1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vị thế của Việt Nam thay đổi thế nào sau hai lần đăng cai APEC?

(Dân trí) - Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược (Bộ Công An) cho biết, so với lần đăng cai đầu tiên vào năm 2006, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi, thế và lực của Việt Nam cũng khác rất nhiều; việc tổ chức thành công APEC 2017 sẽ giúp chúng ta khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương(APEC) được gần 20 năm, nhưng đây đã là lần thứ hai chúng ta được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, thưa ông?

Có thể nói việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của APEC vào năm 1998 đã đánh dấu những bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây là cơ chế hợp tác kinh tế đầu tiên ở tầm Châu Á - Thái Bình Dương mà Việt Nam tham gia kể từ khi bước vào công cuộc Đổi mới, là minh chứng về chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước.

Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chứ APEC vào năm 2006 và năm 2017 chúng ta tiếp tục là nước chủ nhà của Diễn đàn kinh tế hàng đầu thế giới này. Điều này chứng tỏ cộng đồng quốc tế đánh gia cao vị thế, tiềm lực và vai trò quan trọng của Việt Nam trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Việc tổ chức thành công không chỉ giúp chúng ta được nhìn nhận ở tầm khu vực mà còn nâng cao vị thế để chủ trì, điều hành những sự kiện, vấn đề liên khu vực với quy mô lớn và tính chất phức tạp hơn.


Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng, APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

Giữa hai kỳ đăng cai APEC vị thế của Việt Nam khác nhau ra sao, thưa ông?

So với lần đăng cai đầu tiên vào năm 2006, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi, thế và lực của Việt Nam cũng khác rất nhiều. Hiện nay, có thể nói Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới cũng như hội nhập toàn diện trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng…

Sau hơn 11 năm, chúng ta đã trưởng thành về mọi mặt, trong đó sức mạnh về kinh tế, sự lan tỏa về ngoại giao đều đã có những dấu ấn, thành tựu đáng kể. Trên Diễn đàn quốc tế, chúng ta từng làm chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có những đóng quan trọng trong sự phát triển chung của thế giới.

Có thể nói, Việt Nam hiện nay được đánh giá là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vì thế APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới.

APEC 2017 quy tụ lãnh đạo của 21 nền kinh tế thế giới trong đó có nhiều nguyên thủ đến từ những cường quốc lớn như: Mỹ, Trung Quốc, Nga… Theo ông, điều này có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa Việt Nam với tất cả nền kinh tế thành viên APEC?

Có thể thấy, hiện nay nền kinh tế thế giới đang ở giai đoạn bước ngoặt. Ngoài xu hướng trục chính là thương mại toàn cầu, nền kinh tế thế giới xuất hiện những xu hướng mới nổi lên như: bảo hộ mậu dịch, khu vực hóa, song phương hóa… Những xu hướng này đan chéo, tác động lẫn nhau. Chính vì thế, sự kiện APEC 2017 quy tụ 21 nền kinh tế giới vừa có ý nghĩa tạo ra một sân chơi mới tại khu vực, vừa có giá trị thúc đẩy toàn cầu hóa,tạo điều kiện mở rộng cánh cửa song phương. Đây là cơ hội để chúng ta tăng cường mối quan hệ với các đối tác lớn, có quan hệ mật thiết, cũng như các đối tác giàu tiềm năng khác .

Tôi tin rằng sau sự kiện lần này mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các nước sẽ được thúc đẩy và mở rộng. Đặc biệt chuyến thăm chính thức song phương của Tổng Bí thư - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump, … tới đây sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục củng cố, mở rộng quan hệ đối ngoại trước hết là về kinh tế sau đó đến các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng với các quốc gia lớn trên thế giới.

Việt Nam lần thứ hai tổ chức Năm APEC vào thời điểm tình hình thế giới và khu vực nổi lên nhiều diễn biến phức tạp. Theo ông, điều này tạo ra thách thức nào cho Việt Nam trong vai trò là nước chủ nhà?

Bối cảnh của năm 2017 hiện nay khác rất nhiều so với lần Việt Nam đăng cai tổ chức APEC vào năm 2006. Về mặt kinh tế, sau hơn 10 tháng cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thay đổi và triển khai hàng loạt chính sách mới, trong đó có quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực xây dựng một khu vực thương mại tự do rộng lớn. Song song với đó là xu hướng đàm phán song phương giữa các quốc gia thay vì đa phương như trước.

Cùng với kinh tế, những vấn đề khác như an ninh khu vực ngày càng phức tạp đặc biệt là diễn biến trong cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Triều Tiên làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bất ổn ở châu Á - Thái Bình Dương. Những hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, Hoa Đông cũng khiến nhiều quốc gia trong khu vực bất bình.

Có thể nói, tất cả những vấn đề gay gắt như Triều Tiên, điểm nóng Trung Đông, hay các diễn biến phức tạp ở Châu Âu sẽ đều trực tiếp hay gián tiếp được phản ánh ở hội nghị lần này. Trong bối cảnh đặc biệt có nhiều thay đổi đó đặt ra thách thức rất lớn cho nước chủ nhà. Việt Nam không chỉ thực hiện về mặt tổ chức mà còn điều hành, làm sao dung hòa được các mối quan hệ khác nhau thậm chí đối lập trong lĩnh vực kinh tế, chính trị… Tuy nhiên tôi cho rằng, trong vai trò của mình, Việt Nam sẽ làm được và đã làm được điều này một cách rất thành công.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dự Tuần lễ Cấp cao APEC, và có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Ông kỳ vọng gì về mối quan hệ Việt - Mỹ sau chuyến thăm lần này?

Ngoài ông Donald Trump, trước đây 3 đời Tổng thống Mỹ đã đến thăm Việt Nam như: Ông Bill Clinton đến thăm Việt Nam vào thời điểm trước khi rời nhiệm sở 3 tháng. Tổng thống George W.Bush cũng sang thăm Việt Nam vào những năm cuối nhiệm kỳ. Năm 2016, ông Obama thăm Việt Nam trước khi rời sở nhiệm 7 tháng. Riêng Tổng thống Donal Trump đến thăm Việt Nam ngay ở năm đầu tiên của nhiệm kỳ, điều này chứng tỏ Mỹ rất coi trọng Việt Nam và đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Chuyến thăm này chắc chắn sẽ góp phần định hình, làm rõ hơn chiến lược cũng như chính sách của Mỹ đối với khu vực trong thời gian tới. Đồng thời nó có cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, an ninh, quốc phòng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Trang

(Thực hiện)

Dòng sự kiện: APEC 2017