1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Nhát dao oan nghiệt và nỗi đau của người mẹ

Trong phiên tòa xử con trai mình về tội giết người, bà Nguyễn Thị Gia, 56 tuổi (trú tại xã Xuy Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) liên tục cất tiếng gọi "Con ơi". Nhìn người mẹ đơn thân trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng, nhiều người đã không cầm được nước mắt.

Vì muốn con có tương lai tốt đẹp, bà đã bán cả mảnh đất hương hỏa để cho con đi du học. Vậy mà khi cầm tấm bằng đại học quốc tế trở về, Bằng vẫn không thể nào xin cho mình một công việc tử tế.

Chán nản và bất mãn, Bằng đã có nhiều biểu hiện của một người mắc chứng thần kinh. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, Bằng trở về xin làm bảo vệ cho một công ty trên Hà Nội. Trong một lần xô xát, Bằng đã rút dao đâm chết đồng nghiệp của mình.

Bà Gia chỉ mong con được giảm án.
Bà Gia chỉ mong con được giảm án.

Làm mọi thứ để con được đi du học

Chúng tôi tìm đến nhà bà Gia đúng vào đợt Hà Nội đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2. Những cơn mưa không dứt khiến bầu trời u ám. Trong ngôi nhà xiêu vẹo và chắp vá, bà Gia ngồi như một cái bóng hiu hắt. Người mẹ bất hạnh ấy có lẽ đang thắt lòng khi nghĩ tới đứa con tội nghiệp của mình.

Trước đó, mẹ con bà Gia đã từng là tấm gương sáng cho nghị lực vượt khó vươn lên. Bà Gia chia sẻ: "Gia đình tôi nghèo lắm, bố mẹ lại sinh nhiều con nên càng khó khăn hơn. Đến khi đi lấy chồng thì nhà chồng cũng chẳng khấm khá gì hơn".

Bà Gia sinh ra trong gia đình nghèo lại đông anh em. Đến tuổi lấy chồng bà kết hôn với chàng trai làng bên nhưng vẫn không thoát được cảnh cơ cực. Bà sinh cho chồng một chặp 2 đứa con nhưng chỉ một thời gian ngắn người chồng bỏ bà ở lại, một mình nuôi con, gánh vác cuộc đời.

Không những thế, người con trai thứ 2 của bà là Nguyễn Văn Bằng trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Sau khi ly hôn, người chồng vui vẻ hạnh phúc bên vợ mới, còn bà Gia lủi thủi ôm con bệnh tật về quê ngoại ở thôn Đoài.

Khó khăn chồng chất khó khăn, đất không có nhà thì không. Bà Gia vay mượn khắp nơi mua miếng đất nhỏ, dựng tạm túp lều những mong ổn định cuộc sống để nuôi con.

Tấm bằng đại học tại Đài Loan chưa một lần được dùng tới của Bằng.
Tấm bằng đại học tại Đài Loan chưa một lần được dùng tới của Bằng.

"Vợ chồng tôi ly dị lúc đó tôi mới vừa đầy 25 tuổi. Tòa giải quyết thằng đầu ở với bố còn thằng nhỏ bệnh tật ở với mẹ. Hồi đó thằng Bằng ốm nặng lắm, chân tay co giật, tôi vay giật anh em, hàng xóm láng giềng đưa con chữa trị khắp nơi. May mắn lắm nó mới thoát được cái chết nhưng cánh tay trái thì bị teo đi" - bà Gia kể lại chuỗi ngày cơ cực.

Thấy cảnh mẹ vất vả nuôi mình, cuộc sống lại cơ cực, Bằng ý thức phải cố học thật giỏi mong sau này đổi đời, báo đáp mẹ. Dù cuộc sống vất vả nhưng bà Gia thấy yên lòng vì con mình hiểu được mẹ, chịu khó học hành. Có lẽ vì thế mà chưa khi nào bà Gia nghĩ tới chuyện đi bước nữa, một lòng chăm sóc con để sau này mẹ con nương tựa vào nhau.

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Bằng chẳng mấy khó khăn để bước vào cổng trường Đại học Ngoại thương. Nghe tin con đỗ đại học, bà Gia mừng rơi nước mắt nhưng cũng lo đến thắt lòng.

Thương mẹ, ngay sau ngày nhập học, Bằng đã đi kiếm việc làm thêm. Bằng làm tất cả những việc gì để có tiền, từ phụ vữa, chạy bàn cho đến làm gia sư.

"Nó chịu khó lắm, thực tôi cũng không muốn nó đi làm sợ ảnh hưởng đến việc học hành. Về quê Bằng nó bảo con ổn, muốn giúp đỡ mẹ tiền ăn học. Hai mẹ con đành ôm nhau khóc mà tự nhủ, cùng nhau cố gắng để vượt qua khó khăn".

Nói chưa dứt lời, bà Gia gạt nước mắt: "Thằng Bằng ham học, ham làm gia sư đến nỗi gầy đét người. Thấy con có chí, tôi dù vất vả lam lũ vẫn cố gắng từng ngày nhặt nhạnh, tích cóp từng đồng cho con. Nó học được 2 năm thì báo với tôi nhận được học bổng du học tại Đài Loan.

Thật sự, khi thấy con nói đến hai từ du học mà lòng tôi ngổn ngang không biết nên mừng hay lo. Cứ nghĩ đến cảnh nhà mình nghèo là tôi lại khóc thương con. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định bán mảnh đất bên cạnh để lấy tiền cho con đi du học".

Ngày Bằng đỗ Đại học Ngoại thương là tin xôn xao cho cả thôn Đoài, nay nghe tin Bằng được đi du học Đài Loan càng khiến cả thôn "dậy sóng". Ai cũng tấm tắc khen mẹ con bà Gia có nghị lực phi thường.

Sau hai năm du học xa nhà, trở về với tấm bằng Đại học Minh Tuyền của Đài Loan khiến bà Gia tự hào và đặt rất nhiều kỳ vọng vào con. Bà Gia hy vọng, với tấm bằng đại học nước ngoài trong tay, hai mẹ con bà sẽ thoát khỏi những tháng ngày tăm tối. Rồi con sẽ kiếm được công việc ổn định, lấy vợ, sinh con.

Thế nhưng đến nằm mơ bà Gia cũng không thể tưởng tượng nổi, ngày con trai trở về lại là ngày hai mẹ con bà rơi vào một bi kịch khủng khiếp hơn, tưởng như không có lối thoát.

Nguyễn Văn Bằng trong phiên tòa xét xử sơ thẩm hồi tháng 6.
Nguyễn Văn Bằng trong phiên tòa xét xử sơ thẩm hồi tháng 6.

"Chỉ mong con sớm trở về"

Tháng 6 - 2012, Bằng trở về nước với tấm bằng loại ưu trên tay, tìm việc, kiếm tiền là việc đầu tiên anh nghĩ tới. Ý nghĩ đó bắt nguồn từ mong muốn bù đắp phần nào cho những vất vả, hy sinh mà mẹ phải chịu mấy chục năm qua.

Bằng gõ cửa khắp những nơi có nhu cầu tuyển dụng. Không chỉ ở Hà Nội mà bất kể tỉnh, thành nào cậu cũng tới. Thế nhưng càng cố gắng bao nhiêu thì nỗi thất vọng lại tràn trề bấy nhiêu. Các nhà tuyển dụng chê cậu bị tật ở tay trái, sợ không đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Bà Gia nhớ lại: "Nửa năm ròng rã đi xin việc nhưng không nơi nào chịu nhận con tôi vào làm khiến nó chán nản và đau khổ lắm. Nhiều lúc vì bị ức chế quá mà nó ném cả đồ đạc trong nhà. Có lúc lại trầm ngâm cả ngày không nói một lời như người bị trầm cảm. Có lúc nó lại trèo lên cả mái nhà la hét ầm ĩ rồi xưng cả mày - tao với mẹ.

Lúc đó tôi còn nghĩ có khi con mình bị "ma làm" nên tôi đã đi khấn vái, cầu xin khắp nơi mà bệnh tình con tôi không thuyên giảm". Cuối cùng bà Gia đã phải đưa con tới Bệnh viện Tâm thần Trung ương I để khám. Tại đây các bác sĩ kết luận Bằng bị mắc chứng tâm thần phân liệt thể Paranoid.

Sau hơn một năm điều trị, Bằng đã tỉnh táo và ý thức được. Khi trở về nhà được ít ngày, Bằng bắt đầu hành trình tìm việc của mình. Không thể xin được việc đúng với chuyên ngành của mình, Bằng đành chấp nhận làm bảo vệ cho một công ty trên phố Ngọc Khánh, Hà Nội.

Hay tin con mình cắn răng chấp nhận làm bảo vệ, người đau khổ nhất chính là bà Gia. Bao nhiêu công ăn học, lại đi du học về nước mà không xin được lấy một công việc tử tế.

Thế rồi chính tại nơi Bằng làm việc, cuộc đời Bằng đã rẽ hoàn toàn sang một ngã khác. Trong một lần xô xát, Bằng đã ra tay sát hại đồng nghiệp của mình. Theo hồ sơ vụ án, đêm 26-5-2014, Bằng muốn xin nghỉ về quê thăm mẹ ốm, nhưng vì Tổ bảo vệ đang thiếu người nên Tổ trưởng không đồng ý.

Đêm cùng ngày, khoảng 23 giờ 45 phút, Bằng thấy anh Mai An Ninh (40 tuổi, trú tại ngõ 36 Ngọc Khánh) đang ngồi trên dây xích sắt trước cửa siêu thị cùng với 2 người khác.

Sợ dây xích bị đứt nên Bằng đã 2 lần tiến tới nhắc nhở nhóm người này. Tuy nhiên, anh Ninh không những không nghe lời Bằng mà còn cự lại: "Đứt thì bọn tao đền". Sau đó Bằng bị anh Ninh chửi và dùng tay phải đấm vào đầu. Né được, Bằng lập tức rút con dao nhọn dắt ở cạp quần đâm vào bụng anh Ninh.

Dù bị đâm nhưng anh Ninh vẫn tiếp tục lao vào đấm, đá Bằng nên Bằng đâm liên tiếp nhiều nhát vào tay, ngực và cổ anh Ninh. Sau khi gây án, Bằng đã tới Công an phường Giảng Võ đầu thú. Còn nạn nhân được đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Bà Gia đau đớn khi nghĩ tới đứa con đang chịu cảnh tù tội.
Bà Gia đau đớn khi nghĩ tới đứa con đang chịu cảnh tù tội.

Đầu tháng 6, TAND Hà Nội đưa bị cáo Bằng ra xét xử về tội giết người. Tại phiên tòa sơ thẩm hôm đó, do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.

Nói đến đây bà Gia khóc nức nở: "Lúc nghe Công an xã báo tin, tôi ngất xỉu, khi tỉnh dậy vẫn không tin đó là sự thật. Số tôi khổ quá, lấy chồng đã chẳng được hưởng phúc nhà chồng. May có mụn con, những tưởng được dựa dẫm về sau ai ngờ nó lại vướng vào vòng lao lý".

Chia tay chúng tôi, bà Gia cố nói: "Tôi chỉ mong tòa xem xét xử con tôi nhẹ tội để nó có cơ hội làm lại cuộc đời. Đời tôi chỉ biết trông cậy vào nó thôi. Sau này nó được ra tù, mẹ con tôi nương tựa vào nhau mà sống, ăn rau ăn cháo cũng hạnh phúc lắm rồi".

Theo Phong Anh

Cảnh sat toàn cầu