Tinh vi các thủ đoạn trục lợi bảo hiểm y tế
Theo Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trong 5 năm qua (2012 - 2017), lực lượng Cảnh sát kinh tế cả nước đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); khởi tố điều tra 46 vụ với gần 130 đối tượng, trong đó có nhiều vụ việc liên quan tới trục lợi Quỹ BHYT.
1001 thủ đoạn
Ngày 28.12.2017, Công an huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Huỳnh Thị Chúc Linh - kế toán của Trạm Y tế Tập Ngãi (huyện Tiểu Cần). Linh đã lợi dụng chức vụ, sử dụng 19 thẻ BHYT của người thân để tự ý lập khống 229 đơn thuốc và bản kê chi phí khám chữa bệnh, chiếm đoạt hơn 20 triệu đồng.
Từ ngày 1.1.2018, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định các tội danh liên quan đến trục lợi, chiếm đoạt BHXH, BHYT. Luật đi vào cuộc sống với kỳ vọng sẽ trở thành “công cụ” mạnh để tăng cường biện pháp, chế tài giúp ngành BHXH thực thi có hiệu quả pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, người tham gia BHYT.
Cùng tháng 12.2017, Công an Hà Nội đã khởi tố bị can Nguyễn Thị Thu Thủy (42 tuổi), Trần Thanh Vân (38 tuổi), cùng là điều dưỡng của Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) để điều tra với hành vi làm giấy chuyển viện giả bán cho người có nhu cầu. Thực tế những trường hợp chuyển tuyến bị phát hiện đều không khám chữa bệnh ban đầu ở Bệnh viện Xanh Pôn.
Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Lương (Kiên Giang), 4 người cũng bị khởi tố vì mượn thẻ BHYT của nhiều người làm khống hơn 1.500 hồ sơ khám chữa bệnh để thanh toán BHYT với số tiền hơn 183 triệu đồng. Hay tại Bắc Kạn, có nhân viên thuộc trung tâm y dược cổ truyền đã kê đơn thuốc cho người bệnh là thuốc Bắc, nhưng sau đó lại phát thuốc Nam, hưởng số tiền chênh lệch 274 triệu đồng…
Tháng 10.2016, Công an huyện Nam Giang, Quảng Nam đã ra quyết định khởi tố Cao Xuân S. - Cán bộ Phòng LĐTBXH huyện Nam Giang về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. S. đã lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được cấp miễn phí (người nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng kinh tế khó khăn…), lấy thẻ Nhà nước cấp rồi bán lại cho chính người dân đó. Từ năm 2014 - 2016, S. đã bán ra 97 thẻ BHYT chiếm đoạt hơn 37 triệu đồng. Ngoài ra, trong năm 2015, S. đã lập danh sách 276 người sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để họ được cấp thẻ BHYT. Thực chất những người này không thuộc diện được cấp thẻ miễn phí và thu tiền “bồi dưỡng”.
Trước đó, tại Quảng Ninh, có trường hợp đại diện đại lý thu BHYT tự nguyện đã sửa chữa, tẩy xóa thẻ BHYT (đối với thẻ cũ đã hết hạn và in đè hạn sử dụng mới), thu tiền của nhân dân để chiếm đoạt trên 300 triệu đồng.
Khó xử lý người dân “đi khám nhiều”
Không chỉ các bệnh viện mới tìm cách trục lợi Quỹ BHYT, nhiều người dân cũng thông qua việc đi khám và lấy thuốc thanh toán bằng BHYT để tư lợi. Theo số liệu từ Hệ thống giám định BHYT, trong 11 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận hơn 5.400 người đi khám bằng thẻ BHYT từ 50 lần trở lên. Tuy nhiên, BHXH chưa có chế tài gì để xử lý các đối tượng này.
Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của bà M.B.N. (53 tuổi, ở quận 12, TP.HCM). Từ tháng 1 đến ngày 23.10.2017, bà N. đã đi khám tổng cộng 231 lần ở hơn 10 bệnh viện khác nhau, có ngày 2-3 lần, tổng số tiền BHYT thanh toán gần 129 triệu. Đây là bệnh nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh. Các bệnh viện đã được cảnh báo nhưng không có lý do nào từ chối khám chữa bệnh cho bà N. Các bệnh viện cũng từng kiến nghị BHXH không cấp thẻ BHYT cho bà N. Tuy nhiên, BHXH TP.HCM cũng không có căn cứ nào để không cấp thẻ cho bà này.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh: “Chúng tôi có một niềm tin rằng, chế tài đó đủ sức răn đe và cũng là một trong những công cụ, điểm tựa để cả lực lượng cảnh sát và công an các địa phương cũng như lực lượng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra”.
Phạt tù đến 5 năm đối với tội Gian lận bảo hiểm y tế
Điều 215 Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ 1.1.2018 đã quy định rõ ràng các hành vi gian lận BHYT.
Cụ thể, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, chiếm đoạt tiền BHYT từ 10.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 20.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng mà không thuộc trường hợp quy định tại một trong các điều 174, 353 và 355 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống hoặc kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh và các chi phí khác mà thực tế người bệnh không sử dụng;
b) Giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ BHYT được cấp khống, thẻ BHYT giả, thẻ đã bị thu hồi, thẻ bị sửa chữa, thẻ BHYT của người khác trong khám chữa bệnh hưởng chế độ BHYT trái quy định.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tiền BHYT từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
đ) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Chiếm đoạt tiền BHYT 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội này có thể bị phạt từ 1-3 tỷ đồng.
P.V
Theo Diệu Linh
Dân Việt