Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khởi nghiệp phải liên tục và dài hơi!
(Dân trí) - “Hãy làm sao để khởi nghiệp không phải thành một phong trào một phút vụt lên rồi lại vắng đi mà phải liên tục và dài hơi” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ quan điểm của mình tại Lễ khai mạc TechFest 2017.
Mở đầu bài phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Năm 2016 khi đến với TechFest tôi có nói đến 10 điểm rất cụ thể mà các doanh nghiệp Startup lúc đó mong muốn. Đó là vốn; Cơ chế tài chính của nhà nước đồng hành với quỹ đầu tư, đồng hành với các doanh nghiệp; Thủ tục giấy tờ phải được rút gọn; Đổi mới Sở hữu trí tuệ; Nhà nước có chính sách để thành lập thị trường ban đầu cho startup, không thể đấu thầu nào cũng đòi hỏi kinh bao nhiêu năm kinh nghiệm, sản phẩm có bao nhiêu năm trên thị trường…; Không gian làm việc chung, các vườn ươm,...; Các trường đại học không chỉ là chỗ để làm không gian sáng tạo mà còn đưa ý tưởng, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo vào cho sinh viên và đội ngũ làm công tác nghiên cứu; Rất cần các doanh nghiệp lớn, đặc biệt trong lĩnh vực IT không chỉ là hỗ trợ mà sẵn sàng đón nhận các startup; Điểm cuối cùng là chính sách thuế, không chỉ cần thuế thu nhập cá nhân, thuế doanh nghiệm mà là chính sách thuế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu đổi mới, đầu tư hỗ trợ cộng đồng startup.
Khởi nghiệp phải liên tục và dài hơi
Điểm lại thì chúng ta thấy, năm nay có những việc rất là tốt, cụ thể nhưng nhiều việc thì mới chỉ là bước ban đầu. Chẳng hạn như, Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa thì mới chỉ nói đến quỹ đầu tư mạo hiểm, còn cần phải có những văn bản hướng dẫn sau này như thế nào; Hay là thuế thì mới bắt đầu đưa dần ý tưởng vào để sắp tới đổi mới việc nộp thuế…
“Nói như thế để chúng ta cùng chia sẻ với nhau, hãy làm sao để khởi nghiệp không thành phong trào một phút vụt lên rồi lại vắng đi mà phải liên tục dài hơi. Trong cộng đồng công nghệ thông tin có câu, đi nhanh thì có thể đi một mình, đi một mình có thể đi nhanh nhưng đi xa thì không thể độc hành được. Chúng ta cần một cộng đồng doanh nghiệp startup, cộng đồng các nhà đầu tư, cộng đồng các nhà nghiên cứu phải lớn mạnh hơn nữa. Đây chính là điều Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất là mong muốn ở chúng ta.” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, tất cả chúng ta đều cần phải vào cuộc, startup không phải chỉ là việc của Bộ KH&CN mà còn là việc của các tỉnh. Chúng ta phải đặt ra được những mục tiêu rất cụ thể, tuy rằng nhiều khi các mục tiêu này khiên cưỡng nhưng phải đặt ra để đo đếm, từ đó biết mình đi đến đâu.
Phân tích về điều này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, năm ngoái chúng ta bàn làm sao thực hiện lời kêu gọi và cũng là mệnh lệnh từ Thủ tướng đó là đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp. Câu hỏi đặt ra là trong 1 triệu doanh nghiệp đó thì có bao nhiêu doanh nghiệp startup. Lúc đó có nhiều đưa ra có số 20.000, rồi 10.000 và cuối cùng thống nhất là 5.000 doanh nghiệp startup. Con số mục tiêu 5.000 này vào thời điểm đó là rất khó bởi năm 2016 chúng ta mới có 1.800 doanh nghiệp. Điều đáng mừng là sau một năm chúng ta đã có thêm 1.000 doanh nghiệp startup. Vậy để đạt được mục tiêu thì 2 năm nữa phải có thêm 2.000 doanh nghiệp startup. Nhưng bây giờ chắc phải đặt ra câu hỏi là chúng ta về cái đích đó trước bao nhiêu tháng, từ đó sẽ có rất nhiều việc phải làm.
