1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Yêu cầu “bán đứt” cổ phần Nhà nước khỏi Tràng Tiền Plaza

(Dân trí) - Mặc dù SCIC có nguyện vọng thực hiện cổ phần hóa và tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền (chủ Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza), song Bộ Công Thương lại muốn thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp này này do thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại Nhà nước không cần nắm giữ.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, theo đề xuất của đơn vị này trình Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020, SCIC vẫn sẽ tiếp tục đầu tư, nắm giữ vốn tại 3 doanh nghiệp (DN).

Cụ thể, giữ 100% vốn tại Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC; 51% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Khai thác và chế biến đá An Giang.

Riêng đối với Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền, hiện SCIC đang nắm 90% vốn điều lệ. Do DN có đặc điểm mang tính biểu tượng lịch sử, văn hóa đặc biệt của thủ đô Hà Nội, SCIC đề nghị thực hiện cổ phần hóa và tiếp tục nắm giữ 51% vốn điều lệ.

Tràng Tiền Plaza đã được đổ vào một lượng tiền lớn để cải tạo và chuyển hướng sang kinh doanh hàng xa xỉ phẩm.
Tràng Tiền Plaza đã được đổ vào một lượng tiền lớn để cải tạo và chuyển hướng sang kinh doanh hàng xa xỉ phẩm.

Tuy nhiên, theo ý kiến của Bộ Công Thương thì cơ quan này lại muốn thoái hết vốn Nhà nước tại DN này do thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần để đảm bảo phù hợp với quy định tại Quyết định 58.

Tại Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư thương mại Tràng Tiền, bên cạnh SCIC sở hữu 90% vốn thì 10% vốn còn lại thuộc về Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).

Hồi 2013, công ty này đã hợp tác với Tập đoàn IPP của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn cải tạo, nâng cấp và thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh của Tràng Tiền Plaza (kinh doanh các mặt hàng xa xỉ phẩm của các thương hiệu lớn trên thế giới). Số tiền IPP bỏ ra lên tới 400 tỷ đồng, chưa kể 3.000 tỷ đồng khác mà các thương hiệu xuất hiện tại đây bỏ vốn vào.

Về phương án sắp xếp, phân loại DN của SCIC đến năm 2020, Bộ Tài chính đã đồng ý thực hiện cổ phần hóa 5 DN, để SCIC tiếp tục đầu tư, nắm giữ vốn 3 DN; bán vốn giai đoạn 2017-2020 137 DN, giải thể phá sản 3 DN.

Riêng năm 2017, SCIC bán vốn Nhà nước tại 107 DN hoạt động trong các ngành, lĩnh vực Nà nước không cần nắm giữ theo Quyết định 58 và hầu hết đã có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bán vốn.

Phương án này đã được trình lên Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt. Hồi tháng 4 vừa rồi, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình danh mục DN có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.

SCIC cho rằng nếu chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp toàn bộ danh mục bán vốn các bộ, địa phương trình Thủ tướng sẽ rất chậm và SCIC sẽ không bán vốn được ngay, ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước của SCIC.

Do vậy, SCIC đã đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt phương án, sắp xếp, phân loại DN đến năm 2020 của SCIC nhằm đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại DN.

Tổng công ty này xin được tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để triển khai kế hoạch kinh doanh 2017, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh các năm tiếp theo và hoàn thành nộp ngân sách Nhà nước.

Bích Diệp