Tranh cãi chuyện "sung công" quản lý dịch vụ tiện ích tại địa phương, bộ ngành

(Dân trí) - Theo Nghị định số 151/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 118/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính, trong danh mục những ngành mà Nhà nước có vốn chủ sở hữu phải chuyển về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý, có những doanh nghiệp (DN) là đơn vị cung cấp tiện ích công cộng trực thuộc Bộ, tỉnh.

Điều này đồng nghĩa với các địa phương phai giao quyền quản lý của mình về cho SCIC. Tuy nhiên, thực tế nhiều DN cho rằng, họ muốn giữ lại bởi điều đó tốt cho ngành, làm lợi xã hội.

Tại Hội thảo Chuyển giao doanh nghiệp Nhà nước về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) sáng nay 21/2, sau khi kết quả công bố có 173/234 DN Nhà nước vẫn chưa thực hiện bàn giao vốn cho SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia đã có cuộc đối chất về vấn đề quản lý DN cung ứng dịch vụ công ích.

Bộ, địa phương giữ vì... quản tốt và có lợi hơn

Ông Đỗ Thái Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nói: "Làm thế nào để cho DN phát triển trong điều kiện hiện nay? SCIC nói họ quản lý DN cơ bản thành công, nhưng có DN đang có điều kiện phát triển, khi chuyển giao về SCIC lại không thành công, nên vướng mắc ở DN không muốn chuyển là vậy".

Dịch vụ tiện ích được quy định chuyển về SCIC quản lý, tuy nhiên nhiều địa phương muốn tư tay quản lý (ảnh minh hoạ)
Dịch vụ tiện ích được quy định chuyển về SCIC quản lý, tuy nhiên nhiều địa phương muốn tư tay quản lý (ảnh minh hoạ)

Ông Hưng nhấn mạnh thêm: "Mỗi DN có vấn đề khác nhau, nếu đưa ra vấn đề để xử lý chung thì rất khó. Điều đáng nói là cách làm ở SCIC phải phù hợp với các DN, địa phương. Thứ hai là các DN họ có muốn về SCIC hay không? Bản thân tôi trước đây cũng ở DN, nhiều khi không muốn xin đi khỏi Bộ, ở Bộ có môi trường tốt hơn mà vẫn hiệu quả. Việc chuyển DN về SCIC có phải là đột phá hay không đột phá? Vấn đề này cần mềm mỏng, không nên cứng nhắc được".

Đại diện tỉnh Hà Tĩnh nêu quan điểm: Đối với các DN cung ứng tiện ích công cộng, SCIC quản lý có hiệu quả hay tỉnh quản lý hiệu quả hơn? Nhiều mô hình DN, chúng tôi thấy khi SCIC vào thì tốt nhưng khi SCIC thoái vốn tỉnh không hề hay biết.

"Ví dụ như nước sạch, kế hoạch hóa nông thôn, thoát nước, đê điều.... Nếu trao hết cho SCIC làm thì chúng tôi lấy vốn từ đâu để đầu tư, nâng cấp những nhiệm vụ cấp bách. Tôi kiến nghị xem lại Nghị quyết 151, SCIC quản lý nhiều quá, có những cái cần có bàn tay chính sách nên không thể bỏ hết cho họ được", đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh nói.

Theo ôngTrần Tiến Cường, nguyên trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN (Viện CIEM): Nếu không đưa các DN công ích tại các địa phương, chuyên ngành mà cứ để DN công ích như hiện nay thì chúng ta sẽ có những DN cung cấp những tiện ích mà không cần thiết cho thị trường.

"Nhiều dịch vụ tiện ích hiện nay chưa thể đáp ứng được thực tiễn. Ví dụ như Hà Nội, đường ống cấp thoát nước, rất nhiều đồng hồ nước của hộ gia đình bị hỏng, mờ số, gãy. Các hộ gia đình muốn xin thay đổi đồng hồ lại có một trở ngại vô cùng lớn. Để mời người ta đến thay, cũng phải mất tiền. Chuyển về cho SCIC dù hiện có tồn tại nhưng cũng còn tốt hơn để tại địa phương, tản mạn, không có chuyên nghiệp quản lý", ông Cường cho hay.

Chuyên gia Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ KH&ĐT cho rằng: "Tôi thấy vấn đề chuyển vốn cho đơn vị quản lý chuyên nghiệp như SCIC của các địa phương, Bộ ngành vẫn nói nhẹ quá, trong khi đó vấn đề cần đột phá, quyết liệt. Ý kiến ở bộ, địa phương, DN còn dè dặt và dường như bóng ở chân mình nên mình không nói nhiều mà chỉ hứa. Nghe các vị nói, chúng tôi không lo lắng, nhưng có điều có thực tế các vị có thúc đẩy được không và đã làm gì được chưa?".

Không chuyển được vốn vì vướng lợi ích sân sau

Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư Pháp cho rằng: "Khó thoái vốn, chuyển vốn là do đây là vấn đề lợi ích. Cái thứ nhất là thiếu thống nhất về lợi ích để thực hiện, ở đâu không có sự thống nhất về lợi ích, thì không có thống nhất về tư duy và hành động. Chính phủ bảo làm mà không thực hiện, bởi vì sau đó là sân sau, là lợi ích, nguy hiểm lắm. Nguyên nhân thứ 2 là thiếu cương quyết, xuề xoà, không cách chức những người có quyền, có trách nhiệm thì không xử lý được. Thứ 3 là thể chế chúng ta thiếu cam kết, giải quyết lỏng lẻo dẫn đến trì trệ, kéo dài.

Ông Huệ nói: "Đây là việc lớn nên không giải quyết nhỏ được. Chính phủ cần phải có hai cuộc họp, một là với Bộ và một là cuộc họp với địa phương, để họ trình bày nỗi khổ của họ, vấn đề tồn tại, lời hứa và thời gian thực hiện cam kết. Chính phủ phải ra Nghị quyết. Những gì cần bổ sung hay bỏ đi như thế nào thì phải rạch ròi, cam kết giữa các Bộ với nhau cũng phải gắn chặt vào quy chế".

Còn ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng Giám đốc SCIC cam kết: Chúng tôi đảm bảo 1 đồng không bao giờ thất thoát, lợi nhuận nộp về cho Nhà nước, Nhà nước đầu tư cho đâu thì đó là quản lý. Còn về việc các Bộ, DN yêu cầu các DN phục vụ ngành, tiện ích công cộng địa phương cần để nguyên trạng, không giao cho SCIC để thuận lợi cho ngành.

Ông Hiển cho rằng: "Chúng tôi không tán thành việc ngành nào lợi ngành ấy, đem lãi về cho ngành ấy. Vốn và lãi của DN sau khi về SCIC, chúng tôi nộp cho Nhà nước và Nhà nước đầu tư vào đâu hiệu quả thì đó là kết quả tốt nhất", ông Hiển phân tích.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, chuyển sang kinh tế thị trường đã 30 năm, yêu cầu là cạnh tranh bình đẳng, nếu không thì thị trường chỉ có méo mó. "Chậm chuyển vốn cho SCIC có nhiều nguyên nhân, về mặt pháp luật có thể không hoàn thiện, vướng mắc. Tuy nhiên nói không thể không thực hiện được do luật và cơ chế cũng không đến nỗi chậm như vậy. Hiện mới có 61 DN thống nhất về SCIC thôi chứ họ chưa về hẳn, còn phần lớn các DN chưa về. Nói như đại diện Bộ Tư Pháp là tư tưởng, kỷ cương, kỷ luật chưa thông, thì chưa giải quyết được. Lỗi này có phần là của lãnh đạo cơ quan Nhà nước, DN và địa phương. Đó là lợi ích đang chi phối hành động", TS Cung nói.

Nguyễn Tuyền