1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Trẻ nặng gần 5 kg tử vong bất thường sau sinh vài ngày?

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Bệnh viện Vân Đình, Hà Nội, mặc dù đã giải thích nhưng gia đình đã không đồng ý với ý kiến của bệnh viện về nguyên nhân tử vong của bệnh nhi có cân nặng sau sinh gần 5 kg.

Người nhà tố bác sĩ tắc trách

Hà Nội: Trẻ nặng gần 5 kg tử vong bất thường sau sinh vài ngày? - 1

Ngày 17/12 chị Ngô Thị H. mang thai lần đầu, 39 tuần chưa chuyển dạ, được gia đình đưa đến BV Vân Đình.

Trước đó, bệnh nhân có theo dõi thai tại đây, được siêu âm 3 lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 – 16/12, với chẩn đoán đa ối, thai to dự kiến 4,1 – 4,3kg.

Do chẩn đoán thai to, thai phụ nhỏ (chị H. nặng 42kg), bác sĩ đã chỉ định mổ đẻ, giải thích cho gia đình bệnh nhân. Sau mổ đẻ, bé gái nặng gần 5kg chào đời, hoàn toàn bình thường, hồng hào, bú tốt dù đôi lúc có khò khè, sau khi được hút đờm rãi, nhỏ nước muối lại bú bình thường.

Tuy nhiên 1 ngày sau sinh, khoảng 8h sáng ngày 18/12, trẻ không bú, tím quanh môi, được xử lý hút đờm rãi, thở ôxy trẻ lại hồng hào trở lại, trong dịch hút có sữa và dịch hồng.

Đến 12h cùng ngày, bé lại có cơn tím và tiếp tục được theo dõi hút đờm, thở ôxy. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán theo dõi viêm phổi sơ sinh do sặc sữa và chuyển lên BV Xanh Pôn cấp cứu.

BS Chương cho biết, tại BV Xanh Pôn, bệnh nhi được chẩn đoán suy hô hấp độ 3, viêm phế quản nặng, theo dõi nhiễm trùng huyết, bệnh chuyển hóa, được thở máy, truyền máu nhưng đường huyết giảm liên tục dù đã bù đường, có co giật và đến ngày 20/12, bé đã không qua khỏi.

Sau khi sự việc xảy ra, gia đình khiếu kiện, cho rằng do bệnh viện mổ đẻ muộn khiến bé gái bị sặc ối sau mổ, chuyển viện muộn, không theo dõi chặt diễn biến dẫn đến tình trạng trên. Theo lời gia đình, sản phụ được gia đình đưa vào viện lúc 5h sáng nhưng đến 4 tiếng sau mới được mổ.

Có thể do bệnh lý chuyển hóa cường hoóc môn

Trước phản ánh này, ông Chương khẳng định không có việc chậm mổ cho sản phụ H. Khi chị H. vào viện, các bác sĩ đã khám, chỉ định mổ ngay từ đầu vì thai to, sản phụ nhỏ và được theo dõi đến khi có dấu hiệu chuyển dạ là chuyển vào phòng mổ. Khi sinh ra em bé hồng hào, bú tốt, không bị sặc ối.

Về phản ánh bệnh viện chuyển viện muộn, BS Chương cho biết diễn biến của trẻ bắt đầu từ 8h sáng ngày thứ 2 sau sinh nhưng sau khi can thiệp lại hồng hào nên các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi. Đến 15h chiều cùng ngày khi diễn biến suy hô hấp tăng lên đã hội chẩn, chuyển tuyến bằng xe cứu thương, có nhân viên hộ tống.

BS Chương cho biết thêm, thông tin tại BV Xanh Pôn cho biết bệnh nhi tử vong có thể do mắc bệnh lý chuyển hóa cường hoóc môn gây hạ đường máu liên tục dù đã bù đường. Hậu quả của tình trạng hạ đường huyết kéo dài dẫn đến suy hô hấp, trẻ bị nôn trớ, sặc gây viêm phổi, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

“Với căn bệnh này, khi sinh ra ngày đầu tiên, do còn lượng đường của mẹ truyền cho còn sót lại, em bé vẫn bình thường. Nhưng từ ngày thứ hai bé mới có biểu hiện bệnh, hạ đường huyết. Tuy nhiên, gia đình không đồng ý với giải thích này của bệnh viện”, BS Chương nói.

Liên quan đến sự việc này, chiều 27/12, Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc làm việc với Bệnh viện đa khoa Vân Đình. Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá cụ thể nguyên nhân tử vong của bệnh nhi, xem xét tinh thần thái độ, chẩn đoán ban đầu… của Bệnh viện Vân Đình để trả lời cho những khiếu nại của người nhà bệnh nhi.

Được biết, cường insulin là một bệnh rối loạn chuyển hóa bẩm sinh đây là căn bệnh hiếm gặp, có tỷ lệ mới mắc 1/50000 trẻ sơ sinh đẻ sống. Cường insulin do quá sản tế bào Beta của tiểu đảo tụy và là nguyên nhân hàng đầu gây hạ đường huyết nặng, tái diễn ở trẻ sơ sinh. Nếu không được xử lý đúng, kịp thời, những cơn hạ đường huyết kéo dài này sẽ làm tổn thương não vĩnh viễn không hồi phục, gây ra di chứng tâm thần kinh nặng và tàn phế đứa trẻ sau này, thậm chí gây tử vong nhanh chóng.

Với căn bệnh này, việc xác định cũng không dễ dàng mà cần các xét nghiệm chuyên sâu mới có thể xác định được bệnh. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã điều trị thành công nhiều trường hợp bị cường insulin bằng nội khoa hoặc can thiệp ngoại khoa.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm