1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TS Lê Xuân Nghĩa: Công nghiệp hoá đã không hề dễ dàng với Việt Nam

(Dân trí) - "Chúng ta đặt mục tiêu công nghiệp hoá đất nước, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Bốn nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá đất nước của họ", TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Tại Hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020" tổ chức tại Hà Nội sáng nay 15/5, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa đã thẳng thắn nói đến những thách thức trong mục tiêu công nghiệp hoá của Việt Nam.

Ông Nghĩa cho rằng, hiện ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam đang nằm trong tay của các doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI). Chính vì vậy, chúng ta mong muốn trở thành nước công nghiệp chỉ dựa vào họ thì rất đáng lo ngại.

Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa.
Chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa.

TS Nghĩa nhấn mạnh: "Chúng ta đặt mục tiêu công nghiệp hoá đất nước, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đây là mục tiêu không hề dễ dàng. Bốn nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á là Philipines, Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thất bại trong nỗ lực công nghiệp hoá đất nước của họ".

Ông này nói thêm, các chuyên gia của 4 nước trên đã khẳng định cơ hội để các nước Đông Nam Á trở thành một nước công nghiệp đã hết và không bao giờ quay lại. Bởi thế giới hiện nay là phẳng, các nước gần như đã mở cửa, xoá bỏ các rào cản về thuế quan, hàng hoá nên các nền kinh tế phát triển sẽ không bao giờ để chúng ta có được công nghệ của họ.

Với Việt Nam, bối cảnh hiện nay phát triển nền công nghiệp theo hướng công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin là hợp lý. Tuy nhiên, cần đi theo chuỗi giá trị gia tăng và chọn đầu tư nguồn nhân lực, tiến tới tạo ra sản phẩm, công nghệ mới tại đất nước mình.

Tuy nhiên, ông Nghĩa thừa nhận, để thành công, Việt Nam cần sự đầu tư và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống doanh nghiệp lẫn chính quyền, các nhà làm chính sách.

"Có thể học hỏi kinh nghiệm của Đài Loan trong thay đổi mô hình và cách thức tạo ra tăng trưởng bởi đây là nền kinh tế thành công nhất trong lĩnh vực công nghiệp điện tử tại khu vực. Năm 1962, thu nhập đầu người của Đài Loan chỉ bằng một nửa Malaysia, nhưng hiện nay đã gấp 3 lần", ông Nghĩa nói.

Nguyễn Tuyền

TS Lê Xuân Nghĩa: Công nghiệp hoá đã không hề dễ dàng với Việt Nam - 2