“Chúng ta buộc phải đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Lý do rất đơn giản: Nếu chúng ta cứ làm như trước thì Việt Nam chắc chắn không ra được khỏi bẫy thu nhập trung bình, chắc chắn không ai chấp nhập điều này. Vì vậy chúng ta buộc phải làm một cách rất mới, rất sáng tạo.” – Phó Thủ tướng nói.
Đã đổi mới sáng tạo thì không cái nào giống cái nào
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chia sẻ, đổi mới sáng tạo thì nó có những cái chung nhưng đã là sáng tạo thì không cái nào giống cái nào, không địa phương nào giống địa phương nào.
Tới đây Bộ KH&CN phải nhất định tập trung chỉ đạo nhiệm vụ khoa học công nghệ cho các địa phương, nguồn vốn khoa học cho xây dựng các không gian làm việc chung, vườn ươm để hỗ trợ cho startup. Ngân sách cho khoa học công nghệ cấp cho các trường ĐH cũng phải dành một phần lớn cho việc này để bất kì trường ĐH nào cũng phải có ít nhất một không gian làm việc chung.
“Bây giờ phải làm bằng những đề án rất cụ thể hết mức có thể. Năm trước chúng ta có Đề án 844, năm nay là Đề án 1665 về khởi nghiệp trong học sinh sinh viên và năm tới sẽ là Đề án 677 nhằm tạo Hệ tri thức Việt trên quan điểm chung là tất cả dữ liệu mở coi như tài nguyên quý được tập hợp, được hệ thống hóa để tạo nguồn tài nguyên cho tất cả mọi người cùng khai thác và đặc biệt là qua đó rất nhiều ứng dụng mới, rất nhiều doanh nghiệp startup và ý tường của các startup sẽ được xuất phát từ đó.” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
"Đã đổi mới sáng tạo thì không cái nào giống cái nào"
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nói đến APEC là nói đến kết nối. Nếu trước kia chúng ta nói kết nối phẳng thì giờ đây thế giới thực sự rất nhỏ, gần như kết nối kéo mọi người gần lại, xóa nhòa hết mọi không gian.
Bộ Khoa học và Công nghệ chính thức ra cổng kết nối sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia.
“Chúng ta không ngần ngại và cũng không sợ khi mở cái này ra thì các quỹ đầu tư từ nước ngoài, các doanh nghiệp từ bên ngoài, trung tâm phát triển công nghệ từ bên ngoài vào Việt Nam thì chúng ta sẽ mất công nghệ, chất xám, mất cơ hội… Hay một doanh nghiệp startup mới làm nên rồi lại bán cho doanh nghiệp khác thì mình có mất hết không. Chúng ta không nên ngần ngại điều đó vì chúng ta chơi trong một sân chơi chung và tổng lại thì giống như đầu tư mạo hiểm. Nhiều dự án không thành công nhưng chỉ một cái thành công thì tất cả cùng có lợi thì cái tôi vừa nói cũng như vậy” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ.
“Gần đây tôi có đọc trên mạng có được nghe lời chia sẻ không phải của một mà một số người rất nổi tiếng trên thế giới nói rằng ai muốn khởi nghiệp sáng tạo mà đòi sự hỗ trợ thì đừng khởi nghiệp, nhưng tôi muốn nói thêm rằng nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng, của những người thành công đi trước thì bao giờ cũng thuận lợi hơn vì vậy khởi nghiệp sáng tạo cần cả sự dấn thân của bản thân và sự đồng lòng hỗ trợ của cộng đồng, của Chính phủ và của mọi người.”
Nguyễn Hùng – Xuân Ngọc