi từ mẹ nếu ông lơ là trong việc học hành. Ông cho rằng những điều này đã hình thành những chấn thương tâm lý.

Các nghiên cứu cũng cho thấy những người một khi đã tự cô lập mình với xã hội thường có xu hướng khó hòa nhập trở lại với cộng đồng.

Trong nghiên cứu năm 2016, hơn một phần ba những người mắc hikikomori cho biết họ đã xa lánh xã hội hơn 7 năm. Khi thời gian tự cô lập kéo dài, áp lực tài chính và tâm lý dường như có xu hướng đổ dồn lên những cặp cha mẹ có con cái mặc hội chứng trên.

Tồi tệ hơn là, những gia đình có con cái mắc hikikomori thường tỏ ra xấu hổ và cố gắng che giấu chuyện này với cộng đồng xung quanh. Lâu dần, họ cũng tự cách ly mình với xã hội để không ai hỏi tới. Đây là yếu tố khiến cho hội chứng này có tác động dây chuyền tới nhiều đối tượng trong xã hội.

Cái chết cô độc

Ông rất sợ viễn cảnh phải chết trong cảnh cô độc. (Ảnh: AFP)
Ông rất sợ viễn cảnh phải chết trong cảnh cô độc. (Ảnh: AFP)

Nhận thấy hiện tượng đáng báo động, Bộ Y tế Nhật Bản đã quyết định chi 24 triệu USD nhằm hỗ trợ những người mắc hikikomori trong năm tài khóa tới, bắt đầu từ tháng 4/2018. Chính phủ cũng cố gắng sắp xếp các công việc phù hợp với tình trạng của những người mắc hội chứng.

Ông Ikeida sống chủ yếu dựa vào trợ cấp xã hội nhưng cũng kiếm được chút đỉnh nhờ việc viết lách. Ông rất mong muốn được hồi phục và đã từng nhờ cha mẹ đi cùng tới các phòng khám về tâm lý nhưng họ đã từ chối.

“Tôi muốn xã hội không nhìn chúng tôi với ánh mắt như thể chúng tôi là những kẻ điên khùng”, ông nói.

Ông cũng lo sợ viễn cảnh sẽ chết trong cô độc. “Tôi nghĩ đến cảnh tôi sẽ chết một thân một mình. Tôi không muốn chết như vậy Tôi không muốn mọi người phát hiện ra tôi đã chết khi xác tôi bị phân hủy. Tôi có thể yêu cầu các nhân viên phúc lợi xã hội đến thăm viếng thường xuyên hơn, nhưng tôi không muốn như thế. Đó là một cảm giác rất mâu thuẫn”, ông cho biết.

Đức Hoàng

Theo CNA