Vỡ đường ống alumin Nhân Cơ: Đã nhìn trước nguy cơ từ nhà thầu Trung Quốc
(Dân trí) - Bình luận về vụ việc này, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng nói: "Nguy cơ đã được cảnh báo trước rồi. Vấn đề ở đây là công nghệ khiến cho dự án chưa đi vào vận hành, chưa bàn giao đã xảy ra sự cố rồi".
Ngày 23/7 đã xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn hoá chất tại nhà máy alumin Nhân Cơ (Tây Nguyên) khiến một lượng kiềm từ bồn chảy ra ngoài. Sự cố đã làm 9,58 m3 kiềm tràn vỡ đã tràn ra khu vực nhà máy sân nhà máy. Trong đó một phần được thu hồi, một phần thẩm thấu xuống nền đất diện tích 600m2 và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy tràn và chảy ra suối Đắk Dao qua cửa xả số 3 về phía hạ du...
Mặc dù phía Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) khẳng định sự cố về hóa chất nêu trên không gây ảnh hưởng đến môi trường nhưng giới chuyên gia vẫn cho rằng, đây là một sự cố rất nghiêm trọng, tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng lớn tới môi trường ngang với sự cố tại Formosa mới đây.
Bình luận về vụ việc này, TS Nguyễn Thành Sơn - nguyên giám đốc Ban quản lý dự án than đồng bằng sông Hồng nói: "Nguy cơ đã được cảnh báo trước rồi. Vấn đề ở đây là công nghệ khiến cho dự án chưa đi vào vận hành, chưa bàn giao đã xảy ra sự cố rồi. Cần phải nói thêm rằng, nếu thiết bị, công nghệ không chuẩn sau này còn mang lại nhiều hiểm họa nữa, không lường được".
"Mức độ nguy hiểm còn phụ thuộc vào tần suất và quy mô. Như vừa rồi chỉ khoảng 9m3 rò rỉ ra môi trường thì không nguy hiểm lắm nhưng mai lại xảy ra, ngày kia lại xảy thì nguy hiểm. Hoặc 1 năm chỉ 1 lần sự cố thôi nhưng mỗi lần cả trăm tấn hoá chất thì lại thành nguy hiểm. Tuy nhiên, đây là sự cố hiếm gặp trên thế giới, mà dự án còn mới chỉ đang trong quá trình xây dựng, đến khi vận hành không biết thế nào. Cần phải nêu rõ trách nhiệm của nhà thầu ở đây là gì và có hướng xử lý người có trách nhiệm", ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng nói thêm rằng, dự án alumin Nhân Cơn ngay trước khi làm đã được nhiều chuyên gia đánh giá là không hiệu quả vì công nghệ lạc hậu, khó có thể cạnh tranh.
"Công nghệ lạc hậu khiến lượng tiêu hao điện, boxit, nước, than… lớn nên 1 tấn alumin làm ra có giá cao trong khi giá thế giới đã ở mức nhận định, làm cao quá thì sẽ phải chịu lỗ. Các nước người ta có thể đầu tư đắt nhưng tiêu hao ít đầu vào thì giá thành rẻ còn cạnh tranh được, đằng này anh đầu tư chi phí thấp nhưng công nghệ lạc hậu khi đi vào sản xuất mọi chi phí bị đội lên cao hơn bình thường thì không thể có lãi, không thể cạnh tranh được", ông nói thêm.
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh cũng khẳng định: "Đây là một sự cố nghiêm trọng vì xảy ra trên cao nguyên, đầu nguồn sông và là mối nguy hiểm tiềm tàng, đe dọa toàn bộ môi trường các phía dưới hạ lưu. Các công trình đó do Trung Quốc thi công, việc giám sát không được chặt chẽ lắm nên cần có sự rà soát lại chứ đến lúc họ bắt đầu sản xuất và lượng phế thải tăng lên sẽ là thách thức với bảo vệ môi trường của chúng ta".
Ông Doanh cũng cho rằng, vụ việc này cho thấy nguy cơ tiềm tàng dẫn tới các sự cố môi trường lớn và quy mô nguy hiểm "như Formosa".
Trao đổi về sự cố này với báo chí, PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) từng cho hay, bùn đỏ trong sản xuất nhôm từ boxit có độ kiềm rất cao lên đến 12 pH (nước ở mức trung tính độ pH= 7). Trong khi đó, công nghệ của thế giới hiện nay vẫn chưa xử lý được loại xút trong bùn đỏ. Do đó, xút này xả ra ngoài thì mức độ phá hủy quá kinh khủng, mọi thứ nó đi qua đều bị tiêu diệt hết.
"Ngay Trung Quốc cũng đã cấm hơn 100 nhà máy sản xuất nhôm theo hình thức chiết quặng boxit. Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến boxit thì hậu họa sẽ khôn lường. Tôi nghĩ ở góc độ tác hại môi trường chẳng khác gì Formosa”, PGS. Phổ lo ngại.
Về phía Chính phủ, tại cuộc họp báo chiều ngày 2/8, Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thừa nhận, từ một số sự việc xảy ra tại các nhà máy khai thác titan, boxit, alumin, nhiều ý kiến lo ngại về chất lượng công trình và nguy cơ xảy ra các sự cố làm ảnh hưởng môi trường .
"Ngay sau khi sự việc xảy ra, sự cố đã được khống chế hoàn toàn; sau 24 giờ các cơ quan giám sát môi trường đã quan trắc trên dòng suối và xác định nồng độ pH ở mức cho phép. Tuy vậy, cũng đã làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và dư luận xã hội", ông Dũng nói.
Theo người phát ngôn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, khắc phục kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nếu có. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cơ sở sản xuất cần tiếp tục rà soát, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, yêu cầu các chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định kể cả trong quá trình dầu tư xây dựng cũng như trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn khai thác, chế biến khoáng sản; chủ động có các biện pháp dự phòng để ứng phó khi xảy ra sự cố.
Phương Dung