Kinh tế Đông Nam Bộ: Năng lực "chớp cơ hội" rất hạn chế
(Dân trí) - "Chúng ta đang đứng trước "thời khắc" chưa từng có của lịch sử dân tộc với vô vàn cơ hội và cũng lắm thách thức. Bài toán làm thế nào để biến các cơ hội thành hiện thực vô cùng khó bởi năng lực chớp cơ hội hiện nay rất hạn chế".
Đó là những chia sẻ của TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Diễn đàn kinh tế Đông Nam Bộ 2016 với chủ đề: “Hội nhập Quốc tế: Tận dụng các cơ hội mới cho liên kết và tăng trưởng” được tổ chức vào sáng nay (16/9) tại TPHCM.
Chia sẻ về chủ đề hội nhập quốc tế, thách thức đối với vùng kinh tế Đông Nam Bộ, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng, chúng ta đang đứng trước "thời khắc" chưa từng có của lịch sử dân tộc với vô vàn cơ hội nhưng cũng đối mặt với những thách thức lớn. Quan trọng là làm thế nào để biến các cơ hội thành hiện thực, đó là bài toán vô cùng khó.
Bên cạnh đó, TS Tự Anh cũng nhận thấy năng lực chớp cơ hội hiện nay rất hạn chế. Đây có lẽ không chỉ là vấn đề của vùng Đông Nam Bộ mà còn của cả nước, nó phụ thuộc vào tầm nhìn, ý chí, năng lực của các tỉnh.
Vậy, phải làm thế nào để các con thuyền nhỏ của các tỉnh có thể liên kết với nhau thành những hạm đội lớn đủ sức cạnh tranh quốc tế đang là vấn đề mà vùng đặt ra?
Theo ông Tự Anh, liên kết vùng đã được Việt Nam đặt ra hàng chục năm nay nhưng thực tế, liên kết vùng hiện nay rất hạn chế. Do đó, ông Tự Anh đề xuất liên kết vùng nương theo các quy luật của thị trường, phải dựa theo các dòng chảy của thị trường, chứ không chỉ đơn thuần là mang tính chính trị.
TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng chúng ta đang đứng trước "thời khắc" chưa từng có của lịch sử dân tộc với vô vàn cơ hội
Trong khi đó, TS Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vùng Đông Nam Bộ đang gặp phải 3 thách thức lớn trong phát triển kinh tế. Thứ nhất, việc lựa chọn nguồn lực nào là động lực để phát triển kinh tế là một thách thức hàng đầu đối với vùng kinh tế trọng điểm này. Thứ hai, Đông Nam Bộ đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi sự cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi giữa các nền kinh tế và doanh nghiệp. Không chỉ vậy, sự thay đổi của thị trường cung, cầu sẽ thay đổi cách vận hành của nền kinh tế cũng là một thách thức không nhỏ đối với khu vực.
Do đó, Phó Chủ tịch VCCI cũng chia sẻ những giải pháp nhằm giúp Đông Nam Bộ thực hiện tốt chiến lược quy hoạch vùng. Trong đó, Đông Nam Bộ cần phải định vị là một khu vực thống nhất, liên kết kinh tế có sức cạnh tranh cao ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, khu vực này cùng cần xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề, sản phẩm, phân khúc sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Ngoài ra, khu vực này cũng phải xây dựng các cơ sở hạ tầng cứng và mềm như: thể chế, chính sách, giáo dục…nhằm tăng cường sức liên kết và cạnh tranh của các ngành nghề cốt lõi.
Phát biểu tại diễn đàn, TS Cao Đức Phát, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Vùng Đông Nam Bộ là khu vực đầu tàu kinh tế của cả nước bởi nhờ... "thiên thời, địa lợi".
Theo đó, khu vực này đứng thứ 2 cả nước về số doanh nghiệp thành lập mới với 3.376 doanh nghiệp, chiếm 69% tổng số doanh nghiệp thành lập của cả nước. Cùng với đó, nếu xét về tình hình vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới phân theo vùng lãnh thổ, Đông Nam Bộ cùng với Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có số vốn đăng ký cao nhất so với các vùng còn lại trong cả nước với vốn đăng ký 25.669 tỷ đồng, tăng 101,1%.
Ông Cao Đức Phát cũng cho rằng, Đông Nam Bộ là khu vực đang hội tụ những lợi thế nổi trội và có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, dịch vụ, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, để khai thác, phát huy tốt những cơ hội, tiềm năng sẵn có, khu vực này cũng cần phải tạo dựng được một sự liên kết chắc chắn giữa các tỉnh, thành trong vùng.
“Để phát huy được những tiềm năng, lợi thế của các tỉnh, thành nhất là những tỉnh xa, những tỉnh không thuộc vùng lõi trong khu vực như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Thuận và Ninh Thuận, việc thúc đẩy liên kết vùng cần mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến mở rộng các quan hệ kinh tế liên vùng và quốc tế là vô cùng quan trọng”, ông Phát nói.
Công Quang