1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Muốn phát triển chiều cao tối ưu, chỉ canxi và vitamin D là chưa đủ!

Đây là nhận định mới nhất của các chuyên gia trong hội thảo “Tầm vóc cơ thể và một số yếu tố tăng trưởng chiều cao” do Viện Y học ứng dụng Việt Nam, trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam vừa tổ chức ngày 26/09/2017 vừa qua.

Muốn cao chắc chắn cần Canxi nhưng…

Báo cáo “Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cơ thể người Việt Nam” tại Hội thảo của Ts.Bs Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đã chỉ ra tốc độ tăng trưởng chiều cao của Việt Nam rất chậm so với các nước.

Cụ thể, trong vòng 100 năm (từ những người sinh năm 1896 đến năm 1996), chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 8.8cm (với nữ) và tăng 9.1cm (với nam). Trong khi đó, cũng trong vòng 100 năm qua, nữ giới Hàn Quốc đã đạt mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất với mức tăng tương ứng là 20.2 cm, nam giới Iran tăng 16,5 cm. Do vậy Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất thế giới, nam giới Việt Nam xếp thứ 19 và nữ giới Việt Nam xếp thứ 13 từ dưới lên.


Chiều cao của nam giới Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới

Chiều cao của nam giới Việt Nam đang thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới

Phân tích về những tác động đến sự tăng trưởng chiều cao của người Việt, Ts. Bs Trương Hồng Sơn đã đề cập đến 5 yếu tố là gen, yếu tố dinh dưỡng, chế độ tập luyện thể thao, bệnh tật, giấc ngủ… Trong đó, nhấn mạnh dinh dưỡng, là giải pháp quan trọng nhất mà chúng ta có thể can thiệp được đóng vai trò 20-40% trong tăng trưởng tầm vóc chiều cao. Cụ thể là các vi chất như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D, vitamin K2 cùng một số khoáng chất khác,


TS.BS Trương Hồng Sơn giới thiệu các yếu tố tăng trưởng chiều cao

TS.BS Trương Hồng Sơn giới thiệu các yếu tố tăng trưởng chiều cao

Đề cập đến vai trò canxi, Ts. Bs Trương Hồng Sơn cho biết, đây là thành phần chính của xương, răng nhưng cũng tham gia vào rất nhiều hoạt động khác như: bài tiết một số hoóc môn, tham gia quá trình đông máu, vai trò trong hoạt động cơ trơn, cơ vân, cơ tim, trao đổi chất, thăng bằng kiềm toan cơ thể, tham gia trong dẫn truyền tế bào thần kinh...

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia dẫn chứng: Thiếu một số vi chất dinh dưỡng liên quan đến tăng trưởng đang là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng ở trẻ em nước ta hiện nay như: thiếu vitamin A cận lâm sàng, thiếu máu, thiếu kẽm, thiếu iode. Tình trạng thiếu vitamin D và khẩu phần canxi thấp cũng rất cần được quan tâm. Cùng với thiếu vi chất dinh dưỡng thì tình trạng thiếu protein năng lượng trong khẩu phần đã góp phần làm cho tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi cao ở một số vùng khó khăn như: Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc. Việc giảm suy dinh dưỡng thấp còi vẫn là một thách thức, một mục tiêu cần được quan tâm thỏa đáng đối với các hoạt động về dinh dưỡng trong giai đoạn tới nhằm nâng cao tầm vóc người Việt.

Vitamin K2 - “người vận chuyển” canxi về xương

Đáng chú ý, bên cạnh các yếu tố tăng trưởng chiều cao quen thuộc, lần đầu tiên, vai trò của vitamin K2 đối với chiều cao được các chuyên gia đề cập.

Trong tham luận của mình, PGS. TS. Nguyễn Xuân Ninh – Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đã cập nhật vai trò một số vi chất dinh dưỡng với tăng trưởng chiều cao ở trẻ em.

Theo đó, ngoài các vi chất dinh dưỡng được biết đến phổ biến như canxi, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D thì vitamin K, đặc biệt là vitamin K2 là vi chất rất cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao mới được phát hiện những năm gần đây.

PGS. TS Nguyễn Xuân Ninh cho biết:“Vitamin K2: tham gia vào quá trình chuyển hóa xương, giúp gắn canxi vào xương, từ đó giúp xương chắc khỏe và phòng chống bệnh còi xương, loãng xương”.

Muốn phát triển chiều cao tối ưu, chỉ canxi và vitamin D là chưa đủ! - 3

Giải thích cho nhận định này, PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh phân tích: Vitamin K2 có nhiều chức năng, trong đó có 2 chức năng quan trọng là phát triển xương và bảo vệ mạch máu thông qua điều hòa hoạt động của 2 enzyme là Matrix GLA protein (MGP) và Osteocalcin. Khi có mặt của K2, enzyme MGP được hoạt hóa, sẽ ngăn cản quá trình lắng đọng canxi từ máu vào thành mạch và do vậy mảng xơ vữa không được hình thành, mạch máu trở nên mềm mại và bền chắc, giúp phòng chống các bệnh cao huyết áp, tim mạch.

Quá trình tạo cốt bào (tạo xương) sản xuất ra Osteocalcin, giúp lấy canxi từ tuần hoàn máu và gắn vào khung xương. Vitamin K2 làm tăng hoạt tính của Osteocalcin, làm tăng quá trình khoáng hóa xương, giúp xương chắc khỏe hơn và giảm nguy cơ gãy xương.

Muốn phát triển chiều cao tối ưu, chỉ canxi và vitamin D là chưa đủ! - 4

Theo đó, các chuyên gia đều thống nhất, để phát triển chiều cao tối ưu, bên cạnh yếu tố gien, trong những năm đầu đời dinh dưỡng đầy đủ là yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến chiều cao tối đa của trẻ khi trưởng thành. Do vậy, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cơ bản và vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ em, đặc biệt là trong vòng 1.000 ngày đầu đời, cũng như giai đoạn thiếu niên và vị thành niên, bao gồm canxi, vitamin D, sắt, kẽm, vitamin K2,…

Trong đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất các sản phẩm bổ sung phối hợp vitamin K2 + Canxi + vitamin D dành cho trẻ em như sữa, sữa chua, cháo… giúp xương chắc khỏe, hỗ trợ phát triển chiều cao tối ưu, góp phần cải thiện tầm vóc cho người Việt Nam.

Dinh dưỡng tốt phối hợp với một chế độ rèn luyện thể lực một cách phù hợp, môi trường sống sạch sẽ, ít bệnh tật sẽ giúp cho trẻ có cơ hội phát triển chiều cao tốt nhất.

K.M