1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cần Thơ:

Đề nghị truy tố “đại gia” Tòng Thiên Mã

(Dân trí) - Ngày 7/4, thông tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Phan Bá Tòng (43 tuổi, tức Tòng "Thiên Mã"), nguyên Giám đốc Công ty TNHH XNK thủy sản Thiên Mã và bà Trần Thị Diễm (47 tuổi, nguyên Kế toán trưởng) cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.


Chân dung đại gia Tòng Thiên Mã bên chiếc xe tứ quý 3 nổi tiếng

Chân dung "đại gia" Tòng Thiên Mã bên chiếc xe tứ quý 3 nổi tiếng

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Công ty Thiên Mã thành lập từ năm 2005, ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thủy sản, với vốn điều lệ 70 tỷ đồng. Các thành viên góp vốn là Phan Bá Tòng góp 66,5 tỷ đồng, tương đương 95% và bà Trần Thị Kim Yến (vợ Tòng), góp là 3,5 tỷ đồng tương đương 5%. Người đại diện theo pháp luật là Phan Bá Tòng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc công ty.

Từ năm 2008, Công ty Thiên Mã bắt đầu quan hệ tín dụng với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Khu vực Cần Thơ (VDB CầnThơ). Trong đó, gồm có 2 loại tín dụng, tín dụng đầu tư (TDĐT) và tín dụng xuất khẩu (TDXK). Quá trình ký kết, thực hiện các hợp đồng vay vốn tín dụng xuất khẩu, đến ngày 31/3/2016, Công ty Thiên Mã nợ VDB Cần Thơ trên 471 tỷ đồng. Trong đó, số tiền nợ gốc là 147 tỷ đồng.

Trong đó, các khoản vay TDĐT của công ty tại VDB Cần Thơ phần lớn được đảm bảo bằng tài sản hình thành từ vốn vay (Nhà máy chế biến Thủy sản Thiên Mã 3). Toàn bộ dư nợ nêu trên đã được VDB phân loại nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), doanh nghiệp không có khả năng trả nợ, các tài sản đảm bảo không có khả năng tất toán các khoản vay gốc và lãi.

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2009 đến tháng 3/2011, Tòng đã chỉ đạo nhân viên lập khống các hồ sơ, chứng từ vay vốn tại VDB. Số tiền vay, Tòng sử dụng không đúng mục đích, chiếm đoạt và trả nợ trước. Hiện nay, sau khi xử lý tài sản đảm bảo và thu nợ tài sản là tiền gửi cầm cố, số dư nợ của Công ty Thiên Mã đến 31/3/2016 là 147,3 tỷ đồng. Khoản vay của Công ty Thiên Mã tại VDB Cần Thơ đã quá hạn, tài sản của của công ty và cá nhân Tòng chỉ đủ trả nợ gốc và một phần lãi vay TDĐT, không đủ trả cho khoản vay TDXK.

Công ty thủy sản Thiên Mã do Phan Bá Tòng làm giám đốc
Công ty thủy sản Thiên Mã do Phan Bá Tòng làm giám đốc

Đối với Trần Thị Diễm, kế toán trưởng của công ty đã thực hiện theo chỉ đạo của Tòng trực tiếp làm báo cáo tài chính giả với kết quả kinh doanh từ lỗ thành lãi để đủ điều kiện xin vay vốn tại VDB Cần Thơ, ký duyệt trên các chứng từ, bảng biểu lập khống trong các hồ sơ vay vốn, xin giải ngân… Dù hành vi này của Diễm không trực tiếp hưởng lợi, nhưng đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trò đồng phạm, giúp sức.

Như Dân trí đã thông tin, Tòng “Thiên Mã” cách đây mấy năm được xem là một hiện tượng lạ khi kinh doanh thủy sản phất lên như "diều gặp gió". Thậm chí đại gia này còn nộp đơn đề xuất mua cả máy bay trực thăng và đi học làm phi công. Vậy Tòng “Thiên Mã” là ai?

