FPT Retail chính thức bán cổ phần cho nhà đầu tư sau nhiều tin đồn

(Dân trí) - Thị trường bán lẻ công nghệ trong nước tiếp tục nóng lên khi FPT Retail chính thức công bố hoàn tất chuyển nhượng 30% vốn tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital.

FPT Retail chính thức bán cổ phần cho nhà đầu tư sau nhiều tin đồn - 1

FPT Retail thói vốn 30%

Tuần trước, thị trường bán lẻ Việt Nam nóng lên khi rộ lên nguồn tin Thế giới Di động sắp thâu tóm chuỗi điện máy Trần Anh để tấn công mạnh vào thị trường miền Bắc. Giới đầu tư trong nước tiết lộ, cơ bản thương vụ này sắp hoàn thành, sẽ khép lại sớm nhất vào cuối tháng 8 tới đây.

Đến cuối tuần này, thị trường bán lẻ tiếp tục nóng lên khi FPT Retail chính thức thoái vốn, chuyển nhượng 30% vốn tại FPT Retail cho Dragon Capital và VinaCapital sau rất nhiều rò rỉ liên tục trong 1 năm trở lại đây. Đại diện FPT cho biết, đã hoàn tất việc chuyển nhượng 30% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail), tương đương 6 triệu cổ phiếu, cho các quỹ được quản lý bởi hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital.

FPT cũng không tiết lộ số cổ phần chính thức riêng biệt của hai đơn vị này đã bỏ tiền ra mua. Tuy nhiên, Dragon Capital cũng vừa công bố số tiền bỏ ra mua lại cổ phiếu trong tổng 30% với VinaCapital là 11 triệu USD.

Chia sẻ với Dân trí, bà Nguyễn Bạch Điệp, tổng giám đốc FPT Reital cho biết, ngay từ khi đưa thông tin ra để chào bán, công ty cũng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, các công ty đến để tìm hiểu, hầu hết đến từ các quốc gia chính là Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Tuy nhiên, quá trình đàm phán với những công ty này không phù hợp với định hướng của FPT Retail. Có công ty muốn mua đến 51% để nắm toàn bộ quyết định hay công ty mua nhưng không hợp với định hướng công ty đưa ra... nên đến thời điểm này mới công bố về việc lựa chọn hai trên vì phù hợp định hướng của FPT Retail.

Dragon Capital và VinaCapital là những nhà đầu tư tài chính nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, quản lý lần lượt 2,1 tỷ USD và 1,8 tỷ USD tổng tài sản.

FPT Retail hiện là nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam. Tính đến hết tháng 7/2017, FPT Retail đang vận hành 438 cửa hàng trên phạm vi toàn quốc. Với doanh thu 15.717 USD/m2, FPT Retail đang là nhà bán lẻ hiệu quả nhất xét về hiệu quả doanh thu/m2 diện tích sàn (theo Euromonitor và Retail Asia Publishing).

Năm 2017, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 27,5% và lợi nhuận trên 40% thông qua đẩy mạnh doanh thu trên mỗi cửa hàng, tiếp tục mở rộng quy mô chuỗi bán lẻ tới những vùng miền mà sản phẩm điện thoại thông minh ít hiện diện. Trong 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu của FPT Retail đạt 6.193 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và LNTT đạt 141 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm (CAGR) về doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT Retail giai đoạn 2016-2019 được kỳ vọng đạt tương ứng trên 25% và 35%.

Trước đó, ngày 1/8, Hội đồng quản trị CTCP FPT đã ra Nghị quyết về việc thoái vốn của FPT tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) - công ty chủ quản của hệ thống FPT Shop xuống dưới 50% được chia làm 2 bước, gồm: bước 1 sẽ bán 30% vốn cho các nhà đầu tư, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 85% hiện tại xuống 55%. Bước 2, công ty sẽ bán tối đa 10% cho các nhà đầu tư khác để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%. Thời gian thực hiện trong năm 2017. Điều này cũng hướng đến mục tiêu chung, có khả năng sẽ niêm yết FPT Retail trên sàn chứng khoán vào năm 2018.

​Gia Hưng