1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tai nạn giao thông chiếm gần 30% các ca cấp cứu ngày Lễ

(Dân trí) - Trong những ngày nghỉ Lễ 30/4 – 1/5, các ca tai nạn giao thông có xu hướng tăng lên, đặc biệt liên quan đến bia rượu và không đội mũ bảo hiểm khi lưu thông.

Trực ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, Ths.BS Ninh Việt Khải, Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, số ca tai nạn giao thông có xu hướng tăng trong những ngày lễ.

Tai nạn giao thông chiếm gần 30% các ca cấp cứu ngày Lễ - 1

Trong ngày 28/4, Bệnh viện tiếp nhận 39 bệnh nhân tai nạn giao thông tăng nhẹ so với bình thường. Nhưng trong ngày 29 và 30/4, số ca tai nạn giao thông tăng lên gần 70 trường hợp mỗi ngày.

Đáng nói, các trường hợp chuyển nhập viện đều là những ca tai nạn giao thông rất nặng, được chuyển từ các tỉnh đến BV Việt Đức cấp cứu trong đêm.

Sáng 1/5 tại hành lang khoa Cấp cứu chờ chiếu chụp, bệnh nhân tên Trọng (Phố Nối, Hưng Yên) nằm trên cáng nhưng luôn vật vã tay chân, phải 3 người giữ để cố định kim tiêm và dịch truyền. Ông Trần Văn Tuế ở Kim Thành, Hải Dương vừa giữ chân anh Trọng vừa cho biết: anh Trọng là người ngồi trên xe máy "kẹp 3" đã đâm vào xe ô tô 4 chỗ của con trai ông.

BS Khải cho biết, trong ngày đầu đợt ngày nghỉ lễ, số ca tai nạn giao thông chỉ chiếm 20%-30% số ca cấp cứu tại bệnh viện, nhưng trong những ngày 29 và 30/4, số bệnh nhân tai nạn giao thông tăng gấp đôi.

Bệnh nhân chủ yếu bị đa chấn thương, phối hợp nhiều tạng bị tổn thương, chiếm tới 80% số bệnh nhân cần cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức. So với những năm trước thì số ca tai nạn giao thông nặng nhiều hơn. Đa phần tai nạn giao thông thường liên quan đến việc không chấp hành luật giao thông, đặc biệt số bệnh nhân vào viện có mùi rượu, bia, nồng độ cồn trong máu cao cũng tăng lên đáng kể trong số những bệnh nhân ở khoa cấp cứu.

Khi cấp cứu những bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu cao là một khó khăn lớn đối với y, bác sĩ. Bởi lẽ bệnh nhân thường bị kích thích, vật vã, giống triệu chứng chấn thương sọ não nhưng lại không hợp tác với bác sĩ để đánh giá mức độ tổn thương. Cùng một mức độ thương tổn, nhưng với bệnh nhân uống rượu bia thì việc hồi sức cấp cứu trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Tại Hà Nội, kết quả công tác khám, chữa bệnh (từ 7h00 ngày 27/4/2018 đến 7h00 ngày 01/5/2018) các cơ sở khám chữa bệnh đã khám cho trên 32 nghìn lượt bệnh nhân.

Trong đó khám cấp cứu hơn 5200 trường hợp, với gần 900 ca khám do tai nạn. Trong số đó, tai nạn giao thông chiếm khoảng 30% với hơn 300 ca.

Trong các ngày ghi nhận 03 trường hợp ngộ độc Methanol xảy ra trên địa bàn Thành phố vào ngày 29/4/2018 (Bệnh nhân thứ nhất: Nguyễn Tiến Đạt, 57 tuổi. Nam, Địa chỉ; Số 207 Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội; Bệnh nhân thứ 2: Vũ Xuân Khánh, 42 tuổi. Nam, địa chỉ Số 31, Ngõ 134, Đường Cầu Diễn, Phường Minh Khai, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội; Bệnh nhân thứ 3: Phạm Văn Canh, 59 tuổi. Nam, Địa chỉ; Thôn Đô Lương, Xã Bắc Sơn, Huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Ba người bệnh đang được điều trị tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành điều tra xử lý tại cộng đồng theo đúng quy định.

Hồng Hải