Long An:
Hoãn phiên tòa xét xử vụ lừa 9 ngân hàng chiếm đoạt 350 tỉ đồng
(Dân trí) - Bằng thủ đoạn lập khống các chứng từ của khách hàng, Huỳnh Hữu Mai và đồng phạm đã qua mặt 9 ngân hàng để vay hơn 350 tỉ đồng. Số tiền trên, Mai dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân.
Chiều 31/5, sau hai ngày xét xử, TAND tỉnh Long An đã tạm hoãn phiên xét xử vụ án Huỳnh Hữu Mai và đồng phạm trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phiên tòa hiện đang ở phần xét hỏi, dự kiến ngày 27/6, phiên tòa sẽ được mở lại.
“Việc thiếu vắng một số người tham gia tố tụng sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử, đối chất cũng như làm rõ vai trò trách nhiệm của từng bị cáo và những người liên quan. Do đó cần thiết phải tạm hoãn phiên tòa”, đại diện Hội đồng xét xử TAND tỉnh nêu rõ.
Trước đó, sáng ngày 30/5, TAND tỉnh Long An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Huỳnh Hữu Mai (53 tuổi) ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa; bị cáo Nguyễn Hữu Phước (57 tuổi) và bị cáo Trần Quyền Chân (34 tuổi) cùng ngụ huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra dài ngày vì đây là vụ việc phức tạp, từng gây rúng động dư luận tại Long An.
Bị cáo Huỳnh Hữu Mai nguyên là Giám đốc Cty TNHH Thịnh Phát, chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo có trụ sở tại huyện Thủ Thừa. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Huỳnh Hữu Mai đã chỉ đạo cho thuộc cấp lập khống các chứng từ mua bán gạo để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn tại 9 ngân hàng trên địa bàn tỉnh Long An và TP Hồ Chí Minh với số tiền lên tới trên 350 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, từ năm 2011 đến năm 2014, Cty TNHH Thịnh Phát tiến hành vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng để đầu tư mua sắm đất, nhà xưởng và sử dụng trong hoạt động kinh doanh. Đến cuối năm 2014, các ngân hàng đồng loạt chấm dứt việc giải ngân dẫn đến Cty TNHH Thịnh Phát mất cân đối về tài chính.
Để duy trì hoạt động kinh doanh, trả nợ các khoản vay cũng như sử dụng vào mục đích cá nhân, Huỳnh Hữu Mai đã chỉ đạo cho các thuộc cấp là Nguyễn Hữu Phước và Trần Quyền Chân lập khống các chứng từ chứng minh việc mua bán gạo của các khánh hàng; sử dụng hợp đồng xuất khẩu có chứng nhận của Hiệp hội lương thực Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng.
Với thủ đoạn trên, Huỳnh Hữu Mai đã "qua mặt" được 9 ngân hàng gồm: Ngân hàng ACB, Ngân hàng BIDV, Ngân hàng SHB, Ngân hàng VCB, Ngân hàng SCB, Ngân hàng VPB, Ngân hàng OCB, Ngân hàng BPCE IOM và Ngân hàng TNHH CTBC để vay số tiền gần 130 tỉ đồng cùng hơn 10 triệu USD, tương đương với tổng số tiền trên 350 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Huỳnh Hữu Mai là người trực tiếp thực hiện, chỉ đạo Nguyễn Hữu Phước cùng Trần Quyền Chân thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và là người trực tiếp sử dụng toàn bộ số tiền hơn 350 tỉ chiếm đoạt. Do đó, bị cáo Huỳnh Hữu Mai phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án.
Đối với 2 bị cáo Nguyễn Hữu Phước và Trần Quyền Chân mặc dù không thực hiện việc mua bán gạo nhưng cũng tham gia vào quá trình phạm tội. Cụ thể, hai bị cáo biết việc lập khống các chứng từ mua gạo nhằm mục đích vay tiền các ngân hàng nhưng vẫn lập, ký trên các chứng từ được lập khống để rút tiền tại các ngân hàng. Do đó, cả 2 phải chịu trách nhiệm về hành vi giúp sức cho Huỳnh Hữu Mai thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Xuân Hinh