Thầy giáo trẻ truyền cảm hứng cho sinh viên "lạc lối" ở tuổi 22

(Dân trí) - Nhận được đoạn tin nhắn của một bạn sinh viên 22 tuổi tâm sự về những khó khăn của tuổi trẻ, bấp bênh cuộc sống, thầy giáo trẻ Sài Gòn đã có những chia sẻ đầy tâm huyết, gần gũi và sâu sắc nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Sinh viên gửi tin nhắn hỏi thầy Tường về những băn khoăn tuổi 22.
Sinh viên gửi tin nhắn hỏi thầy Tường về những băn khoăn tuổi 22.

Ngưỡng tuổi 22, cái tuổi chông chênh đôi khi chẳng hiểu nổi bản thân mình muốn gì. 22 tuổi ra trường, cảm thấy chơi vơi, bất lực, không biết mình muốn gì, làm gì, giỏi gì, mạnh gì, đam mê thì không có hoặc không biết mình đam mê gì...

Không ít bạn trẻ rơi vào trạng thái như vậy hay cảnh ngộ cái gì cũng biết chút chút nhưng chẳng có thế mạnh ở đâu, đi xin việc thì không được nhận, nếu được thì cũng chẳng phải là thứ mình yêu thích. Làm cho qua, kiếm cơm bỏ miệng, lướt Facebook qua ngày,...

Trái với suy nghĩ ấy, thầy giáo trẻ có câu trả lời hết sức ngắn gọn về trăn trở của sinh viên “Nhưng… vẫn không sao em ạ! Đời còn đẹp chán!”. Câu trả lời của thầy giáo Trần Trinh Tường, giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại TP. HCM đã nhanh chóng nhận được những phản hồi từ cộng đồng mạng.

Thầy khuyên các bạn trẻ hãy trân trọng cái cơ bản nhất là “mình được sống”. Minh chứng cho điều đó thầy kể biết một bạn học viên 9x, trẻ, đẹp giỏi, dễ thương, nhưng đột ngột nhận được tin bạn qua đời vì bệnh tim... Như vậy để thấy đời người thật ngắn nên mình còn sống được ngày nào, hãy sống vui lên, trân trọng từng hơi thở, từng giây phút mình sống.

Thầy Tường giải đáp thắc mắc của học sinh
Thầy Tường giải đáp thắc mắc của học sinh

Em được làm người, được sống là em may mắn lắm đó em biết chưa! Những cảm xúc chán nản, chơi vơi em đang có cũng chỉ là nhất thời thôi, mình có thể thay đổi, chuyển hóa, mình có thể học và làm mới cuộc đời mình. Bắt đầu lại mọi thứ thật tuyệt vời!”, thầy Tường viết.

Thầy giáo trẻ khuyên ngay từ bây giờ hãy yêu thương lấy chính mình, làm những gì mình yêu thích bởi ví như nếu phải ép buộc mình học “cái ngành mình không yêu thích” như vậy là tự mình đã hành hạ bản thân rồi. “Đừng vì áp lực, gia đình, xã hội mà phải học, làm những thứ không xuất phát từ trái tim”, thầy Tường khuyên.

"Hãy luôn làm điều mình thích và muốn (trong phạm vi đạo đức & pháp luật), đấu tranh cho nó. Nếu ba mẹ cứ ép mình học ngành mình không thích chỉ vì đó là ước mơ của ba mẹ, thì bạn cũng có mơ ước và đam mê của bạn. Hãy giao tiếp với ba mẹ để họ hiểu bạn! Mỗi người chỉ có vài chục năm để sống, nếu không sau này lúc qua đời, bạn sẽ mãi hối hận.

22 tuổi còn trẻ mà xung lắm, tuổi yêu, tuổi chơi, tuổi kiếm tiền, tuổi học, tuổi của trải nghiệm. Bạn hãy bước ra trường đời. Sống có chí hướng, có mục tiêu rõ ràng, có khát vọng! Bắt đầu từ vòng tròn cuộc sống!", thầy viết thêm.

Để lý giải câu trả lời của mình, thầy Tường đã lập luận và dẫn chứng để chứng minh. Theo thầy Tường, sức khỏe, phát triển bản thân, sự nghiệp tài chính, tình yêu, gia đình, bạn bè là những từ khóa thiết yếu của một con người.

Thầy giáo trẻ là người được học trò tin tưởng tâm sự
Thầy giáo trẻ là người được học trò tin tưởng tâm sự

1. Sức khỏe:

Hãy yêu thương chính mình, cho mình một sức khỏe một cơ thể đẹp, tràn đầy năng lượng, mình nhìn mình là mình phải mê nói chi người khác. Quan trọng là cái khí bên trong mình tươi rói khi mình khỏe và yêu đời em à! Hãy tập thể dục mỗi ngày 45 phút. Tập một môn em yêu thích và nghiên cứu kĩ về nó, nó sẽ tạo ra hạnh phúc cho em đó, không khỏe thì lười biếng và chán lắm!

2. Phát triển bản thân:

Sách! Rẻ, bổ, chất, thầy ta đó! Hãy ra một tiệm sách, dành ra hai tiếng đọc hết các tựa sách và chọn cho mình một cuốn phù hợp với tâm hồn, với vấn đề mình gặp.

