Vừa trở lại sàn chứng khoán sau 8 năm, Bông Bạch Tuyết đã “dính” ngay “án phạt”
(Dân trí) - Là một trong 3 doanh nghiệp đầu tiên huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Bông Bạch Tuyết trở thành một “case study” kinh điển cho các doanh nghiệp niêm yết sau này. Tuy nhiên vừa trở lại thị trường, công ty này đã “dính” ngay loạt vi phạm hành chính.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP Bông Bạch Tuyết với tổng số tiền là 330 triệu đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp này phải chịu nộp phạt số tiền 60 triệu đồng do báo cáo không đúng thời hạn quy định pháp luật (Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không đúng thời hạn đối với: Báo cáo tài chính năm 2015 và năm 2016 đã được kiểm toán; Báo cáo thường niên năm 2015 và năm 2016; Tài liệu họp, Biên bản và Nghị quyết họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 và năm 2017).
Đồng thời bị phạt tiền 70 triệu đồng do vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về triệu tập Đại hội đồng cổ đông (Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết gửi thông báo mời họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 lần 3 đến cổ đông chưa đảm bảo thời gian chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc theo quy định).
Ngoài ra, Bông Bạch Tuyệt phải chịu nộp phạt số tiền 200 triệu đồng do đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán quá thời hạn từ trên 09 tháng đến 12 tháng.
Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập năm 1960, là nhà máy của tư nhân chuyên sản xuất các sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ.
Đến năm 1975, Nhà máy được Quốc hữu hoá và năm 1979 đổi tên thành Xí nghiệp Quốc doanh Bông Bạch Tuyết, sau đó năm 1992 đổi tên thành Công ty Bông Bạch Tuyết.
5 năm sau, Bông Bạch Tuyết chuyển đổi mô hình thành Công ty cổ phần với vốn điều lệ 11,4 tỷ đồng trong đó Nhà nước nắm giữ 30% vốn. Những ngày tháng đó được xem là thời kỳ vàng son của Bông Bạch Tuyết khi công ty này từng chiếm tới 90% thị phần bông băng y tế của cả nước. Ngày 15/3/2004, cổ phiếu của công ty chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán (mã BBT).
Tuy nhiên, chỉ vài năm sau, không ai ngờ được nhắc đến Bông Bạch Tuyết lại nhắc đến vụ bê bối lớn của ngành tài chính, cũng từ đây hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết đi xuống. Trong 4 năm từ 2005-2008, nội bộ công ty thường xuyên xảy ra xung đột, quản lý gặp nhiều mâu thuẫn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả.
Năm 2008, báo cáo tài chính 2006 của BBT bỗng nhiên được điều chỉnh từ lãi thành lỗ. Cổ đông ngỡ ngàng khi kết quả thanh tra phát hiện công ty đã thua lỗ liên tục ngay từ năm 2004.
Công ty bị thiếu vốn lưu động trầm trọng, không còn tài sản thế chấp để vay vốn. Cùng với đó, tình hình tài chính lại có quá nhiều điểm không minh bạch, báo cáo tài chính có nhiều điểm ngoại trừ, lưu ý của kiểm toán nên không thể phát hành được cổ phiếu huy động vốn.
Năm 2007, tổng nợ phải trả của công ty là hơn 47 tỷ đồng trong khi đó tài sản ngắn hạn chỉ gần 25 tỷ, nợ phải thu khó đòi là gần 2 tỷ.
Theo kết quả thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bông Bạch Tuyết từ năm 2005-2008, đã có nhiều khoản tài chính thiếu minh bạch. Thí dụ dự án xây dựng bệnh viện Bạch Tuyết sau 8 tháng triển khai đã chi 464 triệu đồng, trong đó 355 triệu đồng chi tiếp khách trong khi dự án chưa thực hiện được một công tác cơ bản nào. Hay việc trả lương tổng giám đốc vượt quá hạn mức khi công ty thua lỗ (giai đoạn 2006-2008)…
Ngày 7/8/2009, mã cổ phiếu BBT bị hủy niêm yết theo yêu cầu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước do không đáp ứng được điều kiện về vốn điều lệ thực góp. Trước đó BBT từng bị tạm ngừng giao dịch do lỗ lũy kế 2 năm liên tiếp và do không công bố thông tin theo đúng quy định.
Như vậy, sau 8 năm kể từ ngày bị hủy niêm yết trên HoSE, cổ phiếu BBT của Bông Bạch Tuyết từng một thời quen thuộc với nhà đầu tư vừa trở lại thị trường chứng khoán thì đã “dính” một loạt vi phạm hành chính nói trên.
Nguyễn Khánh