Nhìn lại các mẫu điện thoại "tiền tỉ" làm nên thương hiệu của Vertu
(Dân trí) - Từ nhà sản xuất "không bán điện thoại giá rẻ" được vạn người mê, Vertu đã thay đổi và thất bại thảm hại thế nào trước làn sóng phát triển của công nghệ?
Giới công nghệ vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin Vertu phải đóng cửa nhà máy đang hoạt động và tạm ngừng mọi hoạt động kinh doanh do không trả được khoản nợ khổng lồ trị giá 128 triệu bảng Anh (tương đương 165.4 triệu USD).
Chưa bao giờ người ta lại nghĩ rằng một thương hiệu đủ tầm để sản xuất ra những chiếc điện thoại được cả thế giới săn lùng, và có giá hàng triệu USD lại có ngày vấp ngã đầy đau đớn như thế.
Cùng Dân trí điểm lại những chiếc điện thoại đã làm nên thương hiệu của Vertu và những cột mốc đáng chú ý có thể chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại đầy "cay đắng" của họ.
Vertu Signature
Vertu Signature là chiếc điện thoại đầu tiên được sản xuất vào năm 2003, đánh dấu cho một loạt các thương hiệu điện thoại đắt tiền về sau.
Vào thời điểm bấy giờ, Vertu nổi bật lên với dáng vẻ sang trọng, tinh tế với từng đường nét được trau chuốt tỉ mỉ. Dù có mức giá "gây sốc" dành cho toàn bộ người dùng trên thế giới, khoảng 5900 euro (tương đương 153 triệu VNĐ), nhưng Vertu Signature vẫn được giới thượng lưu săn đón và sở hữu trong tay giống như một biểu tượng của quyền lực hay sự giàu có.
Vertu Signature Cobra (hơn 7 tỉ đồng)
Nói đến Vertu, người ta ngay lập tức nghĩ đến những chiếc điện thoại đắt nhất, sang trọng bậc nhất trên thế giới, và đại diện đứng đầu của Vertu thuộc về chiếc Signature Cobra - một sản phẩm hoàn hảo đến từ bàn tay khéo léo của nhà thiết kế người Pháp Frederic Boucheron. Đây là phiên bản nâng cấp của dòng Vertu Signature, với việc chú trọng nhiều hơn vào tính "đắt tiền" cùng các nguyên liệu hiếm.
Dòng điện thoại quý tộc này chỉ có duy nhất 8 chiếc trên thế giới, mỗi chiếc có giá thấp nhất từ 310.000 USD, gắn 2 viên kim cương mắt ngọc và 439 viên rubie nạm xung quanh một bông hoa hồng bằng vàng 18 carat. Hai bên thân máy được dính thêm hai con rắn mang bành (trái) và mãng xà (phải).
Vertu Signature Diamond (4.5 tỉ đồng)
Đúng như tên gọi của mình, chiếc Vertu Diamond được dát đầy kim cương xung quanh lớp vỏ ngoài làm bằng hợp kim. Không chỉ có 2 bên viền máy, mà ngay cả phím bấm, phím điều hướng cũng được gắn những viên kim cương tuyệt đẹp.
Chỉ có đúng 200 chiếc loại này được sản xuất, điều đó cũng lý giải tại sao có những thời điểm Vertu Diamond vượt ngưỡng 200.000 USD (tức hơn 4,5 tỉ đồng), và là một trong những phiên bản thành công nhất, đắt giá nhất của Vertu.
Vertu Signature S (1,7 tỉ đồng)
Vertu Signature S là dòng sản phẩm ưu tiên tính thời trang, đặt tính độc đáo trong thiết kế lên hàng đầu, nên những yếu tố như dễ cầm, nhẹ tay hay bàn phím dễ bấm đều không hiện diện trên thiết bị.
Signature S có rất nhiều phiên bản biến thể, trong đó gần nhất với người tiêu dùng Việt đó là 3 mẫu Vertu Signature Mix Red Gold, Vertu Signature Red Gold và Vertu Signature Black được ra mắt dành riêng cho đất nước hình chữ S vào giữa năm 2016 có giá dao động từ 1,4 đến 1,7 tỉ đồng.
Vertu Ti (230 triệu đồng)
2013 là năm đánh dấu bước chuyển giao quan trọng của Vertu, khi hãng quyết định ra mắt thêm các dòng smartphone bên cạnh điện thoại phổ thông, và Vertu Ti đóng vai trò là thiết bị đầu tiên chạy hệ điều hành Android của hãng. Vertu Ti có màn hình cảm ứng 3,7-inch bằng kính sapphire, chip xử lý dual-core 1,7Ghz, 1GB RAM, và camera 8MP.
Vertu Signature Touch (250 triệu đồng)
Nối tiếp sự thành công của dòng Ti, Vertu tiếp tục ra mắt mẫu Signature Touch vào năm 2014 với màn hình cảm ứng lớn hơn, tốc độ mạnh mẽ hơn, và mang lại nhiều tính năng hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trái chiều bắt đầu nổ ra, tranh luận xung quanh việc ra mắt điện thoại smartphone làm mất đi giá trị của Vertu. "Cái đặc biệt của Veru là một điện thoại với chức năng căn bản nhất và sang trọng vì thương hiệu, còn cứ đuổi theo công nghệ màn hình cảm ứng rồi thì camera thì làm sao qua nổi Apple, Samsung", một ý kiến cho biết.
Vertu Aster (93 triệu đồng)
Nhận thấy người dùng không còn quá mặn mà với các mẫu điện thoại "tiền tỉ", Vertu thay đổi chiến lược và nhắm đến các sản phẩm có giá thấp hơn.
Những dòng điện thoại của Vertu dần không còn hấp dẫn người dùng như trước. Hãng "tiến thoái lưỡng nan" trước hai con đường, một là quay lại các sản phẩm "tiền tỉ" mà không cần quan tâm tới tính năng, hai là chạy theo xu thế với những smartphone "vừa tiền", lại dễ sử dụng.
Cuối cùng, Vertu chọn cách thứ 2 khi ra mắt dòng điện thoại có giá rẻ nhất trong lịch sử của hãng mang tên Aster. Nói là vậy nhưng giá bán của nó vẫn cao hơn cả chục lần so với một smartphone thông thường.
Vertu Constellation (185 triệu đồng)
Sang đến năm 2017, hãng tiếp tục với con đường đã chọn cùng dòng sản phẩm Vertu Constellation với một phần cứng không thua kém gì so với mặt bằng chung, khi sở hữu màn hình 5,5-inch, độ phân giải 2K, chip xử lý Snapdragon 820, 4GB RAM và công nghệ sạc không dây.
Đây đóng vai trò là smartphone mạnh mẽ nhất của Vertu từ trước tới nay, giúp hãng bỏ lại phía sau khoảng cách về công nghệ so với các đối thủ như Samsung, Apple, mà vẫn duy trì được giá trị "đắt tiền" vốn có.
Dẫu vậy, đáng ngạc nhiên là doanh thu của hãng vẫn không cải thiện được là bao với sự ra mắt của những dòng smartphone thời thượng. Thậm chí, Vertu phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ trị giá 165.4 triệu USD, và gián tiếp khiến công ty đi đến quyết định ngừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh vào ngày 13/7 vừa qua.
Nguyễn Nguyễn