Ông Huỳnh Văn Nén nói gì khi hung thủ khiến ông ngồi tù lãnh án?
(Dân trí) - Ông Nén không có ý kiến gì về mức án 20 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Thọ, người đã giết bà Bông khiến ông ngồi tù oan hơn 17 năm trời. Bởi theo ông, ông bị tù oan là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng pháp luật.
Ngày 26/8, TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thọ (sinh năm 1976 tại Bình Thuận) 20 năm tù về tội “giết người”, 3 năm tù “cướp tài sản”. Tổng hình phạt Thọ phải chấp hành là 20 năm tù (áp dụng bộ luật Hình sự năm 1985).
Theo cáo trạng, ngày 23/4/1998, Thọ cùng Hồ Thanh Việt đột nhập vào nhà bà Bông (Hàm Tân, Bình Thuận), dùng dây siết cổ bà Bông đến chết rồi lột chiếc nhẫn một chỉ vàng trong tay nạn nhân. Sau đó, cả hai về kể lại cho anh Nguyễn Phúc Thành nghe.
Sau khi vụ án xảy ra, CQĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã khởi tố, bắt giam ông Huỳnh Văn Nén vì cho rằng ông Nén là hung thủ. Đến năm 2000, ông Thành làm đơn tố cáo Thọ và Việt mới là hung thủ nhưng CQĐT đã không xác minh. Sau đó, Việt chết vì bệnh, riêng Thọ bỏ trốn nhiều nơi. Ngày 20/10/2015, Thọ ra đầu thú tại Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Từ vụ án này, cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận bắt giữ, quy kết ông Nén là hung thủ rồi ông và 9 người gia đình vợ dính tiếp vào vụ “kỳ án vườn điều” đầy oan sai.
Kết thúc phiên tòa, ông Nén tâm sự: “Đó là trách nhiệm của pháp luật, của Nhà nước. Thọ làm sai thì bây giờ phải trả giá, tôi cũng không biết ý kiến gì thêm. Tôi thấy mức án là nhẹ nhưng suy cho cùng vụ án đã quá lâu rồi, trả giá như thế cũng tương xứng thôi”.
Ông Nén tiếp lời: “Hiện tại tôi chỉ tập trung vào việc cùng với những người đại diện hợp pháp làm việc với TAND tỉnh Bình Thuận về vấn đề bồi thường oan sai. Tôi mong việc này sớm kết thúc, chi trả bồi thường để ổn định cuộc sống gia đình, bù đắp cho con cái trong quãng thời gian gần 18 năm bị đánh mất”.
Ông Nguyễn Thận, người liên tục đi kêu oan cho ông Nén, cũng đã lên tiếng về mức án tòa vừa tuyên đối Thọ.
Ông nói: “Tôi nghĩ mức án đó là vừa phải, tương xứng, nghiêm khắc với Nguyễn Thọ mặc dù có sự tranh luận, khác biệt giữa Viện KSND với luật sự bảo vệ cho quyền lợi bị hại. Vụ án 18 năm có những tình tiết, những mâu thuẫn nhỏ, chưa phù hợp. Tuy nhiên chúng ta không nên cảm tính, vì Thọ trốn sau hơn 18 năm hay vì ảnh hưởng của nền tư pháp Việt Nam mà Thọ phải chịu khung hình phạt cao hơn nữa”.
Ông Nguyễn Phúc Thành, người từng viết đơn tố cáo Nguyễn Thọ từ năm 2000, là người bạn thân của Thọ cũng như nhân chứng tại phiên tòa chia sẻ: “Quá trình theo dõi phiên tòa, tôi thấy Thọ đã ăn năn hối lỗi, khai báo thành khẩn, sự việc xảy ra đã quá lâu, bao nhiêu năm chạy trốn cũng tương ứng thời gian Thọ phải chịu phạt. Mức án 20 năm là khá hợp lý, cho Thọ có thời gian để suy nghĩ về hành động mình đã gây ra. Và dù muộn màng, nhưng ít ra cuối cùng vẫn có thể xem Thọ là người quân tử dám làm dám chịu. Sau nhiều năm suy nghĩ sám hối thì cũng dám nhận lỗi cũng như không đổ lỗi cho Việt. Về phần tôi, đến hôm nay, tôi cảm thấy nhẹ nhõm cả lòng rồi”.
Tuy nhiên, theo các thành viên của gia đình nạn nhân Lê Thị Bông, bản án dành bị cáo Nguyễn Thọ là nhẹ và họ cũng không chấp nhận mức bồi thường.
“Bao năm qua, gia đình chúng tôi chịu bao mất mát đau thương, giờ nhận từng ấy tiền thì làm cái gì. Chúng tôi không chấp nhận…”, bà Phạm Thị Hồng (con gái bà Bông) nói sau phiên tòa.
Bà Hồng cho biết mức án 20 năm tù đối với Thọ là quá nhẹ, và bà sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm lên TAND cấp cao.
Người con gái khác của nạn nhân, bà Phạm Thị Hường cũng nói, mức án 20 năm tù chưa tương xứng với hành vi mà Nguyễn Thọ gây ra cho gia đình bà, với nỗi đau kéo dài dai dẳng từ năm 1998 đến nay. Tại phiên tòa, chính người phụ nữ này đã lao lên vành móng ngựa với ý định đánh Nguyễn Thọ cho thỏa cơn bực tức khi nghe bị cáo thuật lại quá trình sát hại dã man mẹ của mình.
Xuân Duy