Chủ nhà chém trọng thương trộm: Giết người hay phòng vệ chính đáng?
(Dân trí) - Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, cần thiết phải xét đến hoàn cảnh xảy ra vụ chủ nhà chém trọng thương kẻ trộm. Từ thực tế vụ án, cơ quan tố tụng mới có thể truy tố nghi phạm với tội danh phù hợp.
Giới hạn nào cho hành vi phòng vệ chính đáng?
Từng điều tra, giải quyết nhiều vụ trọng án xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người, Trung tá - Nghiên cứu sinh Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) - nguyên Điều tra viên Đội Điều tra trọng án (Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội) - cho rằng, vụ chủ nhà chém trọng thương kẻ trộm là vụ án khá phức tạp và thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Sở dĩ người dân quan tâm vì trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ kẻ đột nhập, giết hại nhiều người trong một gia đình, điển hình như vụ Lê Văn Luyện (vụ trộm tiệm vàng ở Bắc Giang), Nguyễn Văn Kỳ (trộm đâm chết chủ nhà ở Thạch Thất, Hà Nội) hay Nguyễn Hải Dương (thảm án Bình Phước)…
Trong vụ vừa xảy ra ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), chủ nhà có hành vi tấn công, gây thương tích cho kẻ đột nhập lại dính vào vòng lao lý, khiến nhiều người hoang mang, khó hiểu, vì điều này có vẻ trái ngược với Điều 15 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về quyền phòng vệ chính đáng.
Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, mọi tình tiết trong vụ án đang trong giai đoạn điều tra, chưa được công bố, nên đến nay chưa thể nói gì nhiều về tính chất vụ án này. Mọi người cũng không nên “võ đoán” về vụ việc, tránh tạo ra những áp lực không đáng có với những người làm án.
Tuy nhiên, qua việc nghi phạm bị khởi tố về tội “Giết người” theo Điều 93 BLHS, có thể thấy rằng hành vi tấn công tên trộm của chủ nhà đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đánh giá không phải là hành vi phòng vệ chính đáng.
Vậy đâu là giới hạn cho hành vi phòng vệ chính đáng mà người dân được phép thực hiện? Đặt trong vụ án cụ thể này, chủ nhà ứng xử như thế nào là đúng luật?
Trung tá Hiếu giải thích: Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Một hành vi có được coi là phòng vệ chính đáng hay không cần hội tụ các yếu tố: một là, nạn nhân phải đang có hành vi có tính chất nguy hiểm đáng kể xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của cá nhân người phòng vệ hoặc của người khác (người thứ ba). Đánh giá tính chất nguy hiểm “đáng kể” hay không căn cứ vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân.
Hai là, người phòng vệ gây ra thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm. Ba là, hành vi chống trả là cần thiết. Nghĩa là không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi của xã hội.
Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù có lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Trung tá Hiếu cho rằng, với hành vi đột nhập của bị hại trong vụ việc này, việc nghi phạm tự vệ, phòng vệ là cần thiết và đó là quyền phòng vệ chính đáng để bảo đảm sự an toàn cho bản thân và gia đình.
“Đặt tình huống nửa đêm bất ngờ có bóng đen xuất hiện trong nhà, quyền phòng vệ chính đáng theo Điều 15 BLHS lập tức được đặt ra ngay đối với chủ nhà, chứ không cần phải đợi kẻ gian phải có hành vi tấn công mới thực hiện quyền phòng vệ. Theo tôi, việc đánh phủ đầu, tấn công trước là được phép vì bản thân hành vi đột nhập vào chỗ ở trong đêm đã ẩn chứa những nguy cơ cực lớn về khả năng xảy ra án mạng.
Qua các vụ thảm án đã xảy ra, có thể thấy luôn có sự chuyển hóa về tội phạm từ hành vi “trộm” sang hành vi “cướp”. Chỉ cần chủ nhà không biết cách ứng xử, “kích hoạt” nỗi sợ bị bắt trong tâm lý tội phạm, kẻ gian sẵn sàng dùng hung khí mang theo để tấn công chủ nhà, ngăn ngừa triệt tiêu khả năng bất lợi cho mình xảy ra. Vì vậy, trong xử lý các vụ án có yếu tố phòng vệ, phải đặc biệt cân nhắc đến yếu tố này. Cần để cho người dân được thực hiện cái quyền mà pháp luật đã dành cho họ.” - Trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Giết người hay phòng vệ chính đáng?
Đánh giá về tội danh cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố đối với chủ nhà, Trung tá Hiếu cho biết, ông chưa có đủ thông tin để đưa ra nhận xét. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm điều tra trọng án, ông đã đặt ra nhiều giả thuyết để phân tích vụ việc.
“Trường hợp trong đêm nghi phạm chợt phát hiện thấy trong nhà có trộm đột nhập, bản năng tự vệ dẫn nghi phạm đến việc dùng dao, kiếm chém loạn xạ trong bóng tối khi chưa bật đèn, dẫn đến hậu quả gây thương tích cho bị hại, thậm chí là tử vong. Theo tôi, hành vi đó có dấu hiệu phòng vệ, chứ không phạm tội. Hoặc nếu đánh giá nghi phạm hành động vượt quá mức cần thiết, căn cứ yếu tố hậu quả, cơ quan tố tụng có thể xử lý nghi phạm về tội giết người (hoặc cố ý gây thương tích) do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Cơ sở để nói điều này, vì trong bóng tối, nghi phạm chưa biết có bao nhiêu kẻ đột nhập, họ có hung khí gì, chưa kể về trạng thái tinh thần của chủ nhà trong những hoàn cảnh ấy, thường là bị kích động hoặc hoảng loạn. Bạo động là “con đẻ” của nỗi sợ. Việc xử lý án phải bám sát các yếu tố tâm lý này của bị can.” - Trung tá Hiếu nhìn nhận.
Hiện nay, dư luận đang xôn xao trước lời của mẹ bị hại rằng khi xảy ra sự việc, nghi phạm đã bật điện, thấy rõ bị hại là một cậu bé, không có vũ khí, bị hại đã quỳ xuống xin lỗi nhưng vẫn bị chém dã man. Trung tá Hiếu cho rằng, nếu lời khai này là đúng thì hành vi chém trộm của chủ nhà không còn yếu tố phòng vệ nữa, tuy nhiên vẫn có yếu tố tinh thần bị kích động do hành vi trái pháp luật của nạn nhân.
“Theo tôi, trong điều kiện ánh sáng điện, nếu chủ nhà chém bị hại để thỏa mãn ác tính, nhằm vào đầu là bộ phận trọng yếu trên cơ thể để chém, thì có dấu hiệu của tội “Giết người”. Nhưng nếu là chém bừa, trúng đâu thì trúng, thì thực tiễn xét xử là hậu quả đến đâu, xử lý đến đó. Nếu nạn nhân không chết, xử lý bị can về tội “Cố ý gây thương tích” là có căn cứ.
Các cơ quan tiến hành tố tụng cần làm rõ thương tích của bị hại được hình thành trong thời điểm nào. Các vết thương ở vùng trọng yếu được hình thành trong bóng tối hay khi nghi phạm đã bật đèn.” - Trung tá Hiếu phân tích.
Trung tá Hiếu cũng cảnh báo, thông tin mà mẹ của bị hại cung cấp cho các cơ quan truyền thông chưa chắc đã đúng sự thật. Đó mới chỉ lời khai một phía, do chính con trai bà nói lại. Do đó không nên “bám” vào nội dung ấy để suy diễn tính chất vụ án. Mọi việc nên chờ kết luận của cơ quan điều tra.
“Hoạt động điều tra đang diễn ra, chưa thể kết luận lời khai này có phải là sự thật của vụ án hay không.” - Trung tá Hiếu cảnh báo.
Ở một diễn biến khác, bà Nguyễn Thị Bích Liên (vợ nghi phạm Lê Minh Phương) cho biết, sau khi phát hiện có trộm, chồng bà đã đi xuống chỗ tên trộm đang lấy tiền và dùng một cây kiếm cũ để lao vào đánh tên trộm. Khi nghe thấy tiếng tên trộm xin chồng mình tha cho, biết đã an toàn, bà Liên chạy xuống và hô hoán hàng xóm.
Lúc này, bà Liên bật bóng đèn điện lên thì thấy tên trộm đang nằm dưới nền nhà. Khi phát hiện nạn nhân chảy máu, gia đình bà đã gọi cứu thương đưa nạn nhân đi viện, đồng thời gọi công an đến giải quyết.
Trần Thanh
Tiến Nguyên