Trịnh Xuân Thanh đến PVC khi thuận lợi rồi “hạ cánh an toàn” trước bờ vực phá sản
(Dân trí) - Đúng ra, nếu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì ông Trịnh Xuân Thanh đã phải chịu án kỷ luật do có 2 năm lãnh đạo làm PVC bị lỗ (2011-2012). Tuy nhiên, sau đó PVC cũng đã “dàn xếp” được kết quả lãi khiêm tốn cho năm 2011 trước khi “rơi tự do” vào 2012-2013. Năm 2013, trong khi PVC đang trong bối cảnh kết quả sản xuất kinh doanh “đổ đèo” thì ông Thanh đã “rục rịch” chuyển công tác mới.
Trước khi về nhậm chức phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh - “quan ngông” đi làm bằng Lexus 570 gắn biển xanh - từng giữ nhiều chức vụ quan trọng tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
“Gây choáng” dư luận với đường quan lộ đẹp như vẽ của mình nhưng bước đường thăng tiến của Trịnh Xuân Thanh cũng để lại rất nhiều câu hỏi, bởi cống hiến của ông Thanh tại mỗi tổ chức mà ông này đi qua không như điều mà người ta mong đợi.
Theo báo cáo của Ủy ban kiểm tra Trung ương: “Thời gian 2007-2013, trên các cương vị là Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) PVC, dù đã có kiến nghị, cảnh báo của các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tình hình thua lỗ và tiềm ẩn thua lỗ, nhưng ông Trịnh Xuân Thanh và Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng quản trị, Ban tổng giám đốc, Ban Kiểm soát Tổng công ty đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế; đã để xảy ra nhiều sai phạm và thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2013), nhiều tổ chức, cá nhân trong Tổng công ty bị kỷ luật và xử lý hình sự”.
Trên thực tế, số liệu báo cáo tài chính qua các năm của PVC cho thấy, kể từ năm 2007 đến 2013 - dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, tình hình tài chính của PVC có bước tăng trưởng từ 2007 đến 2010, tuy nhiên, toàn bộ thành quả của 4 năm này đã bị xóa sạch chỉ trong 3 năm 2011-2013.
Riêng năm 2011, PVC “tung hỏa mù” số liệu với nhà đầu tư khi công bố lãi 299,4 tỷ đồng sau thuế tại báo cáo thường niên (năm 2010 lãi 686,4 tỷ đồng) nhưng sau khi rà soát, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu điều chỉnh hồi tố lỗ 19,12 tỷ đồng. Sau đó, công văn giải trình với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội của PVC lại cho biết, “kết thúc năm 2011, PVC công bố kết quả kinh doanh kiểm toán với công ty mẹ lãi 207 tỷ đồng, còn lãi hợp nhất 196 tỷ đồng”.
Phải đến ngày 25/12/2013, công ty này mới cho biết, Kiểm toán Nhà nước đã thống nhất đề xuất của PVC việc bổ sung bút toán hoàn nhập dự phòng đầu tư tài chính vào PVC-SG và lợi nhuận hợp nhất năm 2011 của PVC được “chốt” ở mức 590 triệu đồng.
Năm 2012, số liệu sau kiểm toán cho thấy, tổng doanh thu của PVC sụt giảm rất mạnh, chỉ bằng chưa tới một nửa năm 2011 (bằng 47,7%), đạt 4.610 tỷ đồng và mới chỉ hoàn thành 37% so với kế hoạch đặt ra.
Kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2012 rất táo bạo, gấp hơn 3 lần thực hiện 2011 nhưng kết quả bết bát khi ghi nhận lỗ trước thuế 1.824 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.847,3 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ đã góp vào kết quả lỗ này xấp xỉ 1.369 tỷ đồng.
Đúng ra, nếu theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước thì ông Trịnh Xuân Thanh đã phải chịu án kỷ luật do có 2 năm lãnh đạo làm PVC bị lỗ (2011-2012). Tuy nhiên, sau đó PVC cũng đã “dàn xếp” được kết quả lãi khiêm tốn cho năm 2011 trước khi “rơi tự do” vào 2012-2013.
Năm 2013, trong khi PVC đang trong bối cảnh kết quả sản xuất kinh doanh “đổ đèo” thì ông Thanh đã “rục rịch” chuyển công tác mới. Ngày 30/9/2013, ông Thanh được Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng ký quyết định bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công Thương tại Đà Nẵng. Chỉ 7 ngày sau đó, tại trụ sở Bộ Công Thương, ông Thanh nhận quyết định bổ nhiệm từ Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa.
Mặc dù ông Thanh không phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với khoản lỗ hơn 1.600 tỷ đồng của PVC trong năm 2013 nhưng cũng không thể chối bỏ một phần lớn trách nhiệm. Nửa đầu năm 2013, PVC báo lỗ 625,7 tỷ đồng và sau khi đơn vị kiểm toán Deloitte bắt tay vào soát xét thì số lỗ tăng vọt lên 1.578 tỷ đồng.
Trong báo cáo đánh giá vào tháng 9/2013 của ông Bùi Ngọc Thắng, Chủ tịch HĐQT, người thay thế ông Trịnh Xuân Thanh làm đại diện phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVC, ông Thắng đã phải thừa nhận thực tế rằng, với bề dày 30 năm và được hưởng nhiều lợi thế, song “nếu không có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt thì PVC không có khả năng hoạt động liên tục, dẫn đến nguy cơ phá sản rất cao”.
Câu hỏi đặt ra, đó là vì sao PVC đang trên đà tăng trưởng tốt, đầy triển vọng thì bất ngờ kết quả kinh doanh lại lao dốc thảm hại trong 2 năm cuối khi ông Thanh chuẩn bị “hạ cánh an toàn” về Bộ Công Thương? Vấn đề này Dân trí sẽ làm rõ hơn trong bài viết tới.
(Còn tiếp...)
Bích Diệp