Phút cuối ở 34 Hoàng Diệu của người hiến 5.000 lượng vàng

Ông Chính xúc động kể: “Lúc này, mạch của mẹ đã kém. Tôi nói với mẹ: “Thôi mẹ về với bố. Mọi chuyện còn lại chúng con sẽ lo chu đáo. Mẹ yên tâm mà đi đừng lo lắng chuyện đời ở lại… ”.

Bên chiếc bàn mẹ từng hay ngồi, ông Trịnh Cần Chính, con trai thứ 6 của cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ và cụ ông Trịnh Văn Bô, không nén nổi nước mắt khi nghĩ về mẹ.

Gia đình có 7 anh em nhưng ông Trịnh Cần Chính và vợ là người trực tiếp chăm cụ Hoàng Thị Minh Hồ từ nhiều năm nay trong căn nhà số 34 Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội).

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người hiến 5000 lượng vàng cho Chính phủ, qua đời hôm 5/11, hưởng thọ 104 tuổi. Ảnh: Quần áo của cụ bà treo ngay ngắn trên giá (Ảnh: Diệu Bình)
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, người hiến 5000 lượng vàng cho Chính phủ, qua đời hôm 5/11, hưởng thọ 104 tuổi. Ảnh: Quần áo của cụ bà treo ngay ngắn trên giá (Ảnh: Diệu Bình)

Ông kể: “Ở những giây phút cuối cùng của cuộc đời, mẹ tôi vẫn rất minh mẫn. Điều này khiến các bác sĩ ngạc nhiên vì không ngờ ở độ tuổi đó bà vẫn tỉnh táo đến vậy. Bác sĩ nói, tình hình sức khỏe xấu đi nhưng thần kinh của cụ vẫn rất minh mẫn. Không ai nghĩ đây là một người đã qua tuổi 100”.

Từ khoảng tháng 9/2017, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ cảm thấy trong người không được khỏe. Các con đã đưa bà đến bệnh viện để thăm khám.

Một góc căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu, nơi cụ Hoàng Thị Minh Hồ trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: Diệu Bình
Một góc căn biệt thự số 34 Hoàng Diệu, nơi cụ Hoàng Thị Minh Hồ trút hơi thở cuối cùng. Ảnh: Diệu Bình

“Dù tuổi cao nhưng mẹ tôi không mắc các bệnh thường gặp ở người già như tiểu đường, huyết áp, tim mạch… Đây là lần đầu tiên mẹ tôi nằm viện, bà mắc chứng viêm phổi. Tôi nghĩ mẹ hơi mệt như những lần khác nhưng không ngờ lần này bà đi mãi mãi…”, ông Chính chia sẻ.

Con trai thứ 6 của cụ Minh Hồ kể: “Nhà tôi có một bức tượng Phật được thiếp vàng. Đây là vật rất quý với mẹ tôi và gia đình. Trước ngày mẹ nhập viện, em trai tôi mang bức tượng đi tân trang. Khi sức khỏe đã yếu, không còn nói được, mẹ dùng ngón tay viết mấy chữ lên tay tôi. Mẹ tôi muốn các con mang bức tượng về”.

Sau khi nằm điều trị tại bệnh viện hơn 1 tháng, sức khỏe của cụ Minh Hồ chuyển biến xấu. Nghe thông báo từ bác sĩ, các con của cụ đã quyết định đưa mẹ về nhà ở Hoàng Diệu. Họ làm vậy để hoàn thành tâm nguyện của mẹ được ra đi tại căn nhà chứa đầy kỉ niệm của hai vợ chồng.

Đến 5/11, các bác sĩ khuyên con cháu của cụ Minh Hồ bỏ máy để cụ bà đi vì lúc này máy không còn tác dụng nữa. Ông Chính xúc động kể: “Lúc này, mạch của mẹ đã kém. Tôi nói với mẹ: “Thôi mẹ về với bố. Mọi chuyện còn lại chúng con sẽ lo chu đáo. Mẹ yên tâm mà đi đừng lo lắng chuyện đời ở lại… ”.

Lúc này, mẹ tôi đã rất yếu nhưng 2 mí mắt mẹ vẫn khẽ lay động để ra hiệu cho các con là đã hiểu và bà ra đi. Đồng hồ đo nhịp tim chạy dài một đường thẳng. Mẹ tôi tạm biệt cõi trần vào 23 giờ 20 phút ngày 5/11”.

Cũng theo các con của cụ Hoàng Thị Minh Hồ, ngày sinh nhật của cụ là 12/11 (tức là 25/9 âm lịch). Các con đã nhờ cậy các bác sĩ cố gắng kéo dài sự sống của cụ qua ngày sinh nhật nhưng không còn khả năng.

“Tôi đau lòng nhưng phải chấp nhận bởi không có cách nào có thể cưỡng lại được quy luật sinh tử…”, ông Chính ngậm ngùi cho biết.

Chiếc tràng kỷ của cụ Minh Hồ và chiếc đồng hồ ngừng lại vào thời gian cụ từ giã cõi trần. Ảnh: Diệu Bình
Chiếc tràng kỷ của cụ Minh Hồ và chiếc đồng hồ ngừng lại vào thời gian cụ từ giã cõi trần. Ảnh: Diệu Bình

Những năm tháng cuối đời, cụ Minh Hồ vẫn xem truyền hình, nghe đài phát thanh. Với các chương trình tài chính, kinh tế bà thường bàn luận cùng các con.

Có một lần một nhà báo đến phỏng vấn. Năm đó cụ gần 100 tuổi. Biết cụ tính toán giỏi nên người này muốn làm phép thử. Nhà báo hỏi: “Tôi có số tiền như thế này, giá vàng ngày hôm nay như thế này thì tôi sẽ mua được bao nhiêu lượng vàng?”.

Nữ phóng viên sử dụng máy tính để tính toán sau đó cất đáp số đi. Cụ Minh Hồ gẩy bàn tính trong giây lát đã cho ra kết quả. Điều này khiến nữ nhà báo vô cùng kinh ngạc.

Chiếc bàn tính và cái cân, kỷ vật của cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Diệu Bình
Chiếc bàn tính và cái cân, kỷ vật của cụ Hoàng Thị Minh Hồ. Ảnh: Diệu Bình

Điều khiến ông Chính nhớ nhất ở mẹ đó là những lời răn dạy cụ dành cho các con. Ông nói: “Mẹ tôi luôn dạy các con muốn giàu có phải chăm chỉ làm ăn. Bà cho rằng, không có chuyện tài năng bẩm sinh, tất cả đều phải rèn luyện không ngừng nghỉ.

Không chỉ thế, mẹ tôi còn nhấn mạnh, các con phải ăn ở có đức và giữ chữ tín. Mẹ kể, không như bây giờ, ngày xưa cha mẹ toàn làm ăn bằng hợp đồng miệng nhưng rất giữ lời. Người càng làm ăn lớn càng phải giữ chữ tín”.

Cũng theo ông Chính, những năm tháng cuối đời cụ Hoàng Thị Minh Hồ rất nghị lực. Lúc trên giường bệnh dù đau đớn nhưng hiếm khi cụ kêu ca, than vãn. Cụ cứ cố gắng chịu đựng một mình. “Mẹ tôi có khát vọng sống mãnh liệt. Bà có niềm tin mình sẽ sống qua tuổi 110...", ông Chính kể.

Theo bà Nguyễn Xuân Hà (SN 1961, con dâu cụ Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ), cụ Hoàng Thị Minh Hồ là con người có tấm lòng hướng thiện. Cụ liên tục làm việc thiện cho đến lúc cuối đời. Bà Hà chia sẻ: “Mẹ thường xuyên nhắc các con gửi công đức ở các chùa và tặng quà cho những người nghèo…

Bà Hà và bà Yến, hai người con dâu của cụ Hoàng Thị Minh Hồ đang xếp lại chiếc áo dài của mẹ. Ảnh: Diệu Bình
Bà Hà và bà Yến, hai người con dâu của cụ Hoàng Thị Minh Hồ đang xếp lại chiếc áo dài của mẹ. Ảnh: Diệu Bình

Trước lúc mất, mẹ tôi vẫn muốn làm việc thiện. Bà ngỏ ý, sau khi mất, số tài sản còn lại của bà sẽ được sử dụng để sẽ thành lập một quỹ học bổng. Quỹ học bổng này mang tên ông Trịnh Văn Bô dành cho các sinh viên trường kinh tế, thương mại”.

Người con dâu này cũng tâm sự thêm: “Những ngày cuối đời ở bệnh viện, bà vẫn rất tỉnh táo. Bà dặn dò chúng tôi, cái áo này của bà, bà dành tặng cho con dâu cả, cái áo kia bà cho con dâu thứ… Thậm chí, bà còn dành phần cho người giúp việc đã nhiều năm theo gia đình tôi. Bà quý họ như chính người thân trong gia đình mình”.

Cụ Hoàng Thị Minh Hồ chụp ảnh cùng con cháu dịp Tết 2017. Ảnh: Gia đình cung cấp
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ chụp ảnh cùng con cháu dịp Tết 2017. Ảnh: Gia đình cung cấp

Bà Đỗ Thị Ánh Nguyệt (SN 1959, cháu dâu cụ Hoàng Thị Minh Hồ) chia sẻ: "Dù làm nhiều việc thiện nhưng bà không khoe khoang, phô trương. Lúc thành hôn với cháu trai của bà tôi không biết gì về chuyện gia đình nhà chồng từng hiến 5.000 lượng vàng cho Nhà nước.

Sau khi về gia đình, tôi đọc báo chí, xem truyền hình mới biết. Suốt hàng chục năm sau đó, chưa bao giờ tôi nghe bà nhắc đến câu chuyện này. Đối với bà, đấy là một việc như một lẽ thường tình...".

Theo Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm