1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Có hệ thống xử lý 1.000 tỷ đồng, nước thải vẫn đổ trực tiếp xuống Hồ Tây

(Dân trí) - Dù hệ thống xử lý nước thải Hồ Tây có tổng mức đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng đã đi vào hoạt động nhưng nhiều đơn vị chưa chịu đấu nối đường nước thải vào hệ thống thu gom. 30 đường cống vẫn trực tiếp xả nước thải xuống Hồ Tây.

Để tránh xảy ra tình trạng ô nhiễm nước Hồ Tây, từ năm 2010, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng trạm thu gom, xử lý nước thải Hồ Tây với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng, xây dựng các hạng mục như trạm xử lý nước thải tại phường Nhật Tân có công suất 15.000 m3/ngày đêm.

Giai đoạn 2 dự án, UBND TP Hà Nội phê duyệt bổ sung thêm cho nhà máy khoảng 312 tỷ đồng. Đến đầu tháng 9/2016, nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn khoảng 30 đường ống cống xả hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý trực tiếp xuống Hồ Tây.

Vẫn còn hàng chục cống xả nước thải xuống Hồ Tây
Vẫn còn hàng chục cống xả nước thải xuống Hồ Tây

Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây trị giá 1.000 tỷ đồng lại phải “đi xin” nước thải của các nhà hàng, đơn vị kinh doanh dịch vụ để xử lý. Cụ thể, trước thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, vào ngày 30/9, đại diện Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây cũng đã có văn bản gửi Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sen về việc đấu nối nước thải của nhà hàng Sen vào hệ thống thu gom nước thải của nhà máy để xử lý.

Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây cho biết, trên thực tế, Khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ đang xả nước thải chưa qua xử lý và chưa có bất kỳ thỏa thuận hoặc hợp đồng đấu nối nào với đơn vị thoát nước. Nhà máy này dẫn Nghị định 80 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải để khẳng định Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sen phải thực hiện thỏa thuận để đấu nối nước thải phát sinh từ Khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ vào hệ thống thu gom nước thải Hồ Tây là bắt buộc.

Khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở Hồ Tây, đại diện Công an quận Tây Hồ cũng đã làm việc với Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây về việc đấu nối, thu gom nước thải của Công ty cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội.

Hệ thống cung cấp oxy cho nước Hồ Tây được lắp đặt từ khi cá chết hàng loạt
Hệ thống cung cấp oxy cho nước Hồ Tây được lắp đặt từ khi cá chết hàng loạt

Theo trình bày của Công ty Cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội, hiện tại Công ty này đã có biên bản thỏa thuận đấu nối hệ thống thoát nước thải Hồ Tây do Ban quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây. Tuy nhiên, đại diện Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây khẳng định, đến ngày 3/10, chưa có đơn vị nào trên địa bàn quận Tây Hồ thực hiện thỏa thuận đấu nối với công ty kể cả Công ty cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội.

Biên bản làm việc của Công an quận Tây Hồ dẫn quy định tại Nghị định 80 của Chính phủ thì Công ty cổ phần dịch vụ giải trí Hà Nội phải thực hiện thỏa thuận đấu nối với Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Nước thải sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây đã được xử lý xả ra mương Xuân La, tại cống Xuân La, không xả vào Hồ Tây.

Từ ngày 1-2/10, tại Hồ Tây xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt. Đến chiều 3/10, khoảng 1.000 người, trong đó có cả lực lượng của quân đội, công an và triển khai 100 thuyền vớt xong 200 tấn cá chết. Theo các kết quả xét nghiệm ngày 3/10 thì toàn bộ nước mặt của Hồ Tây có mức ôxy bằng 0.

Quang Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm