Huế:

Chú ý đến chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư

(Dân trí) - Đó là một trong những chủ đề chính đáng chú ý tại Hội nghị khoa học Phòng chống ung thư thường niên Huế - 2017 “Tiêu hóa - Phổi – Vú - Phụ khoa, Xạ trị, Chăm sóc giảm nhẹ và Nhi khoa” đang diễn ra tại Bệnh viện Trung ương Huế, TP Huế trong ngày 31/8-1/9.

Bệnh ung thư đang là một trong những gánh nặng y tế toàn cầu, với khoảng 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh này, trong đó mỗi năm có hơn 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào 2020. Mỗi năm có hơn 70.000 người chết vì ung thư, tương ứng 205 người/ngày.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc tốp 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc tốp 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang với tỷ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turmenistan.

Mặc dù chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống ung thư đã được triển khai từ nhiều năm nay và bước đầu đạt được một số thành quả đáng khích lệ, tuy vậy cuộc chiến chống lại căn bệnh ác tính này vẫn tiếp tục là một thách thức lớn cho toàn ngành y tế Việt Nam. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện, trung tâm, khoa Ung Bướu trên toàn quốc là một thực tế bức bách chưa thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Hội nghị Khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế được diễn ra định kỳ vào hai ngày: thứ 5 và thứ 6 tuần cuối cùng của tháng 8 hàng năm, do Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức. Được sự ủng hộ của Hội Ung thư Việt Nam, hội nghị này nằm trong nỗ lực của toàn ngành y tế nói chung và chuyên ngành Ung bướu nói riêng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Ung Bướu Huế.

Theo PGS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Trung ương Huế, các chuyên đề của hội nghị thay đổi từng năm, tùy thuộc vào mức độ phổ biến, tính cấp bách và phức tạp của từng loại bệnh ung thư.

Chủ đề Hội nghị năm 2017 là “Tiêu hóa- Phổi- Vú- Phụ khoa, Xạ trị, Chăm sóc giảm nhẹ và Nhi khoa” đã gần như phản ảnh toàn diện bức tranh phòng chống ung thư hiện nay, trong đó nổi bật là các bệnh ung thư ở trẻ em và những vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư ngày càng được quan tâm thích đáng.

PGS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu khai mạc tại Hội nghị
PGS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu khai mạc tại Hội nghị

Có hai điểm tạo nên sự khác biệt của Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế, đó là: Thứ nhất, hội nghị luôn có sự tham gia tích cực của các hiệp hội phòng chống ung thư và các chuyên gia ung bướu uy tín trên thế giới.

Năm nay, Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á (ACCL) do bà Kazuyo Watanabe, sáng lập viên và chủ tịch, tiếp tục đồng hành cùng hội nghị với một đội ngũ chuyên gia ung bướu nhi đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore.

Các nội dung chính đáng quan tâm do các chuyên gia nước ngoài trình bày như: Chiến lược ung thư nhi quốc gia và hợp tác toàn cầu/ khu vực - Kazuyo Watanabe, Liên đoàn Chăm sóc trẻ em châu Á (ACCL), Nhật Bản; Hỗ trợ tăng cường năng lực điều trị ung thư nhi tại các nước đang phát triển - Hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam - Hiroyuki Shichino, Trung tâm quốc gia về sức khỏe và y tế toàn cầu (NCGM), Nhật Bản; Cập nhật kiến thức mới trong phẫu thuật nội soi ung thư đại trực tràng - GS. Abe Fingerhut (Chủ tịch Hiệp hội phẫu thuật nội soi châu Âu)

Đặc biệt năm nay có các bác sĩ và điều dưỡng đến từ Cam-pu-chia và Lào với những chia sẻ về tình hình ung thư trẻ em ở hai nước bạn láng giềng thân thiết.

Thứ hai, luôn luôn đi kèm với hội nghị là chương trình tập huấn "tiền hội nghị": điều trị ung thư đa chuyên khoa, tập trung vào các loại bệnh ung thư phổ biến và gặp nhiều thách thức trong điều trị. Tại các phiên tập huấn, các chuyên gia tập trung "mổ xẻ" từng bệnh nhân cụ thể, với sự cố vấn của các chuyên gia quốc tế, đánh giá toàn diện lâm sàng và cận lâm sàng và cuối cùng đưa ra một kế hoạch điều trị chuẩn, phù hợp với xu hướng cá thể hóa (personalising) trong điều trị ung thư hiện nay.

Chính chương trình tập huấn này luôn đặc biệt thu hút sự quan tâm của các đồng nghiệp chuyên ngành ung bướu trên cả nước vì tính hiệu quả và chất lượng rõ ràng. Đồng thời các chương trình tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa đã giúp khởi động, chuyển giao và phát huy mô hình các "Ban khối u" (Tumour Board) vốn đã được thực hiện thường quy tại các trung tâm điều trị ung thư lớn trên thế giới, góp phần đạt đến kết quả điều trị tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Đại Dương