Hãng nhỏ gỡ quảng cáo trên kênh phim lậu, hãng lớn "đổ bộ" rót tiền
(Dân trí) - Ngay sau phản ánh của Dân trí về tình trạng quảng cáo đang bắt đầu trở lại mạnh mẽ trên các trang web phim lậu thì một số nhãn hàng đã gỡ bỏ ngay trong chiều tối hôm qua 26/6 và đề nghị các bộ phận rà soát lại. Tuy nhiên, thay vào các quảng cáo bị gỡ bỏ lại là những nhãn hàng có tiếng khác.
Tình trạng các nhãn hàng lớn bỗng dưng trở lại quảng cáo trên các trang web phim lậu đang gây ra hiệu ứng không tốt cho chiến dịch rút quảng cáo đồng loạt trên các web vi phạm bản quyền đúng theo khuyến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tổng thể của chiến dịch, vốn được xem là biện pháp mạnh của Bộ TT&TT nhằm đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền trên Internet, vốn đang ở mức báo động.
Trong bài viết mới nhất hôm qua 26/6, Dân trí có đăng tải về tình trạng nhãn hàng Tiki, dầu ăn Tường An, Arena Multimedi... xuất hiện dày đặc trên các trang web phim lậu lớn nhất ở Việt Nam như phimmoi.net , Hdonlinevn... thì ngay trong chiều tối, một số thương hiệu lớn trong đó đã đề nghị rà soát và tiến hành gỡ bỏ.
Trao đổi với Dân trí, đại diện Tiki cho biết, ngay sau phản ánh của Dân trí, Tiki đã ngay lập tức liên hệ với đối tác đang thực hiện chiến dịch chạy quảng cáo và yêu cầu gỡ các luồng quảng cáo liên quan tới các kênh phim. Hiện tại đơn vị thực hiện quảng cáo cho Tiki đang triển khai tích cực để gỡ bỏ các luồng quảng cáo trên các kênh phim và trong vài ngày tới sẽ dứt điểm hoàn toàn. Tiki cũng cho biết, từ sau vụ việc này, hãng sẽ cho rà soát lại và tránh để tình trạng trên xảy ra.
Tuy nhiên, ngay sau khi gỡ bỏ quảng cáo trên do nhãn hàng yêu cầu, các kênh phim lậu này thay vào nhiều quảng cáo khác và hầu như đều từ các thương hiệu lớn khác tại Việt Nam. Ghi nhận trong sáng ngày 27/6, trên phimmoi.net, kênh phim lậu lớn nhất Việt Nam xuất hiện nhiều quảng cáo khác đến từ Sàn Giao Dịch Bất Động Sản Hòa Bình, PAX LAND, quảng cáo game của Sohagame... Trên kênh phim lậu phimbathu.com là các quảng cáo của Lazada... Trên kênh phim lậu phim14.net, cũng xuất hiện quảng cáo của Lazada và một quảng cáo đến từ hãng xe Nissan.
Thậm chí ở trên HDonline, hai banner lớn từ dầu ăn Tường An chiếm trọn cả màn hình..., và có thêm quảng cáo từ Shopee, FPT Shop. Điều này cho thấy doanh thu mà các kênh phim lậu này thu về không hề nhỏ trong khi đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp khác phải bỏ nhiều tiền để mua bản quyền phim từ các đối tác nước ngoài. Đại diện từ BHD đã nói rằng, quảng cáo đang là nguồn nuôi chính để các trang web vi phạm bản quyền này tồn tại. Trong đó 72% quảng cáo nuôi các trang này lại đến từ các nhãn hàng lớn, còn lại 28% đến từ các quảng cáo độc hại, cờ bạc...
Độc giả Ái Tiên gửi phản ánh cho Dân trí trong bài viết hôm qua cho biết: "Nếu có không có phản ánh này chắc tôi vẫn tin tưởng đây là những trang web uy tín bởi khi xem phim ở đây thấy toàn quảng cáo của các hãng lớn". Độc giả này đề nghị các hãng nên coi lại để tránh tạo ra nhận thức không đúng cho người xem khi tưởng nó là web uy tín.
Theo thông tin từ Bộ TT&TT, ở Việt Nam có hơn 83 trang phim online vi phạm bản quyền và hàng trăm ứng dụng di động sống nhờ vào nội dung vi phạm bản quyền. Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet ở mức báo động và gây ảnh hưởng đến hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.
Trong tháng 7/2017, đồng loạt các nhãn hàng thực hiện chiến dịch rút quảng cáo trên các trang phim vi phạm bản quyền ở Việt Nam như phimmoi.net , hdonline.vn, bilutv.com ... Động thái này đã khiến cho các trang web vi phạm bản quyền không còn xuất hiện bất cứ quảng cáo nào, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu. Nhiều người kỳ vọng rằng, đây sẽ là bước đi quan trọng trong việc đẩy lùi nạn nạn vi phạm bản quyền vốn tồn tại đã khá lâu ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế sau chiến dịch này, nhiều nhãn hàng lại quay trở lại, tiếp tục tiếp tay "nuôi sống" các trang web phim lậu, bất chấp nạn vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng trực tiếp về mặt kinh tế đối với doanh nghiệp truyền hình và thậm chí khó mà xóa bỏ định kiến về Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền cao nhất thế giới.
Gia Hưng