"Vua hàng hiệu" Jonathan Hạnh Nguyễn soán ngôi Chủ tịch SASCO

(Dân trí) - Sau khi tiến vào mảng dịch vụ hàng không năm 2014, thông qua các công ty của mình, ông Jonathan Hạnh Nguyễn đã dần nâng tỷ lệ sở hữu lên 43,7% cổ phần tại SASCO, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng không lớn nhất nước. Và mới đây, "vua hàng hiệu" đã chính thức được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty này.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất – SASCO (mã cổ phiếu: SAS) mới đây đã công bố Nghị quyết thống nhất bầu chọn ông Jonathan Hạnh Nguyễn vào vị trí Chủ tịch HĐQT doanh nghiệp này cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2015-2019 thay bà Đoàn Thị Mai Hương kể từ ngày 20/4/2017. Trong khi đó, bà Hương vẫn là Tổng giám đốc của công ty này.

Ông Hạnh Nguyễn gia nhập quản trị SASCO cách đây 1 năm. Trong khi đó, vợ ông là bà Lê Hồng Thủy Tiên đã là thành viên HĐQT (không điều hành) của SASCO từ cuối năm 2014 khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cùng gia đình đã tạo nên một đế chế kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cùng gia đình đã tạo nên một "đế chế" kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam

Gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn được biết đến như một "đế chế" kinh doanh hàng hiệu ở Việt Nam, nhất là khi cho tu sửa lại khu thương mại hàng hiệu đẳng cấp đầu tiên của Hà Nội - Tràng Tiền Plaza. Bản thân ông Hạnh Nguyễn cũng được mệnh danh là "ông vua" trong lĩnh vực kinh doanh hàng hiệu.

Tuy nhiên, gần đây, ông Hạnh Nguyễn và Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP Group) lại đang "lấn sân" sang lĩnh vực hàng không và dịch vụ hàng không với tỷ lệ sở hữu không hề nhỏ. Cụ thể, nhóm các công ty liên quan đến vợ chồng ông Hạnh Nguyễn gồm IPP Group, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) đang sở hữu tổng cộng 43,7% cổ phần của SASCO. Trong đó, IPP nắm 24,05% cổ phần, DAFC nắm 5% và ACFC nắm 14,6% cổ phần.

SASCO hiện là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thương mại tại sân bay lớn nhất cả nước với trên 20 năm hoạt động tại các lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay và dịch vụ thương mại.

Sau khi chi "đậm" để sở hữu 31 triệu cổ phần chiếm 23,6% vốn điều lệ SASCO trong đợt IPO năm 2014, ông Jonathan Hạnh Nguyễn từng thuyết phục Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét cho phép IPP được mua tiếp cổ phần SASCO khi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV thoái vốn với việc cam kết sẽ không chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ quản lý để cùng SASCO mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, ngay cả khi ACV thoái tiếp vốn tại SASCO thì việc bán cổ phần cũng sẽ qua hình thức đấu giá tại sàn giao dịch chứng khoán vì SASCO hiện đã hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

Nhận xét về "cú bắt tay" giữa IPP và SASCO, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, với kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hàng miễn thuế và hàng xa xỉ, IPP đã hỗ trợ SASCO tái cơ cấu lĩnh vực kinh doanh hàng miễn thuế cũng như giảm bớt hàng tồn kho. Ngoài ra, IPP cũng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ SASCO cải thiện kết quả lợi nhuận bằng cách điều chỉnh cơ cấu sản phẩm trong lĩnh vực thương mại, cũng như tăng đóng góp doanh thu từ lĩnh vực CIP lounge (phòng chờ) vốn có biên lợi nhuận cao.

Trong quý I/2017, SASCO báo lãi trước thuế 78,1 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hơn 66 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ 2016.

Bích Diệp