Vụ nước C2, Rồng Đỏ có chì: Phạt 1 tháng mới thông báo thu hồi sản phẩm!
(Dân trí) - Cục Quản lý cạnh tranh vừa có thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn công bố của Công ty URC Hà Nội.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, căn cứ Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và báo cáo của Công ty URC Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thực hiện việc thu hồi một số sản phẩm Trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ do Công ty URC Hà Nội sản xuất và phân phối có hàm lượng chì vượt tiêu chuẩn công bố.
Cụ thể, sản phẩm bị thu hồi là lô sản phẩm nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu, ngày sản xuất 10/11/2015 và hạn sử dụng 10/8/2016, lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 có ngày sản xuất 04/02/2016, hạn sử dụng 04/02/2017.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Công ty URC Việt Nam đang trong quá trình thu hồi và tiêu hủy hai lô sản phẩm bị ảnh hưởng nêu trên cũng như thực hiện một số nội dung khác theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, Cục Quản lý cạnh tranh cũng khuyến cáo người tiêu dùng ngừng sử dụng các sản phẩm thuộc diện bị thu hồi, khi mua các sản phẩm tương tự nói trên, người tiêu dùng cần lưu ý kiểm tra ngày sản xuất. Trong trường hợp đã mua hoặc đã sử dụng các sản phẩm thuộc diện thu hồi nói trên thì nhanh chóng liên hệ với Công ty URC Hà Nội để được tư vấn và hỗ trợ.
Cục Quản lý cạnh tranh cũng cung cấp số đường dây nóng trong trường hợp người tiêu dùng muốn liên hệ với Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh để được tư vấn, hỗ trợ về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cung cấp thông tin về vụ việc.
Điều đáng nói, thông báo thu hồi sản phẩm này được đưa ra sau đúng 1 tháng kể từ ngày Thanh tra Bộ Y tế chính thức ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với Công ty URC Hà Nội số tiền 5,8 tỷ đồng và yêu cầu toàn bộ hai lô sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép phải thu hồi, tiêu hủy. Thông tin về việc nghi vấn C2, Rồng Đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép thậm chí còn "ầm ĩ" trên truyền thông cả tháng trước đó.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, con số 5,8 tỷ đồng là quyết định xử phạt vi phạm hành chính cao nhất trong ngành y tế từ trước tới nay. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, con số này vẫn “chưa thấm vào đâu” so với quy mô doanh số và khả năng gây thiệt hại tới người tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí, Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) bình luận: “Luật của mình quá nhẹ nhàng, lẽ ra phải phạt hàng trăm nghìn tỷ. Doanh số lớn đương nhiên phải phạt năng hơn số người ta thu được thì mới ngăn cản, răn đe được các vụ tương tự, chứ phạt vài tỷ còn quá nhỏ so với lợi nhuận họ thu được”.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TPHCM) cũng cho rằng: “Số tiền 5,8 tỷ đồng là tổng hợp nhiều hành vi vi phạm không phải là một hành vi vi phạm. Theo tôi hình thức xử phạt về hành chính thì dù có nhiều đến đâu cũng không có sức răn đe người vi phạm. Với lợi nhuận gấp nhiều lần so với số tiền bị phạt, thì phạt tiền chỉ tổn thất về mặt kinh tế chứ không có sức giáo dục, răn đe người vi phạm".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng thừa nhận, việc người tiêu dùng khởi kiện doanh nghiệp là không đơn giản bởi trong trường hợp này, muốn được bồi thường thì người tiêu dùng phải chứng minh được mình là khách hàng, đã mua hàng, tiêu dùng hàng thể hiện qua biên lai, hóa đơn mua hàng.
"Tuy nhiên, ở Việt Nam, mua bán lặt vặt vài chai nước thì gần như không có hóa đơn, có không ai giữ. Cả kể chứng minh đã mua bán rồi cũng phải chứng minh là mình có sử dụng hay không. Trong khi đó, tác hại của việc sử dụng nước uống nhiễm chì không bộc phát luôn hoặc có bộc phát thì cũng có hàng trăm nghìn lý do khác như do ăn uống", một vị nói.
Phương Dung