Bị kiểm toán “sờ gáy”, nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý

(Dân trí) - Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, tình hình tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp. Qua 110 báo cáo kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 11.000 tỷ đồng (tăng thu 2.400 tỷ đồng; giảm chi 4.000 tỷ đồng).

tham-nhung-1445877015850

Tình hình tham nhũng ngày càng phức tạp

Báo cáo lên Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2015 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho hay, trong 9 tháng đầu năm, thông qua kết quả kiểm toán, KTNN đã chuyển 1 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán (từ kết quả kiểm toán năm 2015) sang Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Cụ thể, KTNN đã đề nghị Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm – Bộ Công an điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật về một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán tại Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHBS)

Đồng thời, cơ quan kiểm toán cũng đã tiếp nhận kết quả điều tra 1 vụ việc (do KTNN chuyển năm 2014) từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an. Theo đó, trong Thông báo số 126/C46(P12) ngày 29/5/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an nhận xét: Việc một số lãnh đạo Tổng công ty VTC ký hợp đồng thuê vệ tinh Asiasat 5 với Asia Satellite Telecommunication CompanyLimited Hồng Kông không tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về đấu thầu và mua sắm, nhưng không xác định được số tiền lãng phí (hậu quả thiệt hại).

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành công nghệ thông tin, chưa có cơ quan nào giám định về lĩnh vực này để đánh giá chính xác sai phạm ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông, nên Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển toàn bộ vụ việc trên đến Bộ để kiểm tra, nếu có dấu hiệu phạm tội sẽ chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, xử lý.

9 tháng đầu năm, KTNN cũng cung cấp 7 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán theo yêu cầu của cơ quan điều tra, thanh tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát.

Theo đánh giá của cơ quan kiểm toán, các biện pháp đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời tình hình tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng ngày càng diễn biến phức tạp.

Số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán chuyển sang cơ quan điều tra còn thấp so với sai phạm KTNN kiến nghị xử lý tài chính. Chủ yếu KTNN kiến nghị cơ quan quản lý, người đứng đầu  đơn vị được kiểm toán kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các sai phạm, dẫn tới xử lý hành chính là chủ yếu.

Cơ quan này cũng nhìn nhận, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính còn chưa cao. Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 110 báo cáo kiểm toán cho thấy, cơ bản kết quả kiểm toán vẫn được duy trì tốt so với các năm trước, trong đó đã kiến nghị xử lý tài chính là 11.141,8 tỷ đồng (tăng thu 2.417,2 tỷ đồng; giảm chi 4.037,4 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 4.687,2 tỷ đồng).

Bích Diệp

Bị kiểm toán “sờ gáy”, nhiều lãnh đạo vướng vòng lao lý - 2