Cuộc đua doanh số: Ô tô nhập đang dần "cân" được xe trong nước

(Dân trí) - Mặc dù gần đây, rất nhiều mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước đi đầu trong cuộc chiến giảm giá để giành lợi thế trước xu hướng xe nhập ào ào đổ bộ thị trường nhưng trong 3 tháng đầu năm 2017, doanh số bán xe nhập vẫn tăng mạnh 40%, trong khi đó, xe lắp ráp trong nước lại giảm 1%.

Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 3/2017, doanh số bán hàng xe lắp ráp trong nước đạt hơn 46.300 chiếc, giảm hơn 1% so với cùng kỳ năm 2016 là 46.600 chiếc. Trong khi đó, doanh số bán hàng của xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng hơn 40%, đạt hơn 18.400 chiếc, so với 13.000 chiếc cùng kỳ năm 2016.

Tổng lượng tiêu thụ xe hơi toàn thị trường hết tháng 3/2017 đạt hơn 64.700 chiếc, tăng hơn 5.000 chiếc so với cùng kỳ. Tính trung bình mỗi tháng người Việt tiêu thụ hơn 21.500 ô tô, mỗi ngày khoảng 716 xe nguyên chiếc.

Xe nhập khẩu đang từng bước lập lại thế cân bằng về doanh số so với xe trong nước (ảnh minh hoạ)
Xe nhập khẩu đang từng bước lập lại thế cân bằng về doanh số so với xe trong nước (ảnh minh hoạ)

Mặc dù doanh số bán hàng xe trong nước 3 tháng qua vẫn chiếm đa số khoảng 72% thị trường, nhưng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này đã giảm 6% (3 tháng năm 2016, doanh số bán xe ô tô trong nước chiếm gần 80% thị trường).

Trong khi đó, xe nhập khẩu đã và đang dần xác lập thế cân bằng trên thị trường xe ô tô Việt Nam, vốn được nhận định đang có sức tăng trưởng nhanh do nền kinh tế phát triển, thu nhập đầu người tăng, thuế giảm.

Cụ thể, nếu cùng kỳ tháng 3/2016, doanh số xe nhập bán ra chỉ chiếm 21% thị trường thì chỉ sau 9 tháng, doanh số xe nhập đã chiếm hơn 28% thị trường. So với cùng kỳ năm trước, tổng doanh số bán hàng 3 tháng năm 2017 tăng hơn 5.000 chiếc, xe nhập khẩu đóng góp 100% lượng tăng bán hàng, khỏa lấp khoảng trống giảm doanh số của xe lắp ráp trong nước để lại.

Trên thực tế, thời gian vừa qua các hãng xe lớn trong nước là Trường Hải, Toyota, Honda... luôn đi đầu thực hiện chiến lược giảm giá nhiều mẫu xe với mức giảm từ 30 triệu đồng, đáng kể có mẫu giảm giá gần 100 triệu đồng/xe.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thị trường xe hơi năm 2017 quá nhiều biến động khiến đại đa số người dân có ý định mua xe rất cân nhắc khi xuống tiền lấy xe, ngoại trừ người có nhu cầu cần thiết, những dòng xe được xác định không giảm giá (xe nhập khẩu châu Âu, Nhật, Mỹ, xe dung tích lớn, xe sang...).

Còn với đối tượng mua xe để kinh doanh, đi lại hoặc dành dụm tiền từ nhiều năm vẫn có tâm lý chờ đợi cho hết năm 2017, sang năm 2018, 2019 mới mua xe cho rẻ. Chính vì vậy, giá xe trong nước càng giảm, người mua xe càng lo lắng và không dám xuống tiền.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, thị trường xe ô tô nhập khẩu đang thay đổi nhanh chóng khi lượng xe nhập khẩu giá rẻ đổ bộ về ồ ạt từ 3 thị trường lớn là Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Mức giá xe nhập khẩu về Việt Nam rẻ nhất là xe Ấn Độ với giá khai báo trước thuế chỉ 84 - 90 triệu đồng/xe. Trong khi đó, lượng xe nhập khẩu nhiều nhất về Việt Nam là xe có xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia.

Cụ thể, theo con số của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/3/2017 xe ô tô có xuất xứ từ Ấn Độ nhập về Việt Nam là khoảng 4.781 chiếc (trong đó xe dưới chỗ ngồi là 4.780 xe, trị giá hơn 18,2 triệu USD (giá khai báo thông quan, chưa bao gồm các loại thuế). Bình quân, giá xe chỉ khoảng 3.800 USD/chiếc (hơn 86 triệu đồng/chiếc).

Trong khi đó, Thái Lan là nước cung cấp gần 100% lượng xe bán tải (pickup) vào Việt Nam, bởi tính từ đầu năm đến ngày 15/3, xe bán tải được nhập chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với gần 3.900 chiếc chiếm 99,6% trong tổng lượng xe bán tải nhập khẩu của cả nước.

Nguyễn Tuyền