1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gặp vua cá "quý tộc" trên đỉnh Pù Rinh

Thanh Tùng

(Dân trí) - Mở đường, dẫn dòng nước mát lạnh từ khe suối về để nuôi cá, sau 10 năm, ông trở thành "vua" cá tầm, cá hồi lớn nhất xứ Thanh, doanh thu mỗi năm vài tỷ đồng.

Mở đường đưa cá lên đỉnh núi

Ở bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa hỏi đến "vua" cá tầm, cá hồi ai cũng biết. Ông là Hà Khắc Sâm (SN 1966, quê ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh). Trước khi đến với những dòng cá "quý tộc", ông Sâm từng qua nhiều nghề, từ giảng viên đến lái xe, còn có thời gian đi lao động ở nước ngoài. Ông Sâm đến với nghề nuôi cá như một cơ duyên và dành cho nghề trọn tâm huyết.

Gặp vua cá quý tộc trên đỉnh Pù Rinh - 1

Ông Hà Khắc Sâm - "vua" cá tầm, cá hồi trên đỉnh Pù Rinh.

Ông Sâm kể, năm 2010, trước sức hút của cá hồi, UBND tỉnh Thanh Hóa mời Trung tâm nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) về khảo sát địa chất, dòng nước để đưa loài cá "quý tộc" về nuôi. Qua khảo sát, các cơ quan chức năng xác định, tại Thanh Hóa chỉ có một điểm nuôi cá hồi phù hợp, đó là dòng suối Tá, thuộc bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh.

Sau đó, tỉnh Thanh Hóa giao Sở Khoa học và Công nghệ cùng huyện Lang Chánh tập trung phát triển dự án nuôi cá hồi trên địa bàn. Lúc bấy giờ ông Sâm mới từ nước ngoài trở về, đang là chủ của một doanh nghiệp xây dựng. Sau khi xem xét, UBND huyện Lang Chánh đã trao niềm tin về dự án nuôi cá hồi cho ông Sâm. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 200 triệu đồng.

Gặp vua cá quý tộc trên đỉnh Pù Rinh - 2

Để thực hiện dự án, ông Sâm cho mở đường lên suối Tá để đưa nước về nuôi cá.

"Được chính quyền địa phương lựa chọn giao dự án, khi đó, tôi lo nhiều hơn là vui. Một phần vì không có kinh nghiệm, mặt khác thì đây là dự án lớn, nếu thất bại thì không biết sẽ thế nào", ông Sâm chia sẻ.

Theo ông Sâm, dòng suối Tá chảy từ trên đỉnh Pù Rinh thuộc dãy núi Chí Linh. Ở đây, nguồn nước quanh năm không bao giờ cạn. Nước suối Tá trong vắt, có nhiệt độ dao động từ 11 - 23 độ C, rất phù hợp để nuôi các giống cá nước lạnh.

Gặp vua cá quý tộc trên đỉnh Pù Rinh - 3

Hệ thống bể xi măng được ông Sâm xây dựng bài bản, quanh năm nước từ suối Tá sẽ được đưa trực tiếp về bể.

Tuy nhiên, con đường đi từ trung tâm xã Trí Nang đến đỉnh Pù Rinh, nơi dòng suối khởi phát rất hiểm trở. Để bắt tay vào dự án, việc đầu tiên ông Sâm làm đó là mở đường vào suối Tá. Sau khi mở được đường, ông đi khắp các trại nuôi cá hồi tại Sa Pa để học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá. Khi nắm vững các kỹ thuật, ông đi đến quyết định dồn vốn để xây 3 bể nuôi với tổng diện tích 300m2, xây 2 đập chứa để làm hệ thống ống dẫn nước từ thượng nguồn suối Tá về nuôi cá. 

"Tôi đến với nghề nuôi cá như một cái duyên, chẳng ai có thể ngờ được một người không có chuyên môn gì về cá lại dám "đánh cược", bỏ gần 3 tỷ đồng rót vào một vùng núi hoang sơ. Có những lúc, người quen lại hỏi tôi: "Anh "khùng" à mà đi lên núi nuôi cá?", ông Sâm tâm sự.

"Gã khùng trở thành… "vua" cá

Lứa đầu tiên, ông Sâm bỏ ra 420 triệu đồng để mua 6.000 con cá giống về thả. Giữa năm 2011, trang trại cá hồi của ông Sâm bắt đầu xuất bán lứa đầu tiên. Do chi phí đầu vào quá lớn khiến giá thành sản xuất cá hồi thương phẩm rất cao, tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có nguồn tiêu thụ ổn định nên ông phải tìm ra Hà Nội để bán. Nhưng do đường xa, tỷ lệ cá chết nhiều. Vụ đầu tiên tuy không lỗ nhưng ông thu về tiền lãi chẳng đáng là bao.

Đến cuối năm 2011, một trận mưa lớn khiến nước Suối Tá dâng cao, tràn vào các bể nuôi khiến cá toàn bộ số cá ông nuôi trôi theo dòng suối.

Gặp vua cá quý tộc trên đỉnh Pù Rinh - 4

Bỏ phố lên núi cao nuôi cá, không ít lần thất bại nhưng "gã khùng" Hà Khắc Sâm vẫn quyết tâm và đam mê với giống cá "quý tộc".

"Vụ đó tôi mất gần 8 tấn cá. Cũng vì cá mà vợ tôi ốm cả tháng trời. Tôi làm lụng 2 năm nhưng hàng tỷ đồng chỉ trong chốc lát trôi tuột theo dòng suối. Vợ chồng tôi trở thành trắng tay. Nhiều người thương cảm, động viên nhưng cũng không ít lời ra tiếng vào", ông Sâm nhớ lại.

Tưởng chừng như sau vụ đó ông Sâm sẽ từ bỏ nghề nuôi cá, nhưng với bản lĩnh và quyết tâm, được sự động viên và hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông quyết định làm lại từ đầu.

"Tôi có một phương châm khá đặc biệt, khi đã nhận lời ai hay làm một việc gì đó thì dù có khó khăn đến mấy cũng phải thực hiện bằng được. Khi nhận dự án tôi, có hứa với các lãnh đạo rằng sẽ quyết tâm thành công, vì vậy, tôi quyết định phải làm bằng được, phải đi lên từ thất bại", ông Sâm tâm sự.

Gặp vua cá quý tộc trên đỉnh Pù Rinh - 5

Cá tầm là giống cá ưa nước lạnh, môi trường sống mát mẻ. Khí hậu tại bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh) rất phù hợp để nuôi loài cá này.

Sau khi vay thêm 1 tỷ đồng từ ngân hàng, năm 2013 ông Sâm xây dựng thêm 6 bể nuôi cá thương phẩm và 5 bể cá giống. Lần này, ông thả 4.000 cá hồi và đánh liều đưa thêm 10.000 con cá tầm về nuôi. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, sau khi thả cá, ông bắt đầu tính đến việc tìm nguồn tiêu thụ.

"Tôi đi khắp các nhà hàng ở Thanh Hóa để liên hệ mối nhập hàng. Đến cuối năm 2014 thì số cá tầm, cá hồi được bán hết cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sau vụ đó, tôi thu về trên 2 tỷ đồng, lãi hơn 500 triệu đồng. Đó là bước ngoặt lớn nhất trong 10 năm qua đối với vợ chồng tôi", ông Sâm thổ lộ.

Gặp vua cá quý tộc trên đỉnh Pù Rinh - 6

Mỗi năm ông Sâm đem về doanh thu gần 3 tỷ đồng từ cá tầm, cá hồi. Trừ chi phí, ông lãi 500 - 600 triệu đồng.

Đến nay, ở Thanh Hóa, khi nhắc đến cá tầm, cá hồi thì nhiều người nhắc ngay đến cái tên Hà Khắc Sâm. Hiện, bình quân mỗi năm ông Sâm xuất khoảng 8 - 9 tấn cá thương phẩm, với giá bán 400.000 đồng/kg cá hồi, 250.000 đồng/kg cá tầm, mỗi năm đem về doanh thu gần 3 tỷ đồng, trừ chi phí ông lãi 500 - 600 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại cá của ông còn tạo công ăn việc làm cho 3 - 4 lao động thời vụ và 3 lao động thường xuyên, với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.

Nói về dòng cá "quý tộc", ông Sâm cho biết, đối với các giống cá nước lạnh, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước. Nước càng lạnh cá càng ít dịch bệnh và nhanh lớn. Một yếu tố quan trọng nữa chính là nguồn thức ăn đều là bột được nhập từ nước ngoài về với giá 35.000 đồng/kg.

"Thức ăn của giống cá này nhập khẩu từ nước ngoài nên rất đắt đỏ, có thời điểm hiếm hàng, giá thức ăn cho cá có thể lên đến 55.000 đồng/kg. Điều đặc biệt, giống cá này có thể nhịn đói đến chết chứ nhất định không ăn thức ăn nào khác", ông Sâm cho biết thêm.

Gặp vua cá quý tộc trên đỉnh Pù Rinh - 7

"Tôi có một phương châm khá đặc biệt, khi đã nhận lời ai hay làm một việc gì đó thì dù có khó khăn đến mấy tôi cũng phải thực hiện bằng được", ông Hà Khắc Sâm nói.

Nói về dự định tương lai, "vua" cá tầm, cá hồi chia sẻ, hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ cá hồi, cá tầm giảm nhiều so với thời gian trước.

"Chờ dịch bệnh qua đi, tôi dự định sẽ mở rộng quy mô của trang trại hơn nữa, xây dựng thêm một vài bể lớn để tăng năng suất và hướng đến thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng…", ông Sâm nói.

Ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND xã Trí Nang, cho biết: "Những năm qua, mô hình nuôi cá nước lạnh của gia đình ông Sâm rất hiệu quả. Huyện Lang Chánh cũng lựa chọn đây là một mô hình kinh tế điển hình và thời gian tới sẽ nhân rộng. Ngoài ra, mô hình của gia đình ông Sâm còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho lao động tại địa phương. Đây cũng là điểm nhấn kết hợp với việc phát triển du lịch thác Ma Hao và thác Bảy Tầng ở địa phương".