Chuyên gia cảnh báo mù mắt vì lạm dụng "thuốc thần kỳ"
(Dân trí) - TS.BS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc BV Mắt Trung ương cho biết có những bệnh nhân lạm dụng "thuốc thần kỳ" dẫn đến bệnh glôcôm. Nhiều người đến viện trong tình trạng rất muộn, nguy cơ mù lòa rất cao.
Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm
Tại Lễ míttinh hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới (diễn ra từ 12-17/3) với chủ đề: Hãy đến khám mắt để phát hiện bệnh glôcôm, do Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức chiều 13/3, tại Hà Nội, TS Hiệp cảnh báo thói quen, sự chủ quan của nhiều người bệnh có thể dẫn đến mù lòa.
Bệnh glôcôm (dân gian thường gọi là bệnh thiên đầu thống hay cườm nước) là căn bệnh nguy hiểm, gây mất thị lực, có thể gây mù vĩnh viễn. Mù do glôcôm đứng thứ hai (sau bệnh đục thể thủy tinh) trong các nguyên nhân gây mù lòa có thể phòng tránh được.
Bệnh glôcôm thường khởi phát đột ngột vào buổi chiều tối, hoặc khi bệnh nhân đang cúi xuống đọc sách, sau những sang chấn tinh thần mạnh.
Bệnh nhân đột ngột bị đau mắt dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn đèn thấy có quầng xanh đỏ như cầu vồng... Bệnh nhân cũng cảm thấy buồn nôn, hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, mắt đỏ lên và nhìn mờ ở nhiều mức độ...
Có những người có thể nhìn mờ như nhìn qua màn sương, nhưng cũng có thể giảm thị lực trầm trọng đến mức chỉ còn đếm ngón tay, hoặc thấy bóng bàn tay...
Khi có những dậu hiệu này cho thấy nguy cơ glôcôm rất cao và được bác sĩ chuyên khoa mắt cảnh báo đi khám sớm. Trong khi đó, hiểu biết của người dân về căn bệnh này còn rất hạn chế. Một nghiên cứu của BV Mắt Trung ương với nhóm người trên 35 tuổi tại Nam Định và Thái Bình cho thấy, 94% người dân tham gia khám sàng lọc còn lơ mơ hoặc không nghe biết gì về bệnh glôcôm.
Vì thế trên thực tế, nhiều bệnh nhân đến viện khi thị lực gần như đã mù lòa. Trong khi đây là căn bệnh có thể phát hiện sớm, điều trị bằng thuốc, thậm chí can thiệp phẫu thuật và tiếp tục tái khám, theo dõi định kỳ là kiểm soát được.
Mù mắt vì lạm dụng "thuốc thần kỳ"
Bênh cạnh đó, vấn đề đáng báo động là việc người dân lạm dụng và tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, không theo chỉ định của thầy thuốc khiến mắt có thể bị glôcôm do tra corticoid kéo dài. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh nhân glôcôm góc mở, có tiền sử tra corticoid tại mắt kéo dài chiếm 31% đến 33%, trong đó số người trong lứa tuổi lao động (25-59%) chiếm 63%.
Các bác sĩ BV Mắt Trung ương dẫn chứng trường hợp rất đáng tiếc của nữ sinh mới 16 tuổi. Trước đó, năm 2014 em bị viêm kết mạc dị ứng, em tự ra hiệu thuốc mua thuốc và được người bán hàng bán cho loại thuốc chứa corticoid là Tobradex. Lọ thuốc quả là thần kỳ bởi khi nhỏ em thấy hết ngứa, nhanh hết đỏ mắt.
Sauk hi dùng hết gần 3 lọ trong vòng 2 tháng, cô bé không còn thấy đỡ ngứa, đỡ đỏ mắt mà lúc này mắt đỏ ngầu, giác mạc đục như cùi nhãn, căng tức như bị vật gì đó bóp nghẹn, mờ mắt trông thấy.
Gia đình cuống cuồng đưa em tới viện, được xác định glôcôm giai đoạn gần mù. Phẫu thuật cũng không thể đưa mắt về như ngày xưa. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật để cứu mắt em khỏi tồi tệ hơn. Lúc này thuốc hạ nhãn áp các loại đều không tác dụng, giác mạc và thể thủy tinh đều phù đục. May mắn là nhãn áp đã được khống chế, mắt hết đau nhức, trong trẻo như trước. Đáng buồn là thị lực chỉ còn đếm ngón tay.
Hiện nay bệnh nhân này vẫn tái khám định kỳ, với thị lực gần như bằng không. Chưa kể, sau mổ không hẳn mọi chuyện đều êm ả bởi có những lúc nhãn áp lại vọt lên do sẹo xơ của người trẻ bít vào...
Chỉ vì dùng thuốc không có chỉ định, nhiều bệnh nhân lãnh hậu quả, thậm chí ân hận cả đời. Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo tuyệt đối không tùy tiện dùng thuốc chứa corticoid mà cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hưởng ứng Tuần lễ glôcôm thế giới, từ ngày 12-16/3 tại BV Mắt Trung ương sẽ triển khai khám, tư vấn miễn phí cho những bệnh nhân đang được theo dõi lâu dài như: Đo nhãn áp miễn phí cho người nhà bệnh nhân tại phòng khám E503 và E504 trong tuần.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh glôcôm:
- Những người trên 35 tuổi (tuổi càng cao, khả năng bị glôcôm càng lớn).
- Những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm.
- Bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài (tra mắt hoặc toàn thân).
- Những bệnh nhân có bệnh toàn thân như đái tháo đường, cao huyết áp...
- Những người có nhãn cầu nhỏ như vị viễn thị nặng, giác nạc nhỏ, những người dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện bệnh.
Hồng Hải