Tổng Kiểm toán Nhà nước thừa nhận một số việc làm chưa tốt trong nhiệm kỳ
(Dân trí) - Theo tin từ Văn phòng Quốc hội ngày 17/3, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn vừa có báo cáo nhiệm kỳ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị Đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo này, Tổng KTNN cũng đã thừa nhận một số việc chưa làm được trong nhiệm kỳ của mình.
Cụ thể, theo Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, KTNN đã thực hiện tốt một số chức năng, nhiệm vụ được giao như: tăng cường hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động kiểm toán với việc ban hành hàng trăm quyết định, 21 văn bản quy phạm pháp luật, 110 văn bản quản lý ngành…
Trong việc thực hiện nhiệm vụ chính của KTNN, Tổng Kiếm toán Nguyễn Hữu Vạn tự đánh giá: “Hoạt động kiểm toán từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp và có nhiều tiến bộ, chất lượng không ngừng được nâng cao trong tất cả các khâu, giai đoạn của quá trình kiểm toán” và việc kiểm soát chất lượng, thanh tra các cuộc kiểm toán đã được tăng cường.
Đáng chú ý, theo Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn, trong nhiệm kỳ vừa qua, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý nhiều khoản sai phạm về tài chính với tổng số tiền lên tới 101.037 tỉ đồng và thông qua đó, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính, tài sản công.
“KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản, cung cấp các kết quả kiểm toán có giá trị, phục vụ tốt hơn việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước, hoạt động giám sát của Quốc hội…”, báo cáo của KTNN cho biết.
Cũng theo KTNN, trong toàn nhiệm kỳ XIII, KTNN cũng đã 54 bộ hồ sơ cho các cơ quan điều tra, các cơ quan quản lý phục vụ điều tra, giám sát, quản lý , chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra của Bộ Công an.
Tuy nhiên, Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn cũng thừa nhận một số việc chưa được làm tốt trong nhiệm kỳ của mình. Ông cho biết, chất lượng kiểm toán còn “có khoảng cách” với yêu cầu của Luật KTNN và chuẩn mực của các cơ quan kiểm toán tối cao thế giới.
“Hoạt động kiểm toán chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm. Thời gian kiểm toán còn dài, chưa thật sự tinh gọn”, ông tự nhận xét.
Đáng chú ý, Tổng KTNN tự đánh giá hiệu lực của kiểm toán chưa cao, thể hiện qua việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân với các sai phạm được phát hiện chưa đầy đủ, nghiêm minh.
“Việc thực hiện kết luận kiểm toán, năm cao nhất cũng chỉ đạt 72%”, ông Vạn nêu.
Ngoài ra, Tổng KTNN Nguyễn Hữu Vạn còn cho biết, trong nhiệm kỳ này, KTNN còn một loạt vấn đề chưa làm tốt như việc xây dựng, ban hành các chuẩn mực kiểm toán chưa hoàn thiện; việc đổi mới cách thức kiểm toán, chọn vấn đề, qui mô, chất lượng kiểm toán chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước; nhân lực KTNN có chất lượng chưa đồng đều, một số kiểm toán viên thiếu kinh nghiệm, năng lực còn chưa cao, có một số trường hợp còn vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp…
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, nhiệm kỳ này, một số trọng tâm, mục tiêu, nội dụng kiểm toán của KTNN là “chưa phù hợp với thực tế”, còn chồng chéo, trùng lắp với kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cơ quan khác. Qui mô kiểm toán hàng năm tuy tăng lên nhưng vẫn chưa thực hiện được yêu cầu kiểm toán thường xuyên các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
“Chất lượng báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, một số kết luận chưa sát thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên nhiều kiến nghị của KTNN không được thực hiện”, ông Hiển nêu trong một đánh giá của Ủy ban Tài chính-Ngân sách về nhiệm kỳ KTNN dưới thời ông Nguyễn Hữu Vạn làm lãnh đạo.
Hà Nguyễn