Ăn kiểu phương Tây có gây ra bệnh?

(Dân trí) - Trong cuộc sống hiện đại, nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu. Vì thế, trong ẩm thực chế độ ăn uống kiểu phương Tây thường được ưa chuộng bởi tính tiện lợi, nhanh chóng, cung cấp đầy đủ năng lượng. Nhưng sau thời kỳ “quá độ” theo kiểu Tây, một số nhược điểm, hệ lụy bắt đầu lộ ra…

 

Ăn kiểu phương Tây có gây ra bệnh? - 1

Chế độ ăn phương Tây rất nhiều thuận lợi

Chế độ ăn phương Tây đặc trưng bởi thực đơn nhiều thịt động vật, bơ, sữa và uống bia rượu. Sau này còn phát triển đồ hộp, đồ khô đóng gói và đặc biệt là các món thức ăn nhanh.

Xét về phương diện dinh dưỡng, thức ăn phương Tây rất hợp khoa học: (1) có đủ 4 thành phần cơ bản của ô vuông thức ăn, (2) rất đầy đủ năng lượng cần thiết cho con người hoạt động.

Về tính tiện dụng, thức ăn phương Tây thỏa mãn nhu cầu công nghiệp, hiện đại hóa của xã hội tiến bộ văn minh.

Nhưng cũng có lắm nguy cơ

Thịt động vật, đặc biệt những loại thịt đỏ, rất giàu đường Neu5Gc, một loại đường “không của người” (non-human sugar), sẽ thúc đẩy phản ứng viêm và tiến triển ung thư.

Những chất béo bão hòa và acid béo omega-6 chủ yếu trong thức ăn nguồn động vật là nguy cơ rất lớn gây ra béo phì, xơ vữa động mạch, đái tháo đường ..

Sữa và các chế phẩm từ sữa giàu leucine là mầm mống kích hoạt chất mTORC1, khởi nguồn cho nhiều bệnh lý dị ứng miễn dịch sau này.

Thức ăn nhanh tuy đa dạng và phong phú nhưng thường thiếu vi chất và thừa những chất độc thực phẩm trong quá trình chế biến, bảo quản như thừa các chất béo trans (trans fat), acrolamide, chất phụ gia bảo quản.v.v…

Thức ăn phương Tây “mầm” gây dị ứng!

Trong lãnh vực da liễu, chế độ dinh dưỡng kiểu phương Tây là căn nguyên quan trọng của các bệnh dị ứng mãn tính như mụn trứng cá, vảy nến và viêm da cơ địa.

 

Ăn kiểu phương Tây có gây ra bệnh? - 2

Cơ chế chính gây ra các bệnh lí này đó là các tín hiệu chuyển hóa từ chế độ dinh dưỡng này được nhận diện bởi chất mTORC1 (mammalian Target Of Rapamycin Complex 1), đây là một enzyme nhạy với dinh dưỡng. Chất mTORC1 sẽ hòa hợp với những tín hiệu năng lượng của tế bào, các yếu tố nội tiết (Insulin, IGF-1) và tín hiệu từ protein mà ưu thế là leucine trong thức ăn.

Vai trò của leucine trong việc điều hòa tín hiệu mTORC1 đã được chứng minh rõ ràng trong rất nhiều nghiên cứu. Leucine góp phần hoạt hóa chức năng tế bào lympho T, tế bào quan trọng bậc nhất trong căn nguyên sinh bệnh của viêm da cơ địa và vảy nến. Người ta thấy những trẻ bú các loại sữa công thức từ sữa bò sẽ nhận lượng leucine cao gấp 2 lần so với trẻ được bú mẹ, do vậy bú sữa bò sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng đặc biệt là viêm da cơ địa.

Mụn da thường phát triển trùng hợp với giai đoạn tuổi dậy thì do tuyến yên tăng tiết hóc môn tăng trưởng (GH) và sự bài tiết hóc môn IGF1 (Insulin-like growth factor 1, hóc môn tăng trưởng dạng insulin) từ gan thông qua GH. Hóc môn IGF-1 kích thích mạnh mẽ sự hình thành chất béo ở tuyến bã nhờn, ngoài ra IGF-1 cũng có liên quan đến sự tăng tiết hormon sinh dục androgen, tăng hoạt động của enzyme 5-reductase có vai trò cội rễ gây ra mụn. Sự hoạt động quá mức của mTORC1 làm tăng phản ứng viêm cũng như góp phần chủ yếu vào cơ chế bệnh sinh của các bệnh kể trên.

May mắn thay, chúng ta có thể tự phòng tránh hay giảm nguy cơ mắc hoặc tái phát các bệnh lý  mãn tính này nhờ sử dụng những chất ức chế mTORC1 tự nhiên mà chủ yếu là polyphenols và isoflavonoids từ thực vật  như trà xanh, nghệ, đậu nành, ngũ cốc nguyên cám, các loại đậu đỗ, hạt dinh dưỡng, rau xanh, củ quả….

Thay lời kết

Chế độ ăn uống phương Tây quá giàu chất đường, chất béo động vật và protein từ sữa, chứa tín hiệu insulin / IGF-1 cao cũng như nhiều leucine sẽ tăng cường tín hiệu mTORC1.

Một chế ăn chay linh hoạt với nhiều thực vật từ ngũ cốc thô, rau củ, đậu hạt, ít protein động vật, dùng các loại nước uống như trà chanh, trà thực vật là cơ hội để  phòng chống các bệnh chuyển hóa miễn dịch của xã hội hiện đại này. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta gần như hiểu hơn bao giờ hết câu nói của Hippocrate, ông Tổ Tây  Y, cách đây 2.400 năm trước: "Hãy biến thức ăn thành thuốc của mình”.

TS.BS Trần Bá Thoại  

Ủy viên BCH  Hội Nội tiết Việt Nam ) 

ThS. BS. Hà Nguyên Phương Anh

Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng)