Giàu bất thường có thể bị tịch thu tài sản
Đối với tài sản tăng thêm, nếu không giải thích được hoặc giải thích không hợp lý về nguồn gốc, người chủ có thể bị phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ.
Đây là một trong những đề xuất được nêu ra tại Hội thảo hoàn thiện quy định của BLHS về hình sự hóa các hành vi tham nhũng theo tinh thần Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng do Bộ Tư pháp phối hợp cùng UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc) tổ chức trong hai ngày 28 và 29-11. Ngay lập tức, đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ba phương án xử lý
Nhóm nghiên cứu cho hay pháp luật Việt Nam chưa quy định là tội phạm đối với hành vi làm giàu bất chính. Sau khi tìm hiểu kinh nghiệm một số nước và đánh giá thực trạng ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất ba phương án.
Phương án hai là quy định tội làm giàu bất chính thông qua việc hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập tăng thêm và nghĩa vụ giải trình. Theo đó, việc xử lý hành vi làm giàu bất chính dựa trên căn cứ là hành vi vi phạm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.
Phương án ba là trước mắt chưa quy định tội làm giàu bất chính trong BLHS mà chỉ xử lý về tài sản bất chính theo trình tự tố tụng dân sự. Nếu thực hiện theo phương án này thì quá trình sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng dự kiến vào năm 2015 sẽ bổ sung thêm một số quy định. Chẳng hạn, khi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc tài sản tăng thêm thì cơ quan có thẩm quyền xác minh phải ra kết luận về tính trung thực của người có nghĩa vụ giải trình. Nếu kết luận người đó không trung thực, cơ quan này chuyển vụ việc sang VKS cùng cấp để khởi kiện vụ án dân sự. Tài sản tăng thêm sẽ bị tịch thu sung công quỹ nhà nước sau khi có bản án, quyết định dân sự có hiệu lực của tòa án.
Tranh cãi nảy lửa
Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Thái Phúc đặt vấn đề: Ở góc độ quyền con người, ai là người yếu thế khi một bên là công dân có tài sản tăng lên bất thường và bên kia là các cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh nổi tài sản bất hợp pháp đó bằng cách nào người ta có được?
“Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ chứng minh được trên cơ sở thu nhập hợp pháp anh chỉ có 10 tỉ đồng. Vậy 90 tỉ đồng còn lại từ đâu ra, bằng cách nào có được 90 tỉ đồng thì không chứng minh được. Cả bộ máy không làm được việc đó mà ta lại trút lên đầu công dân. Trong khi Hiến pháp quy định nguyên tắc suy đoán vô tội thì đây lại là nguyên tắc suy đoán có tội. Vậy nên cá nhân tôi không ủng hộ” - ông Phúc gay gắt.
Cũng theo ông Phúc, khi nghiên cứu áp dụng kinh nghiệm nước ngoài thì phải xem xét điều kiện cần thiết chúng ta đã có hay chưa. Hiện Việt Nam chưa có đủ các quy định quản lý nguồn thu nhập của người dân, chưa kể xã hội có thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch. “Phương án khả thi nhất là chúng ta chỉ xử lý tài sản đã chứng minh được là bất hợp pháp, Nhà nước có quyền khởi kiện dân sự để đòi lại” - ông Phúc đề xuất.
Đáp lại, ông Nguyễn Tuấn Anh, đại diện cho nhóm nghiên cứu đến từ Thanh tra Chính phủ, cho rằng đối tượng đang được nhắm đến là người có chức vụ, quyền hạn chứ không phải là người bình thường. Tuy có yêu cầu bị can, bị cáo giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm nhưng quy định này không đồng nghĩa với việc chuyển hoàn toàn trách nhiệm chứng minh từ cơ quan công tố sang bị can, bị cáo. Để kết tội, cơ quan công tố vẫn phải chứng minh phần tài sản tăng thêm không xuất phát từ thu nhập hợp pháp của bị can, bị cáo. Mặt khác, xuất phát từ tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tham nhũng nên để phát hiện và xử lý có hiệu quả tội phạm này thì có thể chấp nhận ngoại lệ.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm nếu đi theo phương án 1 thì cần có lộ trình, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến việc đăng ký quyền sở hữu tài sản và quản lý dữ liệu về tài sản đăng ký; quy định các biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt...
Theo Đức Minh
Pháp luật Tp HCM