Tòng “Thiên Mã” sinh năm 1974. Có thời gian đại gia này có ý định đi nước ngoài mà nước nhắm đến là Mỹ. Việc đi không hợp pháp bằng đường biển nên Tòng đã bị giữ lại ở một hòn đảo trên biển Đông thuộc chủ quyền của Philippines. Sống tại đây một thời gian dài, Tòng đã tích cóp được một vốn tiếng Anh rất khá, có thể nói chuyện bằng tiếng Anh với người nước ngoài trôi chảy, thuyết phục.

Với vốn tiếng Anh làm nền tảng này, khi trở lại Việt Nam Tòng làm tiếp tân cho một nhà hàng. Cuối những năm 1990, Tòng bỏ nghề tiếp tân sang làm cho một doanh nhân người Mỹ chuyên thu mua hàng thủy sản xuất khẩu sang Mỹ. Từ đó, Tòng “Thiên Mã” bắt đầu bước chân vào con đường kinh doanh bằng cách mở đại lý, làm đối tác thu mua thủy sản tại Cần Thơ và xuất hàng qua Mỹ.

Sau vài năm làm ăn với nước ngoài thuận lợi, tích lũy được một số vốn không nhỏ và thị trường còn đang rộng mở, Tòng “Thiên Mã” bắt đầu tách ra mở công ty riêng vào năm 2005 với tên gọi Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Mã, thuê đất tại khu công nghiệp Trà Nóc để mở trụ sở, xây nhà máy chế biến cá tra.

Tòng “Thiên Mã” nổi tiếng ở xứ Tây Đô khi xài tiền theo kiểu ngắt khúc tiền cọc. Mỗi lần đi tiếp khách Tòng “Thiên Mã” đều có nhiều “chân dài” miền Tây phục vụ ca hát. Thậm chí, để đón tiếp một doanh nghiệp, Tòng “Thiên Mã” còn chịu chơi khi cho xe ô tô điều hơn chục ca sĩ đến phục vụ hát hò.

Để chứng tỏ mình giàu có và chịu chơi, Tòng “Thiên Mã” từng muốn chính quyền địa phương cho phép qua Mỹ học làm phi công và mua máy bay.

Đến khoảng năm 2010, tình hình cạnh tranh thương trường bắt đầu khốc liệt khiến các doanh nghiệp cạnh tranh thu mua nguyên liệu, hạ giá vô tội vạ khiến ngành chế biến, nuôi trồng rơi vào cảnh lao đao. Một số doanh nghiệp làm ăn gian dối khiến chất lượng cá tra bị giảm sút, không đạt chuẩn của nước nhập khẩu càng làm cho việc xuất khẩu mặt hàng này thêm khó khăn. Kèm theo đó, lãi suất ngân hàng tăng vọt khiến cho ngựa ô “Thiên Mã” vừa mới chớm xuất phát đã "chồn chân".

Để có tiền trả lãi hàng trăm tỉ đồng cho các khoản vay hàng ngàn tỉ đồng, Tòng “Thiên Mã” phải tìm cách “đạp giò” với một số ngân hàng để có được những khoản vay đáo hạn lần sau cao hơn lần trước, khiến tình trạng nợ nần ngày càng tăng cao. Mặc dù vậy, qua hồ sơ báo cáo, năm nào công ty cũng báo lãi để có bộ hồ sơ trong sạch.

Đến năm 2012, tình hình sức khỏe của “Thiên Mã” xuống dốc, nợ ngập đầu buộc Tòng phải bán bớt tài sản hoặc bị thi hành án để trả nợ. Cụ thể chiếc xe "khủng" Hummer H2 trị giá trên 4 tỉ đồng cũng bị kê biên.

Ngày 31/3/2016, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ công an phối hợp với Công an TP Cần Thơ tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt giữ và khám xét nơi làm việc, nơi ở của ông Tòng và bà Trần Thị Diễm, để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phạm Tâm