1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

VAFI chỉ ra hàng loạt sai lầm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

(Dân trí) - Trong hàng loạt sai lầm khi còn đương chức của ông Vũ Huy Hoàng trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN, VAFI cho rằng, sai lầm đầu tiên của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương đó là việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc bộ này quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao.

Sau khi liên tục đòi truy cứu trách nhiệm ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương về những yếu kém trong bổ nhiệm nhân sự cũng như việc chậm trễ niêm yết tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Bộ Công Thương quản lý (mà điển hình là Habeco và Sabeco), hôm nay (19/7), ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) tiếp tục đưa ra những phân tích về các sai lầm trong công tay quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại DN dưới thời ông Vũ Huy Hoàng.

Ông Vũ Huy Hoàng, thời còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương
Ông Vũ Huy Hoàng, thời còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương

1. Cụ thể, theo lãnh đạo VAFI, sai lầm đầu tiên của cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương đó là việc bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc bộ này quản lý đã không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm và thành tích quản trị cao.

Nhìn vào việc bổ nhiệm các chức danh Chủ tịch HĐQT tại 3 tập đoàn kinh tế lớn là Sabeco, Habeco, Vinataba thấy rằng, thành tích quản trị DN của Chủ tịch Habeco, Vinataba hết sức nghèo nàn, họ không phải là những người thành công và đi lên từ Habeco, Vinataba. Theo nhận định của VAFI, những lành đạo trên chưa đáp ứng được yêu cầu phải là linh hồn của DN, phải được đào tạo thủ thách và có nhiều thành tích tại các vị trí đã kinh qua.

Riêng tại Sabeco, VAFI đánh giá, trong khi Chủ tịch Sabeco hầu như không có kinh nghiệm quản trị DN, thành tích về quản trị DN nhưng vẫn được kiêm nhiệm luôn cả chức danh Tổng giám đốc. "Hành vi bổ nhiệm này là sai Luật DN và Luật quản lý vốn nhà nước", đại diện VAFI nhận xét đồng thời đặt câu hỏi:

"Tại sao Bộ Công Thương không có phương án bổ nhiệm Tổng giám đốc Sabeco? Chẳng nhẽ Sabeco không còn ai có thể đảm đương vị trí Tổng giám đốc? Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm trong công tác quản lý vốn và tài sản nhà nước tại DN", đại diện VAFI nêu.

Ngoài ra, theo VAFI, thông qua chiến lược hoạt động của các "ông lớn" ngành dầu khí, điện, than cũng thấy rằng không HĐQT nào sốt sắng với định hướng cổ phần hóa cả tập đoàn.

"Suất đầu tư trong lĩnh vực điện, dầu khí, than khoáng sản là rất cao so với lĩnh vực tư nhân. Bộ máy quản lý cồng kềnh, các đơn vị trên chưa thực sự hoạt động theo mô hình tập đoàn mà thực chất chỉ là những đơn vị quản lý hành chính ở cấp trung gian", VAFI nhận xét.

Không chỉ vậy, các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương như thép, hóa chất, than khoáng sản... ở vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia. Theo đó, "mang tiếng là công ty mẹ nhưng mẹ không có khả năng cứu được con mà phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn. Điều này đang diễn ra tại Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Công ty Gang thép Thái nguyên".

Liên hệ đến những tập đoàn DN tư nhân, VAFI cho biết, không bao giờ có cách thức bổ nhiệm như trên. Mọi chức danh chủ chốt phải được đào tạo và rèn luyện, thử thách qua nhiều vị trí khác nhau, từ thấp lên cao. Trong quá trình làm việc, nếu cán bộ lãnh đạo nào không đạt yêu cầu thì phải tự nguyện thôi chức nếu không sẽ bị sa thải và điều chuyển bởi HĐQT hay Đại hội đồng cổ đông.

"Với những DN tư nhân, DN gia đình hay công ty tư nhân lớn cũng không bao giờ xảy ra chuyện ông bố bổ nhiệm người con không có kinh nghiệm quản trị nắm giữ các chức danh chủ chốt trong công ty vì nếu làm như vậy thì coi là hành động tự sát của chủ DN, DN đó sẽ bị tổn thất nặng nề hoặc thua lỗ phá sản.

"Bố có thương con, muốn con nối nghiệp thì họ phải đào tạo và luyện cho người con tại nhiều vị trí công việc trong DN. Còn nếu người con không giỏi hoặc chưa đủ tầm quản lý thì chủ DN tư nhân phải tuyển chọn người tài để quản lý và phát triển cho cơ nghiệp của họ, đồng thời bồi dưỡng kỹ năng quản lý cho con họ" - VAFI phân tích.

2. Chậm bàn giao một số DN đã cổ phần hóa về cho Tổng công ty Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước (SCIC) quản lý :

Hơn 10 năm trước, dưới thời nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải quản lý, sau khi SCIC được Chính phủ thành lập, nhiều DN đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ được nhanh chóng bàn giao về cho SCIC quản lý phần vốn nhà nước. Tuy nhiên, theo VAFI, trong 9 năm dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì lại làm ngược lại, điển hình tiêu biểu là Sabeco, Habeco sau 9 năm cổ phần hóa vẫn không được chuyển giao về cho SCIC.

Đánh giá SCIC vẫn còn nhiều yếu kém trong công tác quản lý cổ phần Nhà nước, song VAFI cho rằng, năng lực quản lý vốn của SCIC còn hơn nhiều năng lực quản lý vốn của bộ ngành địa phương. Đặc biệt là trong khâu bổ nhiệm nhân sự chủ chốt như Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc thì SCIC không dám làm liều như Bộ Công thương. "Sau vài lần thất bại thì cán bộ của SCIC không dám đảm nhận chức danh Chủ tịch, TGĐ mà thường những chức danh này được tuyển chọn từ DN", theo VAFI.

3. Nhiều DN đã cổ phần hóa trực thuộc Bộ Công thương trốn tránh niêm yết, người đại diện không thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ:

VAFI chỉ ra rằng, nếu dưới thời nguyên Bộ trưởng Hoàng Trung Hải, thị trường chứng khoán liên tục đón nhận nhiều hàng hóa chất lượng được bán bớt cổ phần Nhà nước và IPO như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiến phong, Đạm Phú Mỹ, Khoan Dầu khí…. thì đến thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nhiều DN đã cổ phần hóa như Sabeco, Habeco, Vinatex, Petrolimex cùng nhiều đơn vị thành viên đã cổ phần hóa nhưng lại không chịu niêm yết.

Sabeco và Habeco là điển hình của việc tìm mọi cách trốn tránh niêm yết, không thực hiện chỉ thị của Chính phủ. "Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ, chắc phải nhiều lần nghe Thủ tướng nói về việc thúc đẩy DN niêm yết nhưng tại sao cựu Bộ trưởng không chấp hành lệnh của cấp trên, không triển khai thúc đẩy việc niêm yết nhiều DN trực thuộc Bộ. Bộ trưởng mà không quan tâm đến việc thúc đẩy sự minh bạch thì cấp dưới cũng không thực hiện hoặc như Sabeco có nói rằng, họ không có quyền cho DN niêm yết", VAFI thắc mắc.

4. Dưới thời cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, phong trào cổ phần hóa đi xuống và trì trệ:

Để dẫn chứng cho luận điểm này, VAFI cho rằng, Bộ Công Thương dưới thời Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng không thể sôi nổi và tích cực như thời Bộ trưởng Hoàng Trung Hải.

Hơn nữa, Bộ Công Thương là bộ nắm nhiều DN ở vị thế kinh doanh thuận lợi nhưng theo đánh giá của VAFI, phong trào cổ phần hóa trong nhiệm kỳ 2010- 2015 còn thua xa Bộ Giao thông Vận tải do nguyên Bộ trưởng Đinh La Thăng lãnh đạo.

5. "Việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm thành viên HĐQT kiêm PTGĐ Sabeco mang đậm tính vụ lợi và hành vi này bị nghiêm cấm theo Luật Phòng Chống tham nhũng".

Theo VAFI, trong thời gian ngắn ngủi ở Cục Xúc tiến thương mại, với vai trò là Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu, Vũ Quang Hải được ưu ái và được bổ nhiệm chức danh Kiểm soát viên Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba). Việc bổ nhiệm này hoàn toàn phi lý, sai luật và cũng mang tính vụ lợi.

Cụ thể, Luật Công chức Nhà nước quy định điều kiện để làm thành viên Ban kiểm soát tại DNNN, người được bổ nhiệm phải là công chức Nhà nước, tuy nhiên nói với Báo Tuổi trẻ, Vũ Quang Hải cho biết, khi được tuyển dụng về Trung tâm hỗ trợ xuất khẩu không theo cơ chế tuyển dụng ngạch công chức Nhà nước. Như vậy có thể ở thời điểm Vũ Quang Hải về Cục Xúc tiến thương mại vẫn chưa phải là công chức Nhà nước - VAFI đặt vấn đề.

Ngoài ra, VAFI cũng dẫn quy định tại Điểm 1b Điều 122 Luật DN 2005: "Thành viên Ban kiểm soát không phải là vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh,chị, em ruột của thành viên HĐQT, giám đốc hoặc TGĐ và người quản lý khác" . Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng, là người đại diện quản lý vốn cao nhất có quyền bổ nhiệm các thành viên HĐQT thì rõ ràng việc bổ nhiệm Vũ Quang Hải là không đúng Luật - phía VAFI khẳng định.

VAFI cũng khẳng định thêm rằng, việc Vũ Quang Hải về Cục Xúc tiến thương mại không phải là cống hiến sức lực của tuổi trẻ mà chỉ là tạo ra một lý lịch đẹp để vào hàng ngũ lãnh đạo của Bộ Công thương và từ đó có thế mạnh về làm lãnh đạo Sabeco. Nếu điều chuyển thẳng Vũ Quang Hải từ Tổng giám đốc PVFI về Sabeco chắc là không thể thành công, cho nên hành vi điều động Vũ Quang Hải về Sabeco hay dưới dạng Sabeco tha thiết xin Vũ Quang Hải mang đậm tính chất vụ lợi, VAFI nhấn mạnh.

Hơn nữa, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2005 cũng quy định "nghiêm cấm hành vi lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ vì vụ lợi".

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm