Những nội dung quan trọng của 4 Luật vừa bị lùi hiệu lực
Ngoài 14 Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7 còn có 4 Luật khác cũng được quy định sẽ có hiệu lực từ ngày này, tuy nhiên hiện 4 Luật này đã bị lùi ngày thi hành.
Bốn Luật gồm: Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13
Cả bốn luật này đều được Quốc hội thông qua hồi cuối năm 2015, và lẽ ra có hiệu lực đầy đủ từ 1-7 tới.
Tuy nhiên, sau khi rà soát thì tại BLHS 2015 có tới 95 nội dung, điều khoản bị sai sót, trùng lặp, lỗi kỹ thuật… Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất lùi hiệu lực của BLHS 2015 lại và chiều 29-6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành nghị quyết của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành đối với BLHS 2015.
Cùng với việc lùi thời hạn thi hành BLHS 2015, các Luật Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam cũng được lùi thời hạn thi hành tương ứng. Đặc biệt, sẽ vẫn giữ nguyên thời hạn hiệu lực từ ngày 1-7 với các quy định có lợi cho người phạm tội.
Việc phải lùi hiệu lực thi hành của 3 luật này là để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc áp dụng pháp luật vì đây là 3 luật có viện dẫn, liên quan đến Bộ luật hình sự.
Dưới đây là những nội dung quan trọng được quy định tại 4 Luật:
Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13
Theo Bộ Luật Hình sự 2015, Quốc hội đã quyết định bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh, trong đó có tội Cướp tài sản; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội phá hủy công trình, cơ sở phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; Tội chống mệnh lệnh; Tội đầu hàng địch… Các tội danh này, hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, Bộ luật cũng bổ sung trường hợp không bị kết án tử hình, gồm: Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Bộ luật cũng quy định thêm một số tội danh như: Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Đây là 2 tội danh mới, không phải tình tiết tăng nặng như quy định trước đây.
Đặc biệt, lần đầu tiên tội trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cũng được đưa vào BLHS với hình phạt tù lên đến 7 năm; pháp nhân phạm tội có thể bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng.
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13
Luật mới chính thức quy định cho phép người đồng tính, chuyển giới được giam giữ riêng
Ngoài ra, phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng; người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bị kết án tử hình; người có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nhưng chưa được giám định, đang chờ kết quả giám định hoặc đang chờ đưa đi cơ sở bắt buộc chữa bệnh… cũng được bố trí giam giữ ở buồng riêng.
Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13
Điều tra viên được huy động, sử dụng phương tiện giao thông, thông tin liên lạc của tổ chức, cá nhân để ngăn chặn hành động phạm tội, đuổi bắt người phạm tội, cấp cứu người bị nạn; tuy nhiên, phải hoàn trả ngay khi tình huống cấp thiết không còn.
Điều tra viên không được tư vấn cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật; can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
Không đưa hồ sơ, tài liệu vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền; Không được tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13
Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp hỏi cung bị can tại địa điểm khác cũng phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Bộ luật bỏ quy định người bào chữa trong vụ án hình sự phải xin cấp Giấy chứng nhận bào chữa. Trong mọi trường hợp, người bào chữa phải đăng ký tham gia bào chữa; khi đăng ký phải xuất trình giấy tờ theo quy định. Trong 24 giờ khi nhận đủ giấy tờ đăng ký, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lời chấp nhận hay không chấp nhận được tham gia bào chữa.
Theo L.THANH
Pháp luật TP Hồ Chí Minh