Mỗi khi thầy gặp vấn đề, sách luôn là cứu cánh tuyệt vời nhất, vừa cho ta trí tuệ, vừa cho ta người tâm sự, vừa là bạn, thầy ta và giúp ta ngộ và trưởng thành em à! Luôn có sách và đọc sách nhé. Em sẽ không tin được sau một năm nếu như em đọc sách đều, em sẽ trở thành con người giỏi giang cỡ nào đâu...

Sách phát triển bản thân, sách khoa học, sách chuyên môn em đam mê, sách làm đẹp tâm hồn... Chọn đi em. Thầy vẫn giới thiệu cho em cuốn “Hiểu về trái tim” của thầy Minh Niệm và “Làm Như Chơi” ở giai đoạn này.

Ngoài ra em có thể học anh văn, đi bơi, nhảy, hát, chơi cầu lông... Nó làm cho đời em vui và sáng tạo, có thêm bạn bè nữa.

3. Sự nghiệp tài chính:

Hãy theo đuổi đam mê của mình! Như em tâm sự thì có vẻ như em đã biết mình yêu thích cái gì, nhưng yêu thích một cái gì đó không có nghĩa là mình thành công. Nó cần sự rèn luyện, hi sinh và chăm chút tập trung theo thời gian và không bỏ cuộc.

Hãy học lấy một cái nghề, hãy chơi với những người trong ngành em đam mê, xin thực tập, học việc. Hãy nhấc điện thoại lên hoặc inbox Facebook họ để được học việc. Em hành động đi và em sẽ bị từ chối đó nhưng còn hơn là không có thất bại nào để học. Và rồi kiên trì em sẽ có được công việc ưng ý. Đời em sẽ sang trang mới!

Còn nếu chưa biết mình muốn gì, cũng làm y chang như trên. Và vừa làm vừa quan sát xem mình có phù hợp hay không, mình giỏi gì, muốn gì. Just do it!

4. Tình yêu:

22 tuổi, yêu đi em! Tình yêu giúp em thông minh cảm xúc, tăng khả năng giao tiếp và trưởng thành lắm đó nha! Không ai dạy ta trưởng thành bằng những người ta yêu đâu! Hãy đọc vài cuốn về tình yêu, yêu chân thành, có cả lý trí và cảm xúc.

Chúc em trưởng thành qua các mối tình, và nhớ đọc vài cuốn về tình yêu ví dụ như “If love is a game, these are rules” hoặc cuốn “Luận về tình yêu”. Yêu cũng cần kinh nghiệm và trí tuệ lắm nhé!

5. Gia đình:

Dành thời gian chăm sóc ba mẹ, hỏi thăm gia đình, ít nhất 1 tuần 1 lần. Nếu như mối quan hệ giữa mình và gia đình chưa ổn thì em cứ tập trung vào chính mình trước, xây dựng sự nghiệp sức khỏe, cảm xúc mạnh mẽ lên đã. Sau đó em sẽ làm gương và điểm tựa để yêu thương gia đình.

6. Bạn bè:

Lựa bạn mà chơi, chơi với những bạn tích cực, thật với mình và chân thành. Cần chất lượng không cần số lượng em ha! Và hãy có một người bạn thân, bạn bè em thế nào là phản chiếu chính con người của mình thế đó! Hãy là người tốt và chọn bạn tốt, đời em sẽ vui khi có bạn bè, mỗi người bạn là một màu sắc cho cuộc đời này.

Nhưng điều quan trọng, vạch ra được những từ khóa đó bạn cần phải có mục tiêu rõ ràng để “còn có cái mà phấn đấu” bởi “não của ta lúc nào cũng tìm cái gì để tập trung vào”. Nếu vạch ra được những thứ mình muốn làm mà không có mục tiêu thì rất dễ nản lòng buông bỏ".

Cuối cùng thầy Tường hy vọng các bạn trẻ hãy yêu lấy chính mình và tập trung giúp đỡ nhiều người lên. Chỉ có giúp đời giúp người ta mới trưởng thành được, vì giúp người khác là giúp chính mình.

Những dòng chia sẻ đầy tâm huyết này của thầy Tường đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng, đặc biệt là các bạn trẻ đang ở ngưỡng cửa bấp bênh của cuộc đời – tuổi đôi mươi.

Trò chuyện với PV Dân trí, thầy Tường cho hay bản thân thầy vô cùng bất ngờ vì đây chỉ là những chia sẻ “ngẫu hứng” chứ không có mục đích hay kỳ vọng gì nhưng lại được mọi người ủng hộ. Nhờ đó thầy có thêm động lực viết và chia sẻ tiếp.

“Thực ra có nhiều bạn gặp chung vấn đề như vậy. Thấy thương.. nên mình dành tâm huyết viết và chia sẻ hết lòng, mong giúp ích cho các bạn ấy giải quyết được vấn để ở tuổi đôi mươi.

Đó là những gì mà mình và đa số các bạn trẻ đã, sẽ và có thể trải qua. Mình cũng có đọc sách, tiếp xúc nhiều bạn trẻ trong quá trình giảng dạy nên hiểu được. Chia sẻ này đều đến từ trải nghiệm bản thân”, thầy Tường tâm sự.

Kim Bảo Ngân

Ảnh: FBNV

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục