1. Dòng sự kiện:
  2. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Cán bộ ngân hàng trộm hơn 20 tỷ đồng

(Dân trí) - Lợi dụng việc được Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn chi nhánh Bình Thạnh (Agribank Bình Thạnh) giao nhiệm vụ mang tiền bỏ vào các cây ATM một mình, Nhàn cất lại những cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng. Trong vòng gần 1 năm, Nhàn đã chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng của ngân hàng bằng thủ đoạn trên.

Viện Kiểm sát TPHCM vừa đề nghị truy tố bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (sinh năm 1980, quê Bình Định, nguyên Phó Trưởng phòng Marketting Agribank Bình Thạnh) về tội “trộm cắp tài sản”.

Cũng trong vụ án này, các bị cáo Lữ Sỹ Hành (sinh năm 1961, Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên Giám đốc Agribank Bình Thạnh), Bùi Thị Sớm (sinh năm 1958, Hải Dương, nguyên Phó Giám đốc Agribank Bình Thạnh), Phạm Thị Thanh Hương (sinh năm 1967, quê Nghệ An, nguyên Phó Giám đốc Agribank Bình Thạnh), Đỗ Hữu Khương (sinh năm 1968, tại Hà Nội, nguyên Phó Trưởng phòng kế toán và ngân quỹ), Đinh Thị Thu Ngân (sinh năm 1976, Thừa Thiên-Huế, nguyên thủ quỹ) bị truy tố về tội “thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 22/1/2016
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 22/1/2016

Theo cáo trạng, Nguyễn Thanh Nhàn đã lợi dụng sự lơ là, tắc trách, thiếu trách nhiệm của các cán bộ Agribank Bình Thạnh trong việc chuyển tiền tiếp quỹ, đã lén lút chiếm đoạt của ngân hàng hơn 20 tỷ đồng. Hành vi của Nguyễn Thanh Nhàn đã vi phạm tội trộm cắp tài sản.

Nhàn vào làm việc cho Agribank Bình Thạnh từ năm 2005. 7 năm sau, anh ta được ngân hàng chính thức bổ nhiệm làm thành viên Ban quản lý ATM cùng với Phó giám đốc Hương và Phó phòng kế toán Khương. Nhiệm vụ của ban này là giám sát và tiếp quỹ tiền vào 5 cây ATM ở trụ sở và các phòng giao dịch khác.

Từ cuối năm 2011, khi vận chuyển tiền trong thang máy hay xuống nhà xe, Nhàn lấy khay tiền có mệnh giá 500.000 đồng bỏ vào túi nylon đen đã chuẩn bị trước rồi cầm trên tay tiếp tục vận chuyển đến các ATM. Khi đưa các hộp tiền vào máy, Nhàn vẫn nhập số tiền tiếp vào theo đúng con số đã nhận từ thủ quỹ. Đến tháng 10/2012, Ngân hàng Agribank lập tổ kiểm kê đột xuất đã phát hiện vụ việc. Trong thời gian này, Nhàn đã kịp chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng.

Là trưởng ban giám sát nhưng bà Hương cũng như Khương không tham gia vào việc niêm phong các hộp tiền, áp tải tiền theo đúng quy định. Còn Nhàn tự ước tính những máy gần hết tiền sau đó gọi điện cho thủ quỹ Ngân chi theo yêu cầu của anh ta.

Ngân không yêu cầu Nhàn cung cấp chứng từ kế toán hoặc giấy đề nghị tiếp quỹ đã phê duyệt. Nữ thủ quỹ này cũng không làm chứng từ phiếu xuất, nhập tiền nội bộ mà để Nhàn tự nạp tiền vào các hộp đựng trong khi không có thành viên trong ban quản lý giám sát. Lượng tiền tồn đọng trong các ATM khi đưa về kho không được kiểm đếm hay lập biên bản.

Lãnh đạo và các cán bộ của ngân hàng đều khai nhận, do tin tưởng Nhàn và công việc quá bận rộn nên đã giao cho người này toàn quyền thực hiện việc tiếp quỹ.

Trước đó, vào ngày 22/1/2016, TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử vụ án này nhưng tội danh Nhàn bị truy tố thời điểm đó là “tham ô tài sản”. Sau một ngày xét xử, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ tội danh của bị cáo Nhàn.

Sau thời gian trả hồ sơ điều tra bổ sung, VKSND TPHCM đã ra cáo trạng mới, chuyển tội danh đối với bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn từ tội “tham ô tài sản” sang tội “trộm cắp tài sản”.

Xuân Duy