Thông qua sáng kiến phát triển đô thị xanh và bền vững

(Dân trí) - Tăng trưởng xanh là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt quan tâm và lấy đó làm mục tiêu trên hành trình xây dựng phát triển đô thị. Đây là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững.

Đó cũng là nôi dung được đưa ra tại diễn đàn “Quy hoạch và phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu” được Bộ Xây dựng, Chương trình Định cư con người của Liên hiệp quốc (UN-Habitat) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp tổ chức ngày 23/8 tại TP Tam Kỳ.

Các chuyên gia, các nhà khao học và quản lý tham dự diễn đàn
Các chuyên gia, các nhà khao học và quản lý tham dự diễn đàn

Diễn đàn có các cơ quan quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước tham dự nhằm đưa ra nhiều ý kiến để chia sẻ, góp phần thúc đẩy các sáng kiến phát triển đô thị tăng trưởng xanh và có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Diễn đàn đô thị Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình phát triển đô thị quốc gia - cho biết: “Các nghiên cứu gần đây về tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí đều khẳng định khu vực đô thị có đặc thù tạo ra sự cộng hưởng giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu môi trường”.

KTS Hoàng Quang Huy – Chủ tịch Hội quy hoạch TP Đà Nẵng – trao đổi với PV

Bà Linh cho rằng, những hoạt động diễn ra ở đô thị đã tác động mạnh mẽ tới sự phát triển về mọi mặt tại các quốc gia nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây cũng chính là nhân tố mấu chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH ở cấp độ quốc gia cũng như trên toàn cầu.

Trong gần 20 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế nhanh, đạt được nhiều thành tựu trong kinh tế-xã hội và đã vươn lên thành nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.

Hệ thống đô thị Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực và đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% (năm 1999) lên 35,7% (năm 2015). Với số lượng 795 đô thị hiện nay, mức tăng trưởng kinh tế trung bình của khu vực đô thị của Việt Nam đạt từ 10-15% (cao gấp 2 lần so với bình quân cả nước), nguồn thu từ các hoạt động kinh tế ở đô thị đạt từ 70-75% trong cơ cấu GDP của cả nước.

“Tuy nhiên, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước còn rất nặng nề, trong khi Việt Nam chúng ta lại là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý thảo luận, chia sẻ sáng kiến, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và có khả năng ứng phó hiệu quả với BĐKH; nâng cao năng lực quản trị và tính hiệu quả của quy phạm pháp luật về phát triển đô thị; thay đổi tư duy của lãnh đạo và cán bộ nhà nước về trách nhiệm giải trình, tư duy phát triển mới với tầm nhìn mới và sáng tạo.

Với vai trò động lực phát triển kinh tế-xã hội, đô thị Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao tính cạnh tranh, giải quyết các bất cập, đồng thời xây dựng các chính sách phát triển đô thị bền vững tích hợp giữa tăng trưởng xanh và và thích ứng với BĐKH.

Các đại biểu tại diễn đàn cho rằng, tăng trưởng xanh và ứng phó với BĐKH cần được xem là mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện toàn diện định hướng giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nâng cao năng lực để giảm phác thải, đóng góp thiết thực vào những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để giảm nhẹ tác động của BĐKH.

Cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ đô thị; có giải pháp tiếp cận nguồn tài chính tư nhân và khuyến khích khu vực tư nhân cung cấp các dịch vụ hạ tầng; chú trọng giảm nghèo và tăng trưởng bao trùm. Tăng cường khả năng tiếp cận nhà ở phù hợp với điều kiện thu nhập và tăng cường khả năng tiếp cận tài chính về nhà ở; bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với BĐKH.

Trong khuôn khổ diễn đàn còn diễn ra triển lãm ảnh và hội nghị bàn tròn lãnh đạo một số đô thị lớn để chia sẻ những sáng kiến trong phát triển đô thị, cơ hội lồng ghép định hướng phát triển cac-bon và ứng phó với BĐKH.

Diễn đàn cũng đã thông qua “Sáng Kiến Tam Kỳ” với việc tập trung vào các nội dung chủ yếu: Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, phát triển đô thị; nâng cao năng lực quản trị, tính hiệu quả quy phạm pháp luật về phát triển đô thị; việc thay đổi tư duy về lãnh đạo, cán bộ Nhà nước về trách nhiệm giải trình về tư duy phát triển về tầm nhìn mới sáng tạo.

Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm