Phiên tòa thu hút sự chú ý, đăng ký theo dõi đưa tin của hơn 50 cơ quan thông tấn báo đài trong nước và quốc tế. Lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) TP Hải Phòng cho biết, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “ Giết người” và “ Chống người thi hành công vụ” sẽ chính thức được bắt đầu từ 8h sáng với 6 bị cáo bao gồm: Đoàn Văn Vươn (chủ đầm) cùng vợ và 3 anh em trai, 1 em dâu trong gia đình ông Vươn. Theo danh sách đăng ký trước phiên xét xử, phiên tòa hôm nay sẽ có sự tham dự của 12 luật sư bào chữa cho các bị cáo và bị hại. Trong đó, có 11 luật sư đăng ký tham dự để bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Vươn và các đồng phạm; có duy nhất một luật sư đăng ký bào chữa cho các bị hại trong vụ án này là Luật sư Dương Văn Thành (Đoàn luật sư Hải Phòng).
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày 2/4 đến 5/4 dưới sự chủ trì của thẩm phán Phạm Đức Tuyên - Phó Chánh án TAND TP Hải Phòng.
Trụ sở Tòa án nhân dân TP Hải Phòng, nơi diễn ra phiên xét xử vụ án chống đối tại đầm tôm.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng: 4 bị cáo gồm Đoàn Văn Vươn (SN 1963); Đoàn Văn Quý (SN 1966); Đoàn Văn Sịnh (SN 1957); Đoàn Văn Vệ (SN 1974) bị đề nghị truy tố tội danh “ Giết người” được quy định tại Bộ luật hình sự (BLHS) có khung hình phạt từ 12 năm đến chung thân hoặc tử hình.
2 bị cáo nữ trong vụ án này là Nguyễn Thị Thương (SN 1970), (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Đoàn Văn Quý SN 1982) bị đề nghị truy tố tội danh “Chống người thi hành công vụ” có khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù.
Các bị can Vươn, Quý, Sịnh, Thoại (em ruột Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thái (là anh vợ Đoàn Văn Quý) còn có hành vi chống người thi hành công vụ nhưng đã bị khởi tố, truy tố về tội giết người nên không khởi tố, xử lý về tội chống người thi hành công vụ.
Cáo trạng cho biết, Đoàn Văn Vươn là người đứng ra tổ chức bàn bạc việc chống đối lực lượng cưỡng chế, đưa ra kế hoạch làm rào, dùng mìn tự tạo, súng bắn đạn hoa cải, trực tiếp mua thêm súng bắn đạn hoa cải cùng các vật liệu chế tạo đạn, mìn, mua dây điện, hướng dẫn Quý làm mìn tự tạo, chỉ đạo việc chống đối.
Hiện trường và hậu quả vụ cưỡng chế đầm tôm tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng ngày 5/1/2012
Theo đó, Quý tham gia bàn bạc một cách tích cực, trực tiếp làm mìn tự tạo, đào hố chôn mìn, mua thêm bình gas, kích nổ mìn, dùng súng bắn 3 phát vào lực lượng cưỡng chế, đổ xăng vào rơm đốt.
Còn Sịnh tham gia bàn bạc chống đối, đưa ra ý kiến làm các hàng rào, trái rơm, góp tiền mua súng, ở ngoài nắm tình hình để thông báo cho Quý, Thoại, Thái. Bị can Vệ tham gia vai trò giúp sức trong việc đi mua súng bắn đạn hoa cải. Báu là người trực tiếp làm hàng rào, trải rơm, đi mua xăng…
Cáo trạng cũng cho biết, do không đồng tình với việc thu hồi đầm trái quy định pháp luật của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng, ông Đoàn Văn Vươn cùng người thân trong gia đình đã sử dụng súng để chống lại lực lượng cưỡng chế, khiến 7 cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an bị thương tích trong ngày 5/1/2012.
Các bị hại trong vụ án này gồm: ông Lê Văn Mải - nguyên Trưởng Công an huyện Tiên Lãng; Vũ Anh Tuấn; Đỗ Xuân Trường; Đào Văn Đức; Nguyễn Văn Phong là cán bộ công an huyện. Ông Đào Trọng Dũng và ông Lê Văn Ghi là cán bộ Ban chỉ huy Quân sự huyện Tiên Lãng.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả.
Quốc Đô - Anh Thế