Bộ Y tế yêu cầu phòng chống dịch bệnh dịp Tết

(Dân trí) - Theo Bộ Y tế, sự gia tăng sử dụng thực phẩm và giao lưu đi lại của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2018 làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp bao gồm các chủng cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội năm 2018, Bộ Y tế đã có công văn gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đề nghị quan tâm để phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tích cực, chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, ngăn chặn hiệu quả không để bùng phát dịch bệnh tại địa phương.

Bộ trưởng Y tế kiểm tra tại một công ty sản xuất socola tại Hà Nội. Ảnh: T.A
Bộ trưởng Y tế kiểm tra tại một công ty sản xuất socola tại Hà Nội. Ảnh: T.A

Công văn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kí cũng đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND chỉ đạo các Sở Y tế tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, xâm nhập, dịch bệnh mùa đông xuân, các bệnh hay gặp trong dịp Tết, lễ hội.

Đồng thời tập trung giám sát các trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, sởi, ho gà, thủy đậu, các bệnh lây truyền qua thực phẩm tại cộng đồng; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định sớm tác nhân gây bệnh, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng.

Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân; thực hiện phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tham mưu tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh do vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm các ổ dịch cúm trên các đàn gia cầm, tổ chức xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời thông báo cho ngành y tế để có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh cúm gia cầm cho người...

Chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành thực hiện kiểm tra ngăn chặn gia cầm nhập lậu, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối về gia cầm.

Cần đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng chống dịch bệnh trong mùa Tết, lễ hội. Tuyên truyền mạnh mẽ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh để cho người dân hiểu và đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Tăng cường truyền thông người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện ăn chín, uống chín, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm.

Chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai quyết liệt các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục; phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ em tại các trường học. Thực hiện các biện pháp cách ly học sinh có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm, thông báo ngay cho cơ sở y tế để kịp thời xử lý.

Tại các địa phương cũng cần tổ chức các đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng phòng bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; tập trung các biện pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh sởi, ho gà và các bệnh do vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người.

Tú Anh