1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hàng nghìn người mù lòa vì thói quen nguy hiểm này

(Dân trí) - Một bé trai 10 tuổi không nhìn thấy ánh sáng, hàng nghìn bệnh nhân trong cả nước cũng suy giảm thị lực, mù lòa không thể phục hồi bởi thói quen nguy hiểm, cứ mắt cồm cộm, ngứa ngứa là nhỏ thuốc bừa bãi.

Giảm thị lực, mù mắt vì thói quen nguy hiểm

Chiều 14/3, tại Lễ Mit ting hưởng ứng Tuần lễ Glôcôm thế giới (từ ngày 12/3 đến ngày 18/3), bác sĩ Phạm Thu Hà, khoa Glôcôm, Bệnh viện Mắt Trung ương (Hà Nội) chia sẻ sự nuối tiếc vì không thể cứu được thị lực của bé trai 10 tuổi, vì bố mẹ dùng thuốc nhỏ mắt bừa bãi cho trẻ.

Khám mắt cho bệnh nhân mắc Glôcôm tại BV Mắt Trung ương. Ảnh: H.Hải
Khám mắt cho bệnh nhân mắc Glôcôm tại BV Mắt Trung ương. Ảnh: H.Hải

Ban đầu, bệnh nhi chỉ bị viêm kết mạc dị ứng với biểu hiện đỏ, ngứa mắt, gia đình không đưa con đi khám mà tự ra hiệu thuốc gần nhà, được bán cho loại thuốc có corticoid để nhỏ. Quả đúng như “thần dược”, ngay ngày đầu tiên trẻ đã hết ngứa mắt nên gia đình cho rằng hợp thuốc, tiếp tục dùng cho con.

Cứ thế, mỗi lần trẻ bị tái phát viêm kết mạc dị ứng, người nhà lại bê nguyên thuốc ban đầu nhỏ cho trẻ. Đến lần này, “thần dược” đã không còn hiệu quả, càng nhỏ mắt trẻ càng đỏ, rồi nhìn mờ không nhìn thấy gì gia đình mới đưa con đi khám thì đã muộn. Bé được đưa đến BV Mắt Trung ương trong tình trạng viêm kết mạc dị ứng rất nặng, đục thủy tinh thể do corticoid.

BS Hà cho biết thêm, hiện trẻ đang được điều trị bằng thuốc hạ nhãn áp, thuốc chống dị ứng... nỗ lực để giữ lại thị lực cho trẻ. Nhưng đặc điểm của căn bệnh này là bệnh nhân bị teo dây thần kinh thị giác, thị trường mắt (khoảng không gian mắt bao quát được) của trẻ bị thu hẹp lại khiến trẻ không thể nhìn được như bình thường.

Theo BS Hà, điều trị cho bệnh nhân nhỏ tuổi rất khó khăn, nó là cả một quá trình không bao giờ ngừng nghỉ bởi đáp ứng điều trị ở trẻ kém hơn người lớn. Có những giai đoạn trẻ đỡ nhưng rồi lại nặng hơn, thuốc giảm tác dụng, trẻ em có nguy cơ tái phát cao.

Dừng ngay việc dùng thuốc nhỏ mắt bừa bãi

Theo PGS.TS Cung Hồng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Mắt trung ương, khí hậu, môi trường Việt Nam có đặc thù rất hay gây dị ứng mắt. Để đối phó với tình trạng dị ứng này, nhiều người cứ thấy dặm dặm, ngứa ngứa mắt là tra thuốc, để rồi dẫn đến tình trạng giảm thị lực, mù lòa không thể phục hồi.

Tại BV Mắt Trung ương, rất nhiều bệnh nhân giảm thị lực, mù lòa vì Glôcôm đến khám vì nguyên nhân dùng corticoid.

“Trên thị trường bán nhiều loại thuốc nhỏ mắt chứa steroids - corticoid trị chứng ngứa mắt, khô mắt, viêm kết mạc và việc dùng tùy tiện trong thời gian dài không có chỉ định của bác sĩ có thể dẫn đến Glôcôm. Theo thống kê tại BV Mắt, tỉ lệ bệnh nhân Glôcôm có tiền sử tra thuốc corticoid kéo dài chiếm đến 31,7%”, TS Sơn nói.

Ảnh hưởng của dùng corticoid với thị lực là không thể phục hồi. Đây là loại thuốc chống viêm hiệu quả nhưng gây nhiều tác dụng phụ phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Dùng Corticoid dài ngày có nguy cơ gây đục thủy tinh thể và bệnh glôcôm.

Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần từ bỏ thói quen nguy hiểm, cứ thấy mắt cộm cộm, ngứa ngứa là ra hiệu thuốc mua thuốc tự tra mắt.

“Khi nhỏ mắt, chẳng mấy người để ý đến thành phần của thuốc, không biết thuốc chứa corticoid nguy hiểm, càng dùng dài ngày càng gây hại”, BS Hà khuyến cáo.

Cảnh giác dấu hiện “vòng cầu vồng” khi nhìn đèn

Tuần lễ Glôcôm thế giới với chủ đề Phát hiện và kiểm soát bệnh glôcôm. Glôcôm (còn được gọi là bệnh thiên đầu thống, cườm nước) là một bệnh thường gặp do tình trạng tăng nhãn áp quá mức chịu đựng của mắt, lõm, teo đĩa thị thần kinh và tổn hại thị trường đặc biệt. Nó là nguyên nhân gây mù lòa đứng hàng thứ 2 trên thế giới.

Tại Việt Nam qua điều tra năm 2007, tỷ lệ mù hai mắt do Glôcôm ở người > 50 tuổi chiếm 6,5%, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở Việt Nam. Việt Nam hiện nay có khoảng 24.800 người mù do Glôcôm. Glôcôm thường khởi phát đột ngột buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, hoặc sau những sang chấn tinh thần mạnh.

Bểu hiện mắt đột ngột đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, bệnh nhân nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ. Có thể chỉ nhìn mờ như nhìn qua màn sương nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng đến mức chỉ giơ tay trước mặt cũng chỉ thấy bóng bàn tay…. Đôi khi bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt nhưng không tiết dỉ mắt, giác mạc mờ đục… Khi thấy những dấu hiệu này cần khám chuyên khoa mắt.

Bệnh Glôcôm là bệnh tiến triển mãn tính suốt đời, có thể biến chuyển nặng lên hoặc tái phát sau điều trị nên cần tái khám đều đặn.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm