Phóng sự: Mất tích, vàng và máu!
Dưới những hầm vàng sâu hun hút trên đất Quảng Nam, những lao động quê tại Quảng Trị đã bị ngược đãi. Ngoài thời gian lao động khắt khe, sẵn sàng bị “kỷ luật” bằng nắm đấm, thì thức ăn của công nhân không được đảm bảo. Quá hoang mang, họ bàn với nhau bỏ trốn khỏi mỏ vàng Khe Muối để tìm đường về nhà.
Thế nhưng, không may mắn như những thanh niên được cơ quan chức năng giải cứu, 1 người đã bị lực lượng bảo vệ của mỏ vàng bắt lại, “đánh hội đồng” đến nhập viện. Đến ngày 19.4, sau nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng, số lao động người Quảng Trị có nguyện vọng thoát khỏi mỏ vàng Khe Muối đã được trở về quê, nhưng vẫn còn 1 thanh niên mất tích bí ẩn…
Tứa máu dưới hầm sâu
Hai ngày từ lúc trở về đến quê nhà, những thanh niên được cơ quan chức năng giải cứu khỏi mỏ vàng Khe Muối (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn những lo âu khi đề cập đến thời gian làm công nhân tại đây. Mọi việc xuất phát từ lời mật ngọt của một người tên Giang. Ông Giang nói giọng ngoại tỉnh, ở nhờ nhà ông Bi tại thôn Tà Rụt 1 (xã Tà Rụt) nói rằng, có công việc lương cao, dễ làm nên nhiều thanh niên tại xã Tà Rụt đăng ký tham gia.
Anh Hồ Văn Nêm (SN 1995, trú tại xã Tà Rụt, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị) được ông Giang tuyển đi, và vừa trở về từ mỏ vàng Khe Muối với những vết thương ở tay, đau ê ẩm ở bụng và hãi hùng khi nhớ lại quá trình làm việc ở hầm vàng.
Nêm kể, anh làm công việc đẩy xe chở quặng trong một đường hầm dài hun hút. Hôm đó là ngày 4.4, do trời tối, xe chở quặng nặng, Nêm lại bất cẩn nên gặp sự cố, cả người anh đập vô thành xe. Lúc đó, cánh tay của Nêm bị thương, da thịt bị rách một vệt dài, máu tứa ra; chân và bụng cũng bị va đập đau nhói. Bảo vệ có mặt khi Nêm bị thương, nhưng không đồng ý cho đi sơ cứu, mà bảo rằng không sao, tiếp tục làm.
“Nêm nói đau quá, nhưng họ chửi một trận và đe dọa, nên phải gắng gượng làm. Bây giờ ở tay vẫn chưa lành, bụng vẫn đau, một bên tai không nghe được, cứ ù ù” - anh Nêm nói.
Lúc chúng tôi tìm đến nhà, anh Hồ Văn Đan (SN 1977, trú tại thôn Tà Rụt 1) đang nằm co ro trong ngôi nhà gỗ nghèo nàn ở ngay trung tâm xã. Anh Đan chưa lập gia đình, sống một mình. Cứ nghĩ kiếm việc ở ngoại tỉnh, sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng với anh Đan những ngày làm ở mỏ vàng Khe Muối là ác mộng.
Đầu tiên là thức ăn, ở Khe Muối, đến bữa 6 công nhân được xếp vào một bàn ăn, thức ăn thường có ít thịt, canh củ môn và cơm. “Ăn không đủ no, 1 chén canh là hết, thịt thì ít ít thôi. Làm việc nặng mà ăn như vậy không đủ sức” - anh Đan cho hay.
Từ lúc vào bãi vàng, anh Đan được phân công làm ca tối, anh làm từ 18h - 23h rồi được nghỉ, 1h-6h sáng lại tiếp tục làm. Do thời gian làm việc bị đảo lộn, có hôm sau 23h, anh nằm ngủ rồi thiếp đi, 1h đến ca làm nhưng anh chưa có mặt thì bảo vệ đến đấm ngay vào đầu, khiến anh choáng váng. Có hôm, trong lúc đang đẩy xe ở dưới đường hầm, anh Đan chưa móc tời vào xe mà đã kéo đi, liền bị một người tên Tú (phó ca) dùng nắm đấm và chửi rủa…
Cuộc bỏ trốn bất thành và vị bác sĩ giải cứu
Ở mỏ vàng Khe Muối, sau giờ làm, công nhân được trở về nghỉ ngơi ở một dãy nhà 2 tầng, xung quanh có nhiều bảo vệ. Chứng kiến một số người bị đánh, bị ngược đãi, công nhân truyền tai nhau xin về quê cũng không được công ty chấp nhận, nên những lao động quê Quảng Trị bàn bạc sẽ bỏ trốn.
Anh Hồ Văn Mân (SN 1996, trú tại xã Tà Rụt) kể rằng, 12h trưa ngày 12.4, sau khi ăn cơm xong thì cả nhóm khoảng 30 người quê tại Quảng Trị thống nhất sẽ bỏ trốn. Nhưng khi bỏ trốn thì chỉ có 12 người chạy về phía cổng, sau lưng là bảo vệ của mỏ vàng đuổi theo với gậy, dao, đá.
Sau khi băng qua một con suối, nhóm công nhân chạy vào rừng rồi lạc nhau. Mân chạy cùng với một nhóm 5 người, ở lại trong rừng 1 đêm 1 ngày thì tìm được 1 bản làng đồng bào thiểu số và được người dân chở giúp đến huyện Phước Sơn rồi ra đến xã Bình Minh…
Còn Hồ Văn Nêm thì đi cùng một nhóm 5 người khác, lạc giữa rừng 2 đêm 3 ngày. Gặp trời mưa, Nêm và những thanh niên khác vẫn lầm lũi chạy, gặp lá cây gì ăn được thì cho vào miệng, nhai để có sức. Đi miết thì nhóm này gặp lán bảo vệ của thủy điện Đắc Min 3 và được bảo vệ cho ở nhà, cho ăn rồi cho sạc điện thoại. Từ đây, nhóm này mới gọi điện thoại thông báo với gia đình, rồi được lực lượng Biên phòng Quảng Trị phối hợp với cơ quan chức năng đến giải cứu. Tuy nhiên, khi 2 nhóm gặp mặt nhau, mới phát hiện lạc mất 2 người, đó là Hồ Văn Đan và Hồ Văn Tài.
Khi cùng nhóm thanh niên bỏ trốn, anh Đan chân từng bị gãy, có tật nên chạy không được nhanh. Anh rớt lại phía sau, bị nhóm bảo vệ tóm được rồi dùng đùi, tay đánh “như thể đá quả bóng”. “Cả ông Lập, chỉ huy ở mỏ vàng cũng đánh” - anh Đan kể.
Sau khi nhóm người ngừng đánh, máu ở miệng anh Đan tuôn ra, mắt tối sầm, không đứng dậy được. Hai người bảo vệ đã khiêng anh Đan, đưa lên thùng ra trạm y tế xã, nhưng ở đây họ nghi ngờ bị gãy sườn, nên không nhận. Sau đó, người công nhân này được đưa đến cấp cứu ở bệnh viện tuyến huyện, các bảo vệ đi theo dặn bác sĩ hỏi thì nói là bị tai nạn, anh Đan nói theo.
Nhưng đến khi chỉ có mình bác sĩ, anh bảo bị đánh vì chạy trốn khỏi mỏ vàng và muốn trở về nhà. “Ban đầu bác sĩ không nói chi. Sau đó đưa cho tôi 900.000 đồng, 2 chiếc áo, rồi bảo mọi người góp lại cho” - anh Đan nhớ lại.
Cũng nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, anh Đan được đưa lên xe khách, về đến bến xe Đông Hà, do vẫn còn đau trong người nên anh ngủ lại một đêm ở bến xe, sáng ra mới đón xe về nhà. Đã 7 ngày từ lúc xảy ra sự việc, nhưng khi cởi chiếc áo trên người, da thịt của anh vẫn còn đầy vết bầm tím bởi đòn roi.
Anh đau ở sườn, đau ở mặt, đau ở lưng, đau ở ngực, sờ đâu cũng thấy đau và chỉ nằm ở chiếc giường. Cũng may, nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng, anh được nhận 3.400.000 đồng tiền lương trong những ngày làm ở mỏ vàng…
Còn một thanh niên mất tích
Trong số những thanh niên vào làm việc tại mỏ vàng, có hai anh em là Hồ Văn Hinh (SN 2000) và Hồ Văn Tài (SN 2001). Cả hai thanh niên đều tham gia bỏ trốn khỏi mỏ vàng vào ngày 12.4, nhưng chỉ mỗi Hinh trốn thoát, được giải cứu đưa về nhà, còn Tài vẫn chưa rõ tung tích.
Bố mẹ của Tài và Hinh đã mất, hai anh em ở với nhau trong căn nhà tồi tàn. Những ngày hai anh em đi làm vàng ở Quảng Nam, chị gái Hồ Thị Nhơn (SN 1980) cảm giác lo âu khi nhận được cuộc điện thoại của Tài kể rằng vào làm việc rất khó và sợ.
“Trước lúc bỏ trốn, Tài có mượn điện thoại của ai đó gọi về, nói em chuẩn bị ra khỏi mỏ vàng. Rứa rồi mất tích đến nay, không ai hay biết” - chị Nhơn, lo lắng.
Từ hôm đón Hinh trở về, chị Nhơn càng sốt ruột về tình trạng của em Tài, vì mọi người về hết, mình Tài ở lại giữa rừng không biết sẽ gặp những nguy hiểm gì. Hiện tại, chị Nhơn đã báo và nhờ cơ quan chức năng vào cuộc, nhưng vẫn chưa có thông tin gì về Tài.
Theo tìm hiểu, tại địa bàn huyện Đa Krông có gần 40 trường hợp (xã Tà Rụt có 31 người) vào mỏ vàng Khe Muối làm việc, đến thời điểm này chỉ mình Tài chưa trở về địa phương. Tuy nhiên, có 23 trường hợp được mỏ vàng (Cty TNHH Phước Minh tại thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) đưa về chưa được chi trả tiền lương.
Anh Hồ Chí Khâm (SN 1986, trú tại thôn A Pun, xã Tà Rụt) được mỏ vàng đưa về nhà theo nguyện vọng sau khi cơ quan chức năng vào cuộc giải cứu 11 lao động. Anh Khâm làm việc ở mỏ vàng thiếu hai ngày nữa là đủ một tháng, nhưng hiện mới chỉ được nhận 200.000 đồng.
Ông Hồ Sỹ Nhung - Trưởng Công an huyện Đa Krông cho biết, với những trường hợp chưa được nhận lương, đơn vị sẽ làm việc với cơ quan chức năng để yêu cầu công ty sử dụng lao động chi trả lương đầy đủ. Riêng về trường hợp anh Tài mất tích, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để tìm.
“Lúc Tài bỏ trốn chỉ mang chiếc quần đùi rồi chạy vào rừng. Bây giờ không biết đi đâu, trách nhiệm của chúng tôi là sẽ tổ chức tìm kiếm” - ông Nhung thông tin.
Người lao động mất tích đã liên lạc về nhà
Ông Hồ Văn Nhiếp - Chủ tịch UBND xã Tà Rụt thông tin, lúc 21h tối 19.4, Tài có liên lạc với gia đình. Đích thân ông Nhiếp đã gọi vào số điện thoại mà Tài mượn để liên lạc, thì đầu máy bên kia nói rằng sáng 20.4 Tài đang trên đường về. Nhưng đến 17h ngày 20.4, Tài vẫn chưa về đến nhà.
Theo Báo Lao động