TS Vũ Thành Tự Anh: Giao thông tốt thì giao thương mới "lột xác"

(Dân trí) - Đóng góp 52% nguồn thu ngân sách cho Nhà nước nhưng vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ chỉ được giữ lại 18,5% để đầu tư phát triển. Do đó, khu vực này đang "khát"... vốn để đầu tư, nhất là hoàn chỉnh hệ thống giao thông để giúp giao thương "lột xác".

Tại Diễn đàn Kinh tế Đông Nam Bộ 2016 diễn ra ngày 16/9, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình dạy kinh tế Fulbright và là nhà nghiên cứu cao cấp của Trường Quản lí Nhà nước Harvard Kennedy cho rằng, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đước trước nhiều cơ hội để giúp Việt Nam sớm hiện thực giấc mơ... "hoá rồng".

Nếu bài toán giao thông được giải quyết, kinh tế khu vực phía Nam, nhất là TPHCM mới có thể cất cánh
Nếu bài toán giao thông được giải quyết, kinh tế khu vực phía Nam, nhất là TPHCM mới có thể cất cánh

Đông Nam Bộ là nơi quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, khi tham gia hội nhập nền kinh tế thế giới thì khu vực này có cơ hội hưởng nhiều lợi ích từ xuất khẩu, mở rộng thị trường. Đồng thời, quá trình hội nhập cũng là một cơ hội để Đông Nam Bộ gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Không chỉ vậy, khu vực này cũng có cơ hội tái cơ cấu và đa dạng hóa xuất khẩu cũng như cơ hội thúc đẩy cải cách kinh tế khi tham gia quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

"Với vị trí “thiên thời, địa lợi” của mình, nếu như Đông Nam Bộ thành công thì nền kinh tế Việt Nam thành công. Ngược lại, nếu như vùng này thất bại thì nền kinh tế Việt Nam phải hứng chịu những hậu quả khôn lường. Do đó Khu vực Đông Nam Bộ cần phải được đầu tư nhiều hơn để có thể phát triển toàn diện, xứng đáng với trọng trách là một trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam", TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Tuy nhiên, theo TS Vũ Thành Tự Anh, trong khi Đông Nam Bộ có khoảng 33% FDI đăng kí, chiếm 45% GDP và 50% kim ngạch xuất khẩu công nghiệp (so với cả nước), đóng góp 52% nguồn thu ngân sách Nhà nước thì nguồn vốn đầu tư phát triển của Đông Nam Bộ chỉ đạt 18,5%. Như vậy, về cơ bản, trong khi vùng kinh tế trọng điểm miền Nam đóng góp khoảng 50% chỉ tiêu quan trọng nhất thì phần được giữ lại để đầu tư phát triển chỉ có 18,5%. Do đó, TS Vũ Thành Tự Anh nhận định, nếu như Đông Nam Bộ giữ lại được một khoảng ngân sách lớn hơn một chút thì kinh tế vùng này sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa.

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng nguồn kinh phí được giữ lại quá ít khiến kinh tế vùng Đông Nam Bộ không thể phất lên được
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng nguồn kinh phí được giữ lại quá ít khiến kinh tế vùng Đông Nam Bộ không thể phất lên được

Giám đốc nghiên cứu Chương trình dạy kinh tế Fulbright cho biết thêm, giao thông là nguồn cơn quyết định sự tăng trưởng của giao thương. Vì vậy, khi giao thông phát triển thì giao thương mới có thể "lột xác" được. Trong khi đó, hạ tầng giao thông tại vùng Đông Nam Bộ vẫn chưa thật sự hoàn thiện. Cụ thể như hệ thống đường sắt, đường cao tốc của Đông Nam Bộ chưa được “thay da đổi thịt”. Đáng chú ý, Việt Nam hiện nay có khoảng 740 km đường cao tốc thì ở Đông Nam Bộ có vẻn vẹn 100km (chưa đến 1/7 tổng số đường cao tốc của cả nước).

"Mong rằng các vị lãnh đạo vùng cùng với Chính phủ làm thế nào để đầu tư cho Đông Nam Bộ một cách xứng đáng. Bởi lẽ, nếu mà giao thông tốt thì giao thương mới lột xác được", TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Giám đốc nghiên cứu Chương trình dạy kinh tế Fulbright cũng nhấn mạnh, nếu chỉ giữ lại 18,5% ngân sách tạo ra để đầu tư thì giao thông Đông Nam Bộ đang tắc nghẽn và kinh tế khu vực này sẽ không thể phát triển toàn diện do vướng phải rào cản giao thông.

Công Quang